Thủ tướng: Doanh nghiệp nhà nước phát huy vai trò dẫn dắt trong nền kinh tế

24/03/2022 21:33

Doanh nghiệp nhà nước phải đóng vai trò tiên phong trong đổi mới, sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ; thể hiện vai trò dẫn dắt trong nền kinh tế.

Trên đây là nhấn mạnh của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị trực tuyến toàn quốc với doanh nghiệp nhà nước. Hội nghị diễn ra ngày 24.3 với chủ đề "Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội". 

Chú thích ảnh

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Cùng dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương và 63 tỉnh, thành phố; cùng các Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc của trên 40 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước.

Từ các ý kiến đóng góp tại hội nghị, Chính phủ sẽ hoàn thiện và sớm ban hành Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy đổi mới, nâng cao hiệu quả nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội.

Theo các báo cáo và ý kiến tại hội nghị, trong thời gian qua, khu vực doanh nghiệp nhà nước đã và đang giữ vị trí quan trọng đối với nền kinh tế, đóng góp khoảng 29% vào GDP, thể hiện được vai trò chủ đạo trên một số ngành, lĩnh vực và tạo nguồn thu đáng kể cho Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được, vẫn còn nhiều lực cản trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là việc huy động nguồn lực của khối doanh nghiệp này trong nền kinh tế.

Các ý kiến tại hội nghị khẳng định, phải nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước. Nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới là tăng đầu tư, đổi mới sáng tạo và áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động để doanh nghiệp nhà nước thực hiện vai trò mở đường, dẫn dắt.

Nhiều ý kiến đề nghị, doanh nghiệp nhà nước cần được phân cấp, trao quyền chủ động cao hơn trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh; từ đó mới có thể linh hoạt, chớp thời cơ, phản ứng nhanh với thị trường.

Ngoài ra, các ý kiến cho rằng, doanh nghiệp rất cần sự đồng hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Hiện nay, các doanh nghiệp nhà nước rất đa dạng về quy mô, tính chất và lĩnh vực hoạt động, do đó các cơ chế đặc thù cũng cần phải thiết kế cho từng nhóm doanh nghiệp.

Những "trăn trở" với sự phát triển của doanh nghiệp nhà nước

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến tại hội nghị, từ đó cho thấy những "trăn trở" đối với sự phát triển của doanh nghiệp nhà nước.

Theo Thủ tướng, doanh nghiệp nhà nước đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, vẫn còn những trăn trở mà theo Thủ tướng, đó là doanh nghiệp nhà nước phát triển chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ; chưa lớn mạnh như mong muốn, yêu cầu đặt ra; chưa làm được một số việc trong khả năng của mình. Trong 5 năm qua, chưa có công trình lớn do doanh nghiệp nhà nước đầu tư. Một trăn trở nữa là chưa vận dụng tốt cách mạng công nghệ lần thứ 4, chưa đạt nhiều kết quả trong đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng cũng nhìn nhận, thể chế và cơ chế chính sách còn vướng mắc, cần được tháo gỡ. Nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thúc đẩy, củng cố vai trò, vị trí, tầm quan trọng của doanh nghiệp nhà nước chưa cao, chưa toàn diện, đồng bộ, liên tục. Việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, môi trường pháp lý, hệ sinh thái vẫn còn nhiều vấn đề phải suy nghĩ, còn bất cập, cần giải quyết.

Từ đó, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “Chung tay xây dựng hệ sinh thái phát triển doanh nghiệp, môi trường lành mạnh, cạnh tranh, bình đẳng, trách nhiệm, nghĩa tình, nhân văn và không tham nhũng; phát triển doanh nghiệp phù hợp với định hướng kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc". Thủ tướng nêu rõ, “nhiệm vụ này cả Chính phủ, doanh nghiệp, bộ, ngành, địa phương và từng cá nhân cần phải chung tay”. 

Phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực và có công cụ kiểm soát

Chú thích ảnh

Thủ tướng Phạm Minh Chính khai mạc hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, doanh nghiệp nhà nước phải đóng vai trò tiên phong trong đổi mới, sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ và thể hiện vai trò dẫn dắt trong nền kinh tế, góp phần vào xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. 

"Bên cạnh đó, những gì doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI chưa làm được, chưa có điều kiện để làm hoặc ở những nơi khó khăn thì doanh nghiệp nhà nước phải xốc vác, tiên phong", Thủ tướng nêu rõ.

Thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh doanh nghiệp nhà nước kế thừa, phát huy những kết quả đã đạt được, từ đó phải tạo ra bước phát triển tích cực, nhanh, bền vững, một số doanh nghiệp phải tạo bước phát triển đột phá.

Thủ tướng gợi ý mục tiêu doanh nghiệp nhà nước phấn đấu đóng góp 35% ngân sách Nhà nước trong nhiệm kỳ này; đồng thời nâng cao đời sống vật chất cho cán bộ, người lao động năm sau cao hơn năm trước.

Theo Thủ tướng, còn có vấn đề chưa tách được giữa quản lý nhà nước và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; do đó cần tập trung tháo gỡ thể chế, cơ chế chính sách; tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn, nâng cao tinh thần tự lực, tự cường, trách nhiệm, tự chủ của doanh nghiệp. Trong đó, phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực và có công cụ kiểm soát; từ đó tạo không gian phát triển, không gian đổi mới, sáng tạo.

Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải có cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cụ thể và phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để thực hiện nhiệm vụ; huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước vào phát triển kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi kinh tế; đồng thời cần coi trọng công tác giám sát, kiểm tra, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính sớm hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn liên quan đến quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương trình Chính phủ quy định các Nghị định về quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với người quản lý, người lao động trong doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc thị trường, gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bộ Khoa học và Công nghệ trình Chính phủ sửa đổi quy định hiện hành về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học-công nghệ theo hướng chuyển đổi mục đích sử dụng quỹ, phục vụ hoạt động đổi mới sáng tạo, đầu tư phát triển khoa học-công nghệ, thời hạn trình trong năm 2022. 

Thanh tra Chính phủ chủ trì nghiên cứu đổi mới các quy định về thanh tra doanh nghiệp, trong đó đề xuất giải pháp đổi mới công tác thanh tra doanh nghiệp nhà nước cho phù hợp với thực tiễn theo hướng tránh thanh tra chồng chéo; đánh giá hoạt động đầu tư của doanh nghiệp mang tính tổng thể. 

Từ các ý kiến đóng góp tại hội nghị, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các ý kiến, để Chính phủ sớm hoàn thiện, ban hành Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy đổi mới, nâng cao hiệu quả nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thủ tướng: Doanh nghiệp nhà nước phát huy vai trò dẫn dắt trong nền kinh tế