Từ bên ngoài chúng ta thấy sự hư hỏng, nhưng chúng ta không thể ngờ sự hư hỏng lại nhiều đến vậy.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad. (Ảnh: EPA/TTXVN)
Theo CNN, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, người đã giành chiến thắng vang dội hồi đầu năm nay ở tuổi 92, cho biết ông đã “thừa hưởng” một chính phủ tệ hại với tệ tham nhũng và rất ít quan chức đáng tin cậy.
Trả lời phỏng vấn hãng tin CNN tại văn phòng của ông ở Putrajaya, phía nam thủ đô Kuala Lumpur, ông Mohamad chia sẻ: “Từ bên ngoài chúng ta thấy sự hư hỏng, nhưng chúng ta không thể ngờ sự hư hỏng lại nhiều đến vậy. Hầu hết các quan chức hàng đầu trong chính phủ tham nhũng. Tôi phải làm việc với một số người bị nghi ngờ tham nhũng. Đây là một công việc khó khăn, nếu bạn không làm việc với cộng sự mà bạn tin tưởng, bạn không rõ liệu điều bạn muốn họ làm có thực sự được thực hiện hay không."
Theo báo cáo về chỉ số cảm nhận tham nhũng toàn cầu (CPI) do tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố năm 2017, Malaysia hiện xếp thứ 62 trong tổng số 180 quốc gia.
Cùng với tình trạng tham nhũng lan rộng và bê bối Quỹ đầu tư nhà nước (1MDB) của cựu Thủ tướng Najib Razak, ông Mahathir cũng đang đối mặt với các thách thức trong chính sách đối ngoại quan trọng, trong bối cảnh nước này đang đối mặt với một Trung Quốc ngày càng gây hấn và ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Về mối quan hệ với Trung Quốc, Thủ tướng Mahathir tỏ ra thận trọng hơn so với người tiền nhiệm Najib. Ông Mahathir cho biết: “Chúng tôi luôn thân thiện với Trung Quốc. Có một câu nói ‘kẻ mạnh sẽ có được cái họ muốn, còn kẻ yếu sẽ nhượng bộ những gì họ buộc phải đầu hàng’.” Đề cập tới hành động ngày càng hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông, ông Mahathir cho biết “chúng ta không thể gây chiến với họ."
Thủ tướng Malaysia giải thích: “Họ quyền lực hơn, và chúng ta không thể tranh đấu với họ, vậy làm thế nào chúng ta hưởng lợi từ sự thịnh vượng và sức mạnh của họ? Đó là điều chúng tôi đang xem xét. Chúng ta phải chấp nhận thực tế tình hình."
Ông cũng cáo buộc Trung Quốc tìm cách “lây lan sự ảnh hưởng bằng việc sử dụng đồng tiền của họ," và nhấn mạnh, trong khi các siêu dự án do Trung Quốc hỗ trợ được hoan nghênh tại Malaysia, thì ông không muốn chính phủ hoặc doanh nghiệp phụ thuộc vào việc vay mượn tiền Trung Quốc.
Mối lo ngại trong chính sách đối ngoại lớn thứ hai của Thủ tướng Mahathir là một cường quốc Thái Bình Dương khác là Mỹ. Ông Mahathir cho rằng: “Cuộc chiến thương mại không mang lại điều gì tốt đẹp cho thế giới. Ông (Trump) đã yêu cầu những thứ không thể chấp nhận được." Theo ông, cuộc chiến thương mại sẽ gây tổn thương cho mọi người.
Lo ngại an ninh của Malaysia không chỉ dừng lại ở các tàu chiến Trung Quốc ở Biển Đông. Giống như nhiều nước láng giềng, Kuala Lumpur cũng đang đối mặt với mối đe dọa gia tăng từ chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo, xuất phát từ việc các phiến quân quay trở về từ Trung Đông và nảy nở các nhóm có quan hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
TTXVN