Với hơn 3 mẫu vải, mỗi năm gia đình chị Phạm Thị Liêm ở thôn An Lão, xã Thanh Khê (Thanh Hà) thu lãi hơn 200 triệu đồng.
Hơn 3 mẫu vải của gia đình chị Liêm năm nay cho
Về xã Thanh Khê (Thanh Hà) vào mùa vải chín, ai cũng muốn đến thăm vườn vải của gia đình chị Phạm Thị Liêm ở thôn An Lão. Khu vườn không chỉ hấp dẫn vì những chùm vải sai trĩu mà còn đẹp, sạch nhờ bàn tay chăm sóc của người nông dân dành cả chục năm trời tâm huyết với cây vải.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên năm nay du khách ở tỉnh khác về thăm vườn vải ít hơn nhưng những người ở trong vùng vẫn đến rải rác. Khu vườn rộng hơn 3 mẫu của gia đình chị Liêm có cả bàn ghế cho khách tham quan ngồi nghỉ chân ngắm cảnh. Cách mỗi vồng vải, chị Liêm lại trồng thêm sen càng làm cho khung cảnh thêm tươi mát.
Chị Liêm cho biết thời tiết nắng nóng nên cứ 3 giờ sáng chị đã phải ra vườn để tỉa bớt những quả vải cháy nắng, bị sâu và dọn vườn.
Bên cạnh việc áp dụng quy trình VietGAP vào sản xuất, vợ chồng chị luôn theo dõi sát sao diễn biến của thời tiết để chăm sóc vải. “Áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc vải chỉ là một phần, còn phần nhiều vẫn phải dựa vào kinh nghiệm đúc kết nhiều năm”, chị Liêm nói. Hơn chục năm trồng vải giờ đây chỉ nhìn cây mà chị bắt được bệnh. Những quả vải chỉ ngả màu khác đi chị đã phải điều chỉnh chế độ chăm sóc cây ngay. Trong bộ thuốc bảo vệ thực vật của gia đình mình, chị luôn sử dụng những loại được cho phép, không dùng các loại thuốc có hoạt chất cấm. Vợ chồng chị kỳ công chăm vải ngay từ khi thu hoạch vải xong cho đến mùa vải mới. Ban đầu vợ chồng chị Liêm chỉ trồng vài sào, nay đã thành 3 mẫu. Sản lượng vải năm nay của gia đình chị đạt hơn 30 tấn, tăng khoảng 15tấn so với năm ngoái. Đây cũng là một trong những vườn vải rộng nhất ở Thanh Hà. Hiện vườn vải của gia đình chị Liêm đang cho thu hoạch.
Không phụ lòng người, vườn vải của gia đình chị Liêm năm nào cũng cho sai quả. Ngay cả những năm mất mùa, nhiều nhà trong khu không có vải thì gia đình chị vẫn thu hoạch hàng chục tấn. Có năm vườn vải cho thu lãi hơn 200 triệu đồng. Điều đặc biệt là vải của gia đình chị không bao giờ phải mang ra bán ở ngoài chợ vì thương lái đến thu mua tận vườn. Vải ở đây còn là món hàng được khách Hà Nội và các tỉnh lân cận đặt làm quà biếu. Bên cạnh đó, có hàng chục tấn được tiêu thụ tại siêu thị, cửa hàng nông sản sạch. Làm vải nhưng không theo thói quen canh tác thuần túy, vợ chồng chị Liêm đặc biệt quan tâm đến thương hiệu. Chị Liêm nói: “Tôi không bao giờ để vải của gia đình rơi vào tình trạng phải giải cứu. Vì nếu vải tươi bán không hết, gia đình tôi đã có lò sấy, vải sấy bán giá cũng rất cao”.
Với lợi thế vườn vải nằm ngay cạnh con sông Đồng Mẩn nên vợ chồng chị Liêm đã có nhiều sáng tạo trong sản xuất vải kết hợp làm du lịch. Gia đình chị đã chuẩn bị gần 10 chiếc thuyền bê tông để khi các đoàn khách đến có thể chở mọi người đi thăm, trải nghiệm hái vải dọc sông. Đây cũng là một trong những điểm dừng chân nằm trong tour du lịch sinh thái miệt vườn huyện Thanh Hà đang xây dựng. Dù chỉ làm nông dân quanh năm chân lấm tay bùn nhưng vợ chồng chị Liêm vẫn đầu tư nuôi 2 con du học chuyên ngành kinh tế ở Phần Lan và Hàn Quốc. Hộ chị Liêm nhiều năm liền đạt danh hiệu hộ sản xuất giỏi cấp huyện.
HẢI HÒA