Thủ đoạn tinh vi của những kẻ buôn người

05/03/2013 07:33

Một trong những thủ đoạn của bọn buôn người là lợi dụng in-tơ-nét để làm quen, kết bạn, yêu đương, hẹn gặp, rủ nạn nhân đi chơi rồi lừa bán...



Hai đối tượng Vũ Thành Quang và Nguyễn Thành Luân bị truy tố về tội mua, bán người.  (Ảnh tư liệu)

Từ năm 2012 đến nay, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh đã tiến hành xác minh 12 vụ việc, 21 đối tượng, 19 nạn nhân (trong đó có 10 nạn nhân được giải cứu hoặc tự trở về). Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố 4 vụ, gồm 2 vụ mua bán trẻ em, 2 vụ mua bán người, với 9 bị can. Có 8 bị can đã bị bắt, đối tượng còn lại đang bỏ trốn. Các vụ án và các bị can bị khởi tố, có kết luận điều tra và hồ sơ đã chuyển sang Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị truy tố. Điển hình là vụ ngày 25-4-2012, đơn vị phối hợp với Công an TP Hải Dương xác minh đơn của ông Nguyễn Tiến V. (sinh năm 1958, ở phường Bình Hàn), bà Bùi Thị K. (sinh 1958, ở phường Quang Trung) cùng ở TP Hải Dương trình bày về việc người nhà là Trương Lệ T. (sinh năm 1993), Nguyễn Thị Quỳnh A. (sinh năm 1992) mất tích, nghi bị lừa bán sang Trung Quốc. Quá trình xác minh đã xác định được 3 đối tượng lừa bán các nạn nhân trên làm gái mại dâm tại Trung Quốc là Nguyễn Văn Hải (sinh năm 1989), Nguyễn Văn Hùng, Vương Văn An (cùng sinh năm 1995 và ở thôn Phục Thiện, xã Hoàng Tiến, Chí Linh). Các đối tượng khai nhận, đã bán 2 nạn nhân cho Vi Thị Nghĩa (sinh năm 1981, ở An Lạc, Sơn Động, Bắc Giang), hiện đang kinh doanh tẩm quất, mát-xa tại Nam Ninh (Trung Quốc). Đến ngày 10-6-2012, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Bộ Công an) đã phối hợp với Công an Trung Quốc giải cứu được 11 nạn nhân, trong đó có 2 nạn nhân nói trên.

Hiện nay, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội đang tập trung xác minh 10 đơn trình báo liên quan đến việc buôn bán người, chủ yếu là qua biên giới Việt - Trung. Trong đó, có những lá đơn từ vài năm trước của gia đình các nạn nhân từ Phú Thọ, Hà Tĩnh, Hải Phòng. Có nạn nhân sau khi được giải cứu đã tố cáo đích danh kẻ lừa đảo, như đơn của bà Hà Thị T. (ở xã Vĩnh Hồng, Bình Giang) tố cáo Nhữ Thị Hiền (sinh năm 1991, ở cùng quê) lừa bán con gái bà là Ngô Thị C. (sinh năm 1991); đơn của ông Lê Văn D. (ở Phù Ninh, Phú Thọ) trình bày việc con gái ông là Lê Thị L. (sinh năm 1991) bị Nguyễn Thị Thanh Hiền (ở phường Ngọc Châu, TP Hải Dương) lừa bán ngày 17-3-2011. Đặc biệt, có đối tượng lừa bán cả mẹ lẫn con nạn nhân sang Trung Quốc, như trường hợp chị Nguyễn Thị H. (sinh năm 1989, ở Thủy Nguyên, Hải Phòng) và con Nguyễn Đình Kh. (sinh năm 2009).

Theo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, khó khăn lớn nhất hiện nay khi điều tra tội phạm buôn bán người phải chứng minh được người bán, người mua. Việc mua, bán thường diễn ra ở nước ngoài nên việc thu thập tài liệu, chứng minh hành vi phạm tội rất phức tạp. Ví dụ như trường hợp em Nguyễn Thị H. (học sinh lớp 11, Trường THPT Thanh Bình, Thanh Hà) nghi bị bán sang Trung Quốc đã nói ở trên. Vụ việc này hiện đã xác định được một số đối tượng, song nạn nhân vẫn chưa trở về nên cơ quan công an chưa thể khởi tố. Để đấu tranh thành công trong một số vụ án, trinh sát thường phải sang Trung Quốc hoặc các tỉnh biên giới để thu thập tài liệu mới truy tố được. Quá trình điều tra, thu thập chứng cứ thường khó khăn khi nhân chứng, nạn nhân còn ở nước ngoài, đối tượng đã lẩn trốn, có vụ đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nên không chứng minh được hành vi phạm tội.

Do đó, phòng, chống tội phạm buôn bán người hiện nay, ngoài trách nhiệm của ngành công an, rất cần sự chung tay của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội trong tuyên truyền, phổ biến, cảnh báo. Hơn ai hết, người dân cần quản lý chặt chẽ con em mình. Phụ nữ, trẻ em cũng phải cần nâng cao nhận thức, cảnh giác trước những phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm nguy hiểm này.

Theo cơ quan công an, các đối tượng buôn bán người thường chú ý những nơi đông người, như khu công nghiệp, trường học... để có điều kiện làm quen, tiếp xúc với nạn nhân. Chúng có thể lợi dụng in-tơ-nét để làm quen, kết bạn, yêu đương, hẹn gặp, rủ nạn nhân đi chơi rồi lừa bán. Hầu hết nạn nhân là các cô gái hư hỏng, không học hành, nghề nghiệp. Cá biệt có trường hợp là học sinh, sinh viên, người có nghề nghiệp ổn định nhưng nhẹ dạ cả tin. Một số đối tượng tiếp cận với các cô gái mới lớn ở vùng sâu, vùng xa, dân trí thấp, gia đình khó khăn, không có việc làm để dụ dỗ, lôi kéo, hứa tìm việc làm nhẹ nhàng, thu nhập cao, sau đó lừa bán ra nước ngoài.


TIẾN HUY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thủ đoạn tinh vi của những kẻ buôn người