Thông qua Nghị quyết tăng số Phó Thủ tướng lên 5 người

13/11/2013 03:16

Sáng 12-11, với 88,96% số đại biểu tán thành, Quốc hội (QH) đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc tăng số lượng Phó Thủ tướng Chính phủ lên 5 người.


Các đại biểu thảo luận Dự án Luật Công chứng (sửa đổi)

Sau đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đọc Tờ trình đề nghị QH phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với hai đồng chí Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh; Tờ trình về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đối với đồng chí Vũ Đức Đam.

Tờ trình của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Đồng chí Vũ Đức Đam sinh ngày 3-2-1963, trình độ chuyên môn tiến sĩ kinh tế, ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Pháp. Đồng chí Vũ Đức Đam là cán bộ được đào tạo cơ bản, đã đảm nhận các chức vụ Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế Tổng cục Bưu điện; Phó vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế Văn phòng Chính phủ; Vụ trưởng Vụ ASEAN Văn phòng Chính phủ; Thư ký và Trợ lý cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh; Thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trong quá trình công tác, đồng chí Vũ Đức Đam luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được phân công. Đồng chí Vũ Đức Đam có đủ phẩm chất và năng lực để đảm đương nhiệm vụ Phó Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết dự kiến phân công đồng chí Vũ Đức Đam giúp Thủ tướng theo dõi chỉ đạo khối văn hóa - xã hội, khoa học, giáo dục và đào tạo.

Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đọc Tờ trình đề nghị bổ nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ ngoại giao đối với đồng chí Phạm Bình Minh.

Đồng chí Phạm Bình Minh sinh ngày 26-3-1959, trình độ chuyên môn thạc sĩ luật ngoại giao, ngoại ngữ tiếng Anh, Pháp. Tờ trình của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Đồng chí Phạm Bình Minh là cán bộ được đào tạo cơ bản, đã qua đảm nhận các chức vụ: Phó vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế Bộ Ngoại giao; Đại sứ, Phó trưởng đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc; Công sứ, Phó đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ; Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế Bộ Ngoại giao; Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X và được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X từ tháng 1-2009; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, đại biểu QH khóa XIII. Trong quá trình công tác, đồng chí Phạm Bình Minh luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được phân công trên cương vị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Đồng chí có đóng góp tích cực vào thành tựu chung của công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Đồng chí Phạm Bình Minh có đủ phẩm chất năng lực để đảm nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Trước đó vào đầu giờ sáng, với tỷ lệ 89% số đại biểu tán thành, QH đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng đối với đồng chí Nguyễn Thiện Nhân. Việc miễn nhiệm này là để đồng chí Nguyễn Thiện Nhân tập trung làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Cũng trong sáng 12-11, với 87,95% tổng số đại biểu biểu quyết tán thành, QH đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2014. Cũng với tỷ lệ này, QH đã thông qua Nghị quyết về điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước năm 2013.
Theo Nghị quyết dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, tổng thu ngân sách là 782.700 tỷ đồng, tổng chi là 1.006.700 tỷ đồng, mức bội chi là 224 nghìn tỷ đồng, tương đương 5,3% GDP.

Theo Nghị quyết về điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, QH giao Chính phủ nâng mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2013 để bù đắp số hụt thu ngân sách Trung ương nhưng không quá 195.500 tỷ đồng (tương đương 5,3% GDP ước thực hiện). Tiếp tục chỉ đạo các địa phương rà soát thực hiện triệt để tiết kiệm chi, cắt, giảm các khoản chi chưa cần thiết, không hiệu quả và cho phép các địa phương không đủ nguồn bù đắp hụt thu ngân sách được sử dụng không quá 70% quỹ dự trữ tài chính để bù vào số hụt thu ngân sách năm 2013.

Ngày 13-11, QH họp phiên toàn thể tại hội trường. Buổi sáng, QH nghe báo cáo kết quả thảo luận tại đoàn về phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ; miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đối với đồng chí Vũ Đức Đam; bỏ phiếu phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về hai nhân sự Phó Thủ tướng Chính phủ; nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật Phá sản (sửa đổi). Buổi chiều, QH thảo luận về quy hoạch tổng thể về thủy điện và việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3-12-2004 của QH về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh.

Chiều 12-11, QH nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng thay mặt Chính phủ đọc tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa. Theo đó, Luật Giao thông đường thủy nội địa sau 8 năm thi hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, quy định còn thiếu, chưa đồng bộ với một số luật hiện hành. Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung 33 điều trong tổng số 103 điều của Luật Giao thông thủy nội địa 2004, bổ sung một chương mới gồm 3 điều. Phạm vi sửa đổi, bổ sung tập trung vào những bất cập nhất của Luật hiện hành.

Về đề nghị mở rộng loại phương tiện miễn đăng ký, đăng kiểm tại khoản 3 điều 24, nhiều ý kiến củaỦy ban Khoa học công nghệ và Môi trường đề nghị cân nhắc kỹ việc sửa đổi này vì đây là những loại phương tiện tham gia giao thông đường thủy chủ yếu hiện nay. Việc xem xét quy định những loại phương tiện nào cần đăng ký, đăng kiểm phải xuất phát trước hết từ yêu cầu bảo đảm an toàn giao thông, an toàn tính mạng người tham gia giao thông chứ không phải chỉ để giải quyết tình trạng quá tải và những bất cập của công tác đăng ký, đăng kiểm. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cần phân tích rõ các nguyên nhân của những hạn chế trong việc thực hiện đăng ký, đăng kiểm để điều chỉnh các quy định liên quan nhằm quản lý phương tiện phù hợp với thực tế, bảo đảm an toàn giao thông đường thủy.

Thảo luận về Dự án Luật Công chứng (sửa đổi), các đại biểu tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi  Luật. Những nội dung được các đại biểu quan tâm là tiêu chuẩn công chứng viên, việc mở rộng phạm vi công chứng. Chủ trương mở rộng phạm vi công chứng và xã hội hóa hoạt động công chứng được nhiều đại biểu ủng hộ, bởi nó góp phần giảm áp lực cho các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến còn băn khoăn, yêu cầu Luật cần bổ sung những quy định bảo đảm sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước đối với lĩnh vực này và việc thực hiện phải có lộ trình. Đặc biệt, một số đại biểu đề nghị không nên xóa bỏ các phòng công chứng nhà nước vì quyền lợi của người dân. Các đại biểu cũng cho rằng, để dịch vụ công chứng đáp ứng yêu cầu cuộc sống, đội ngũ công chứng viên cần phải thật sự chuyên nghiệp cả về kỹ năng và đạo đức nghề; phải được nâng cao chất lượng qua đào tạo nghề, tập sự, bảo đảm công chứng viên có đủ các kỹ năng và trình độ hành nghề. Đặc biệt, Luật cần bổ sung hành vi bị cấm đối với công chứng viên dịch và trách nhiệm pháp lý do người dịch gây ra, nếu không sẽ tạo kẽ hở trong trường hợp người dịch cố tình dịch sai. Một số đại biểu cũng đề nghị cần xem lại điều 14 Dự thảo Luật quy định công chứng viên chỉ được hành nghề đến 65 tuổi, không phân biệt nam, nữ bởi chưa rõ cơ sở. Đồng thời, để bảo đảm chặt chẽ, Luật cần bổ sung cả độ tuổi tối thiểu được hành nghề công chứng viên.

Đại biểu Phạm Xuân Thăng

Nên quy định thiết kế công trình nhà ở riêng lẻ theo nhóm đối tượng


Về yêu cầu đối với thiết kế xây dựng công trình được quy định tại điểm b, điều 68, Luật Xây dựng (sửa đổi) quy định nhà ở riêng lẻ (có quy mô dưới quy định tại điểm a khoản này: tổng diện tích xây dựng sàn lớn hơn 250 m2 hoặc từ 3 tầng trở lên, nhà ở trong các khu di sản văn hoá, di tích lịch sử - văn hoá) do cá nhân, hộ gia đình tự tổ chức thiết kế nhưng phải phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt. Hộ gia đình cá nhân tự thiết kế chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng thiết kế, tác động của công trình đến môi trường và an toàn của các công trình lân cận.

Tôi thấy quy định như vậy là không đầy đủ và thiếu tính khả thi. Hiện nay, có nhiều công trình nhà ở riêng lẻ xây dựng không theo quy hoạch, kiến trúc tự phát, chất lượng công trình không cao, cảnh quan đô thị và nông thôn lộn xộn và không đẹp mắt. Để khắc phục tình trạng này, tôi đề nghị nên phân ra làm hai nhóm đối tượng là xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị và ở nông thôn. Ở đô thị thì đối với các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ, dù quy mô thế nào cũng cần phải có thiết kế do các cơ quan có đủ năng lực thiết kế. Đối với khu vực nông thôn, để đáp ứng với yêu cầu xây dựng nông thôn mới, nên có quy định bắt buộc có thiết kế do các cơ quan có đủ năng lực thiết kế đối với nhà ở bám các trục đường liên xã, liên thôn, những nhà ở riêng lẻ có quy mô xây dựng lớn, nhà ở tại các điểm dân cư nông thôn mới, khu tái định cư... Đồng thời cơ quan quản lý nhà nước phải công bố quy hoạch xây dựng chi tiết, có sự tư vấn về kiến trúc, kết cấu móng, hạ tầng điện, nước, thông tin... để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong quá trình xây dựng nhà ở riêng lẻ.


TTXVN-TT-TN-VOV-NA

(0) Bình luận
Thông qua Nghị quyết tăng số Phó Thủ tướng lên 5 người