Thúc đẩy công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng

30/10/2021 22:10

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa đề nghị đề ra giải pháp bảo đảm khuyến khích sáng tạo, thúc đẩy đa dạng các biểu đạt văn hóa, kết nối nguồn tài nguyên văn hóa với khoa học, công nghệ hiện đại.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương thảo luận tại hội trường Diên Hồng

Trong phiên thảo luận trực tuyến sáng 30.10 về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương khẳng định công nghiệp văn hóa là ngành công nghiệp kết hợp các yếu tố nguồn vốn văn hóa, tài năng sáng tạo, cơ sở hạ tầng và công nghệ sản xuất hiện đại, từ đó, sản sinh ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa đem lại lợi ích kinh tế. Đây là ngành công nghiệp có khả năng đem lại nguồn thu lớn, lượng việc làm đáng kể, là ngành công nghiệp mũi nhọn của nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và xác định quan điểm: các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân và đặt ra mục tiêu đến năm 2020, doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3% GDP, đến năm 2030, góp khoảng 7% GDP và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội. Kèm theo mục tiêu tổng quát đó là những chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể của từng ngành, lĩnh vực trong công nghiệp văn hóa.

Theo đại biểu Thoa, trong những năm qua, các ngành công nghiệp văn hóa như: du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, quảng cáo… đã có những đóng góp đáng kể vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống ở nhiều địa phương và trên phạm vi cả nước, đồng thời, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng trong giai đoạn hiện nay.

Ở nhiều nước trên thế giới, các ngành công nghiệp văn hóa là một ngành kinh tế hết sức quan trọng với sự đóng góp về kinh tế được thể hiện trên cả phương diện trực tiếp và gián tiếp từ đa góc độ. Thu nhập và việc làm là đóng góp trực tiếp mang tính định lượng rõ ràng nhất của các ngành công nghiệp văn hóa đối với nền kinh tế của mỗi quốc gia và toàn cầu. Bên cạnh đó, một hoạt động văn hóa có thể dẫn tới hiệu ứng kinh tế của nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Ví dụ ngành công nghiệp điện ảnh ở Hàn Quốc đã thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch, ẩm thực, thời trang, sản xuất đồ chơi, đồng thời, dẫn dắt lối sống và thị hiếu thẩm mỹ của giới trẻ. Ở một số nước, các ngành công nghiệp văn hóa là khu vực có độ tăng trưởng cao, thậm chí gấp nhiều lần so với tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của quốc gia. Tuy nhiên, mặc dù sở hữu nguồn tài nguyên văn hóa đồ sộ cùng năng lực sáng tạo dồi dào, nhưng hầu hết các lĩnh vực công nghiệp văn hóa ở nước ta chưa thực sự được đầu tư xứng đáng để khai thác tiềm năng và phát triển.

Tại kỳ họp này, trình Quốc hội về dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, nhưng theo đại biểu Thoa, báo cáo của Chính phủ chưa có đánh giá kết quả phát triển ngành công nghiệp văn hóa; tình hình phát triển thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa trong tổng kết, đánh giá kết quả của giai đoạn 2016-2020; nhiệm vụ và giải pháp cho lĩnh vực này trong giai đoạn 2021-2025 còn mờ nhạt. 

Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo tổng kết việc thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa giai đoạn 2016-2020 để xác định chính xác mức đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa cho nền kinh tế quốc dân, những hạn chế, vướng mắc là điểm nghẽn, cản trở sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, những giải pháp cụ thể hơn cho giai đoạn tiếp theo.

Thứ hai, nhất trí với quan điểm thể hiện trong dự thảo Kế hoạch là gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa - xã hội và phục hồi môi trường, phát huy yếu tố con người, giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, coi đây là nguồn lực, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững. Quan điểm này là phù hợp với chủ trương phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa thể hiện trong văn kiện Đại hội lần thứ 13 của Đảng. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị quan điểm này cần phải được cụ thể hóa trong mục tiêu tổng quát và những chỉ tiêu cụ thể phát triển từng ngành cấu thành của công nghiệp văn hóa trong dự thảo kế hoạch.

Thứ ba, về các giải pháp, nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, tại mục cơ cấu lại các ngành dịch vụ, đề nghị tách riêng 1 mục dành cho mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa với các chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho từng ngành dịch vụ văn hóa, bao gồm: du lịch văn hóa, quảng cáo, báo chí - xuất bản, điện ảnh - truyền hình, phát thanh, âm nhạc, thời trang, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, phần mềm và các trò chơi giải trí. Đồng thời, các nội dung này cũng cần được quy định cụ thể trong nghị quyết của Quốc hội.

Các giải pháp đề ra cần bảo đảm khuyến khích sáng tạo, thúc đẩy đa dạng các biểu đạt văn hóa, kết nối nguồn tài nguyên văn hóa với khoa học, công nghệ hiện đại để thúc đẩy công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ ràng về chất và lượng, vừa đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, vừa tạo ra các sản phẩm tinh thần tốt đẹp cho xã hội, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa truyền thống của Việt Nam ra thế giới.

Trong điều kiện nước ta phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay, các hình thức sản xuất sản phẩm văn hóa sẽ xuất hiện đa dạng, sự sáng tạo cá nhân và các nguồn lực đầu tư của xã hội từ các thành phần kinh tế khác nhau là hết sức quan trọng nhưng không thể thiếu vai trò quản lý nhà nước, sự khuyến khích và đầu tư của nhà nước, góp phần định hướng, tạo nền tảng cho sự phát triển và bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước ta.

LINH AN

(0) Bình luận
Thúc đẩy công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng