Quý I, Hải Dương đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 36 dự án (25 dự án mới và 11 dự án điều chỉnh) với tổng vốn đầu tư 3.421 tỷ đồng, tăng gấp 1,9 lần so với cùng kỳ năm trước
Doanh nghiệp TNHH GFT Việt Nam có trụ sở tại huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) có tổng số 7.500 lao động và những ngày gần đây có khoảng 1.000 người lao động của công ty nhà Hải Phòng phải nghỉ làm do những khó khăn trong việc đi lại giữa hai địa bàn
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, quý I.2021, dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng trên địa bàn tỉnh đã gây trở ngại rất lớn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của tất cả các doanh nghiệp cũng như thu hút đầu tư của địa phương. Trong bối cảnh đó, thu hút đầu tư trong nước của Hải Dương lại tăng cao hơn so với cùng kỳ. Cụ thể, quý I, Hải Dương đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 36 dự án (25 dự án mới và 11 dự án điều chỉnh) với tổng vốn đầu tư 3.421 tỷ đồng, tăng gấp 1,9 lần so với cùng kỳ năm trước; trong đó có nhiều dự án lớn như: Bệnh viện quốc tế Hà Nội - Hải Dương, tổng vốn đầu tư trên 1.278 tỷ đồng; Trung tâm Thương mại dịch vụ Quang Thành, tổng vốn đầu tư 703 tỷ đồng... Tính đến cuối tháng 3, Hải Dương đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thành mới cho 363 doanh nghiệp - giảm 32,5% so với cùng kỳ trước; trong đó có 15 hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp; giải thể 66 doanh nghiệp. Hiện trên địa bàn tỉnh có 16.056 doanh nghiệp. Trong khi đó, thu hút đầu tư nước ngoài chỉ bằng 80% so với cùng kỳ với số vốn ước đạt 91,5 triệu USD; trong đó, cấp mới 7 dự án với tổng vốn đăng ký 47,2 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 10 lượt dự án, với số vốn tăng thêm 44,3 triệu USD. Hiện Hải Dương có 485 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư 9.108,1 triệu USD và tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 6.435 triệu USD. Thời gian tới, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Hải Dương tập trung quản lý, giám sát thực hiện và nâng cao chất lượng lập các quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng và thực hiện công bố công khai đầy đủ, kịp thời thông tin các quy hoạch; tập trung hướng dẫn, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch xây dựng vùng huyện; lập quy hoạch chi tiết xây dựng và hoàn thiện thủ tục đầu tư một số khu, cụm công nghiệp; lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030. Tỉnh cũng thường xuyên rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, vận chuyển và lưu thông hàng hóa, đặc biệt đối với các ngành sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng lớn do dịch bệnh. Hải Dương chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021- 2025; tập trung xúc tiến thương mại các nhóm hàng chế biến nông sản thực phẩm và sản phẩm công nghệ thông tin, làng nghề; nắm sát nhu cầu, hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, dự báo giá cả hàng hóa giúp các doanh nghiệp, cá nhân nắm bắt nhanh diễn biến thị trường để điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp. Cùng với việc quản lý, đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục, lựa chọn nhà thầu và thực hiện đầu tư dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm, dự án lớn và các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng, kết nối liên tỉnh, tỉnh chú trọng đẩy nhanh quy hoạch, đầu tư hạ tầng một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Hoạt động tư vấn và xúc tiến, kêu gọi đầu tư các dự án có công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ sạch, công nghiệp hỗ trợ, tiết kiệm năng lượng, sản phẩm mới được đẩy manh; đồng thời, thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hướng dẫn các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Lĩnh vực tín dụng cũng được thúc đẩy với các chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp; có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với khách hàng, đặc biệt là khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; tập trung tín dụng cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên, khu vực sản xuất, kinh doanh, dự án, phương án có khả năng phục hồi cao, tạo sự lan tỏa.
Theo TTXVN