Thủ tướng Đức nói rằng mục đích của ông là ngăn chặn một cuộc chiến với Nga trong bối cảnh Berlin đang cân nhắc việc cung cấp tên lửa tầm xa cho Kiev.
Theo đài RT, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố Đức sẽ không tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine nhưng sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kiev. Bình luận này được đưa ra trong bối cảnh đồng minh của Ukraine đang thảo luận công khai về việc liệu Berlin có nên cung cấp tên lửa tầm xa Taurus cho Kiev hay không.
Phát biểu tại một sự kiện do tờ Augsburger Allgemeine tổ chức hôm 18/8, khi được hỏi liệu có khả năng Đức trở nên “tích cực tham gia vào cuộc chiến” hay không, ông Scholz trả lời rằng "mục đích của ông là ngăn chặn điều này" và đó là lý do tại sao "không có lính Đức ở Ukraine và sẽ không có bất kỳ người nào."
Tuy nhiên, Thủ tướng Scholz nói rằng Berlin sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine. Ông nói thêm rằng mỗi quyết định về mặt này đã được đưa ra một cách thận trọng và phối hợp với các đồng minh. Theo ông, phương Tây không muốn xung đột phát triển thành “cuộc chiến giữa Nga và NATO”.
Đầu tháng này, nhà lập pháp Ukraine Egor Chernev nói rằng nhiều đồng nghiệp người Đức của ông ủng hộ việc cung cấp cho Kiev tên lửa Taurus có tầm bắn khoảng 500km. Nghị sĩ Chernev tuyên bố rằng các đảng phái chính trị của Đức đã đạt được sự đồng thuận rộng rãi về vấn đề này, và Ukraine hiện đang chờ quyết định chính thức.
Đài RTL và N-TV của Đức đã thực hiện một cuộc thăm dò cho thấy 66% người Đức phản đối ý tưởng này, chỉ có 28% ủng hộ.
Ukraine đã yêu cầu Đức cung cấp tên lửa Taurus ít nhất là từ cuối tháng 5, mặc dù các quan chức cấp cao ở Berlin, trong đó có Thủ tướng Scholz và Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius, cho đến nay vẫn bác bỏ yêu cầu này.
Nhưng giới lãnh đạo Đức cũng đã do dự trong vài tháng về việc giao xe tăng chiến đấu Leopard, trước khi đồng ý vào cuối tháng 1 năm nay.
Với việc cuộc phản công mùa hè của Ukraine không đạt được kỳ vọng ban đầu, mà các quan chức cấp cao ở Kiev và các thủ đô phương Tây đều thừa nhận, các quốc gia thành viên NATO đã tuyên bố sẽ tiếp tục hỗ trợ nước này “chừng nào còn có thể”.
Trong khi đó, Nga đã cảnh báo các quốc gia phương Tây rằng việc gửi vũ khí tới Ukraine sẽ chỉ kéo dài xung đột, đồng thời làm tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa NATO và Moskva.
Trước tuyên bố nói trên về Ukraine, Thủ tướng Olaf Scholz hôm 13.8 cũng đã kêu gọi một nỗ lực ngoại giao lớn hơn để chấm dứt cuộc xung đột đang diễn ra giữa Moskva và Kiev, nói rằng hội nghị thượng đỉnh gần đây về Ukraine ở Jeddah (Saudi Arabia) là một sự kiện "rất đặc biệt".
Trong cuộc trả lời phỏng vấn quan trọng thường niên với đài truyền hình nhà nước ZDF của Đức, được phát sóng hôm 13/8, Thủ tướng Scholz thúc giục các nỗ lực ngoại giao hơn nữa, nói rằng ngoại giao có thể hữu ích để "gây áp lực" chấm dứt xung đột. “Việc chúng tôi tiếp tục các cuộc đàm phán này là hợp lý vì chúng làm tăng áp lực buộc Nga phải nhận ra rằng họ đã đi sai đường và rằng họ phải rút quân và thực hiện hòa bình", ông nói.
Trong khi đó, Moskva đã bác bỏ các cuộc đàm phán do Saudi Arabia chủ trì. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố rằng, “không có sự tham gia của Nga và không tính đến lợi ích của nước này, thì không một cuộc họp nào về cuộc khủng hoảng Ukraine có bất kỳ giá trị gia tăng nào”.
Khi được hỏi về triển vọng hỗ trợ quân sự hơn nữa cho Ukraine và đặc biệt là việc sắp chuyển giao tên lửa hành trình tầm xa Taurus, thủ tướng Đức đã không đưa ra câu trả lời trực tiếp. “Như trước đây, chúng tôi sẽ luôn xem xét rất cẩn thận từng quyết định, điều gì có thể xảy ra, có ý nghĩa gì, điều gì có thể mang lợi ích cho chúng tôi", ông Scholz nói.
Không giống như nhiều nước phương Tây, Đức vốn phản đối yêu cầu cung cấp khí tài quân sự ngày càng tinh vi từ phía Ukraine. Nhưng tình hình đã thay đổi vào đầu năm nay, khi Berlin nhượng bộ trước áp lực gia tăng và đồng ý cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2, cũng như cho phép các bên thứ ba tái xuất các phương tiện quân sự do Đức sản xuất sang Ukraine.
Theo Báo Tin tức