Sáng 24.3, Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được UBTVQH thông qua, với 100% đại biểu có mặt tán thành.
Ủy ban Thường vụ Quốc biểu quyết thông qua dự án Pháp lệnh
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 9, sáng 24.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, với 100% đại biểu có mặt tán thành.
Pháp lệnh này quy định trình tự, thủ tục Tòa án Nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Về nguyên tắc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Pháp lệnh nêu rõ chỉ xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi (gọi là người bị đề nghị) khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật Phòng, chống ma túy.
Việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người bị đề nghị; bảo đảm thủ tục thân thiện, phù hợp với tâm lý, giới, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người bị đề nghị.
Các nguyên tắc tiếp theo là bảo đảm quyền bí mật đời sống riêng tư của người bị đề nghị; bảo đảm quyền của người bị đề nghị được tham gia, trình bày ý kiến trước Tòa án, tranh luận tại phiên họp theo quy định của Pháp lệnh này.
Pháp lệnh cũng quy định người bị đề nghị, cha mẹ hoặc người giám hộ có quyền tự mình hoặc nhờ luật sư, người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị. Trường hợp người bị đề nghị không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì Tòa án yêu cầu Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử luật sư; Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Tòa án bảo đảm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị.
Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã chỉnh lý tại các Điều 2, 10, 13, 16, 18, 21, 27, 39, 40... để thể hiện sâu sắc hơn tính đặc thù về đối tượng điều chỉnh.
Cụ thể là: bổ sung nguyên tắc việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người bị đề nghị; bảo đảm thủ tục thân thiện, phù hợp với tâm lý, giới, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người bị đề nghị (Điều 2); bổ sung quy định Thẩm phán được phân công phải là người có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi (Điều 10); mời chuyên gia y tế, tâm lý, giáo dục, xã hội học, đại diện của nhà trường, đại diện Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận để trình bày về những vấn đề có liên quan (Điều 18); phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được tổ chức thân thiện; phòng họp được bố trí thân thiện, an toàn;...
Liên quan đến việc đình chỉ xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (khoản 1, Điều 16), một số ý kiến đề nghị không quy định: Tòa án đình chỉ việc xem xét, giải quyết trong trường hợp người bị đề nghị, cha mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp của họ đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện khi Tòa án đang xem xét, giải quyết. Ý kiến khác tán thành với dự thảo Pháp lệnh của Tòa án nhân dân tối cao, có quy định điều kiện này, tuy nhiên cần bổ sung quy định họ có cam kết cai nghiện tự nguyện.
Bà Lê Thị Nga cho rằng theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy, trước khi bị đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, người bị đề nghị đã được tạo điều kiện đăng ký cai nghiện tự nguyện nhưng không thực hiện hoặc tiếp tục có hành vi vi phạm trong thời gian cai nghiện tự nguyện phải bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Nếu quy định Tòa án đình chỉ xem xét, giải quyết trong trường hợp này thì không phù hợp với khoản 1, Điều 33 của Luật Phòng, chống ma túy, làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước, tạo ra khe hở, có thể bị lợi dụng, lạm dụng. Do đó, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã thống nhất với Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan có liên quan chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh theo hướng không quy định căn cứ đình chỉ trên.
Theo Vietnam+