Việc sàng lọc, lựa chọn những người vừa có đức, vừa có tài vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đang được đặc biệt chú ý trong công tác tổ chức, nhân sự đại hội đảng bộ các cấp.
Đạo đức cách mạng là cái gốc của người cán bộ, đảng viên. Cùng với việc tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn tổ chức của mình cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thì việc rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên luôn được Đảng ta coi trọng, để từ đó nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Việc này lại càng có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết hơn, khi toàn Đảng đang tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Mỗi cán bộ, đảng viên chính là những tấm gương để người dân noi theo
Lối sống là một thói quen có định hướng, là phương cách thể hiện tổng hợp các cấu trúc, văn hóa của con người hay cộng đồng. Lối sống phụ thuộc vào thời đại con người đang sống, với điều kiện vật chất, kinh tế, các quan hệ xã hội, các thói quen, tập quán, tục lệ của thời đại đó.
Đạo đức được hiểu là hệ thống các quy tắc, chuẩn mực xã hội mà nhờ đó con người tự giác điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với lợi ích của cộng đồng, của xã hội. Đạo đức bao gồm: ý thức đạo đức, hành vi đạo đức và quan hệ đạo đức.
Thông thường, khi nhìn nhận, đánh giá về một cá nhân, người ta thường căn cứ vào đạo đức, lối sống thông qua những hành vi ứng xử của người đó trong các mối quan hệ gia đình, tại nơi làm việc, ngoài xã hội…
Đối với cán bộ, đảng viên, đạo đức, lối sống còn có giá trị chuẩn mực để người dân soi rọi vào và làm theo, nên càng được xem trọng. Bởi vậy, mỗi cán bộ, đảng viên chính là những tấm gương để người dân noi theo.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Người cho rằng: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Cho nên sức lay động, sự lan tỏa của một tấm gương sáng có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ tới xã hội. Nhưng ngược lại, nếu tấm gương mà "mờ tối" thì để lại hệ quả không hề nhỏ cho cộng đồng.
Trong Di chúc để lại cho muôn đời sau, Người căn dặn: "Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư". Để Đảng ta thật sự là một Đảng lãnh đạo và là đầy tớ thật trung thành của nhân dân, trước hết cán bộ, đảng viên phải thực hành đoàn kết và thanh khiết.
Những chỉ dạy của Người vừa là sự tổng kết sâu sắc về lý luận, vừa là vấn đề mang tính nguyên tắc để giữ vững và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, củng cố và nhân lên niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, với cách mạng.
Trong thực tế, nhân dân tin yêu Đảng là nhìn vào những cán bộ, đảng viên cụ thể, lời nói đi đôi với việc làm. Đảng muốn lãnh đạo được quần chúng nhân dân phải thông qua những cán bộ, đảng viên tốt, luôn gương mẫu đi đầu trên mọi lĩnh vực.
Thế nhưng niềm tin yêu ấy đã bị xói mòn bởi hình ảnh hoen mờ của không ít những cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất. Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng nền kinh tế thị trường đã đưa tới những đổi thay mà ở đó có sự phân hóa rõ rệt. Từ vị trí, tính chất công việc khác nhau, đưa tới mức thu nhập không giống nhau, đó chính là căn nguyên mức sống của mỗi người khác nhau, hình thành lối sống khác nhau. Nhưng đã là người đảng viên, phải khắc ghi lời Bác dặn, đó là "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư", phải ghi nhớ lời tuyên thệ thiêng liêng dưới cờ Đảng, ông Nguyễn Túc nhấn mạnh.
Trước những vấn đề đặt ra đối với người đảng viên trong cơ chế thị trường, theo ông Nguyễn Túc, cần phải giải quyết hài hòa lợi ích giữa "cái tôi và cái ta". Ở đâu đó vẫn còn hình ảnh cán bộ, đảng viên vi phạm, biến chất là vì họ đã đặt "cái tôi lên trên cái ta", đặt lợi ích của mình cao hơn lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân. Họ đã quên mất những điều hằng nhủ nhau khi đứng trong hàng ngũ của Đảng, ấy là "khổ trước thiên hạ, sướng sau thiên hạ"; "đảng viên đi trước, làng nước theo sau"...
Lan tỏa giá trị tốt đẹp
Sớm nhận ra lối sống xa hoa, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ, nhiều năm trở lại đây, Đảng đã liên tục ban hành các quy định nhằm chấn chỉnh tác phong, lối sống không phù hợp cũng như yêu cầu cán bộ, đảng viên phải tự giác thực hành nêu gương, trong đó có việc xây dựng nếp sống giản dị, tiết kiệm, liêm chính.
Những nội dung này thể hiện rõ nét tại Quy định số 101-QÐ/TW của Ban Bí thư về "Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp"; Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Quy định số 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”. Và gần đây, Quy định số 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương đã quy định rõ về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Quy định chỉ rõ một trong tám điều phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống là: "Sống, sinh hoạt, tiêu dùng, giải trí xa hoa, lãng phí".
Nêu gương vừa là trách nhiệm nhưng cũng vừa là bổn phận của người cán bộ, đảng viên. Nếu làm tốt việc nêu gương thì hiệu quả vô cùng to lớn, bởi nó có sức lan tỏa và thuyết phục quần chúng bằng sức mạnh của niềm tin, sự yêu mến, cảm phục. Ngược lại, nếu người cán bộ, đảng viên không giữ được trong sạch, liêm khiết thì hậu quả vô cùng nguy hại đối với Đảng, với đất nước, nhân dân.
Trong trả lời phỏng vấn của phóng viên gần đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh rằng: "Những "ông quan" nói một đằng, làm một nẻo, kêu gọi người khác tiết kiệm trong khi bản thân xa hoa, lãng phí, chi dùng bằng tài sản, công quỹ nhà nước, bằng tiền thuế của dân, cờ bạc, tiệc tùng vô độ… thì chẳng những không làm gương được, mà còn làm mất uy tín của Đảng, mất niềm tin trong nhân dân". Vậy nên, xây dựng Đảng về đạo đức trong bối cảnh hiện nay rất cần thiết đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Ngoài việc gương mẫu trong thực thi công vụ, thì gương mẫu trong lối sống phải được đặc biệt coi trọng.
Bàn về việc nêu gương trong cán bộ, đảng viên, TS. Lê Thị Chiên (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, việc này đòi hỏi người cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng; tự giác, gương mẫu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên phải theo phương châm "trên trước, dưới sau", "trong trước, ngoài sau”, cấp ủy viên nêu gương cho đảng viên, đảng viên nêu gương cho quần chúng; cán bộ cấp trên nêu gương cho cán bộ cấp dưới... Như vậy, người có chức vụ càng cao, trách nhiệm nêu gương càng lớn.
Xây dựng Đảng về đạo đức, với những tấm gương sáng về nhân cách, lối sống giản dị, liêm khiết, có ảnh hưởng sâu sắc và rộng lớn đến những giá trị đạo đức của toàn xã hội, củng cố và nâng cao uy tín của Đảng, vun bồi niềm tin trong nhân dân. Không ngừng rèn luyện đạo đức, lối sống, đó là yêu cầu cấp thiết, nhiệm vụ sống còn của lớp lớp những người con ưu tú đứng trong hàng ngũ của Đảng, không có bất cứ ngoại lệ nào. Mỗi cán bộ, đảng viên, bằng chính tấm gương sáng của mình để từng bước lan tỏa giá trị tốt đẹp trong cộng đồng.
Theo TTXVN