Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng đề nghị vấn đề "trách nhiệm kép," mỗi quốc gia có thêm trách nhiệm đối với các vấn đề toàn cầu, mỗi cá nhân có thêm vai trò công dân toàn cầu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên thảo luận Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 73. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Vào lúc 14 giờ 30 chiều 27.9 (khoảng 1 giờ 30 sáng 28.9, theo giờ Hà Nội), tại trụ sở Liên hợp quốc, TP New York (Mỹ), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 73.
Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng đề nghị vấn đề "trách nhiệm kép," mỗi quốc gia có thêm trách nhiệm đối với các vấn đề toàn cầu, mỗi cá nhân có thêm vai trò công dân toàn cầu. Trong bối cảnh đó, vai trò của Liên hợp quốc trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong việc kiến tạo những nền tảng phát triển mới để xử lý có hiệu quả các thách thức toàn cầu. Các quốc gia cần tiếp tục đề cao vai trò của Liên hợp quốc và cùng nhau đoàn kết, phấn đấu “Vì một thế giới hoà bình, công bằng và phát triển bền vững."
Diễn ra từ ngày 25.9-1.10, Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 73 có chủ đề “Làm cho Liên hợp quốc gắn bó với tất cả người dân: Lãnh đạo toàn cầu và chia sẻ trách nhiệm vì các xã hội hòa bình, công bằng và bền vững." Phiên thảo luận có sự tham dự của đại diện lãnh đạo hơn 100 quốc gia.
Trong bài phát biểu của mình, thay mặt Chính phủ và Nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ lời cảm ơn chân thành đối với Đại hội đồng đã dành phút mặc niệm về việc Chủ tịch nước Trần Đại Quang vừa qua đời.
Thủ tướng đánh giá cao vị thế của Liên hợp quốc ngày nay đã thực sự trở thành biểu tượng của tinh thần đoàn kết toàn cầu, nơi kết tinh các giá trị tiến bộ nhân văn và hiện thực hóa khát vọng vươn lên vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong hệ thống quốc tế đa phương và tích cực đóng góp thực hiện các trụ cột hợp tác cơ bản của Liên hợp quốc về duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, hợp tác phát triển và bảo đảm quyền con người.
Thông tin đến các nguyên thủ, các nhà lãnh đạo cấp cao các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, Thủ tướng nêu rõ, từ một nước nghèo kém phát triển, người dân thiếu lương thực, Việt Nam đã vươn lên, đạt tăng trưởng GDP cao trên 6% trong hơn 20 năm qua, là nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới và từ năm 2010 trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình. Việt Nam đã ký, tham gia và đang đàm phán 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), mở ra quan hệ thương mại tự do với gần 60 quốc gia, đối tác lớn trên thế giới.
Việt Nam cũng đã tổ chức thành công Năm APEC 2017, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132, Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018, Hội nghị Hợp tác Tiểu vùng Mekong lần 6, thực hiện Tầm nhìn 2025 về xây dựng Cộng đồng ASEAN và tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình. Việt Nam cũng là một trong số ít quốc gia đã hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ MDG 2015 của Liên hợp quốc, nhất là về xóa đói giảm nghèo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chúng tôi luôn nhất quán trong việc đề cao Hiến chương Liên hợp quốc, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế trong giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình, trong đó có khu vực Biển Đông trên cơ sở Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không."
Thủ tướng cũng đề cập đến những cơ hội mới để phát triển kinh tế của các quốc gia trên thế giới trong bối cảnh tiến bộ vượt bậc về khoa học, công nghệ trong cách mạng công nghiệp 4.0; tư duy cường quyền đề cao sức mạnh, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, sự gia tăng các biện pháp đơn phương tiếp tục là mối đe dọa đối với hòa bình, ổn định quốc tế...
Thủ tướng khẳng định không một quốc gia nào, dù đó là các cường quốc giàu mạnh, có đủ sức giải quyết những thách thức to lớn đối với toàn cầu hiện nay. Điều đó đòi hỏi sự nỗ lực, chung tay của mọi quốc gia trên hành tinh. Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề nghị vấn đề ”trách nhiệm kép," mỗi quốc gia có thêm trách nhiệm đối với các vấn đề toàn cầu, mỗi cá nhân có thêm vai trò công dân toàn cầu.
Nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của Liên hợp quốc trong việc kiến tạo những nền tảng phát triển mới để xử lý có hiệu quả các thách thức toàn cầu, Thủ tướng đề nghị: Các quốc gia cần tiếp tục đề cao vai trò của Liên hợp quốc và cùng nhau đoàn kết, phấn đấu “Vì một thế giới hòa bình, công bằng, và phát triển bền vững."
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hy vọng, các cường quốc, các nước phát triển hãy bằng hành động thiết thực, hãy là những tấm gương đi đầu trong gìn giữ hòa bình và phát triển. “Đại hội đồng Liên hợp quốc hãy là trung tâm để các quốc gia, dân tộc hợp tác vì hòa bình, công bằng và phát triển bền vững," Thủ tướng nói, đồng thời khẳng định quan điểm của Việt Nam ủng hộ việc dỡ bỏ cấm vận đơn phương để Cuba được thực hiện quyền tự do tham gia một cách công bằng, bình đẳng vào các quan hệ kinh tế, thương mại theo luật pháp quốc tế.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Liên hợp quốc cần cải cách mạnh mẽ, toàn diện theo hướng nâng cao hiệu quả, dân chủ và minh bạch để thực hiện tốt vai trò không thể thay thế được trong lãnh đạo xử lý các thách thức toàn cầu.
Thủ tướng cũng đề nghị Liên hợp quốc tăng cường hợp tác với các khu vực, trong đó có đẩy mạnh Cơ chế hợp tác thượng đỉnh Liên hợp quốc và ASEAN theo hướng tăng nội hàm của Liên hợp quốc trong ASEAN và làm đậm nét nội hàm ASEAN trong Liên hợp quốc.
Nhấn mạnh đến việc Việt Nam đã ứng cử làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng phát biểu cảm ơn 53 nước châu Á-Thái Bình Dương đã nhất trí đề cử Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của Nhóm và cảm ơn sự ủng hộ rộng rãi của các nước khác dành cho Việt Nam. Thay mặt Chính phủ và Nhân dân Việt Nam, Thủ tướng trân trọng đề nghị và mong muốn nhận được sự ủng hộ của tất cả các quốc gia thành viên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Việt Nam cam kết sẽ luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và Liên hợp quốc”.
Theo TTXVN