Thông qua chỉ tiêu GDP năm 2014 tăng 5,8%

12/11/2013 08:56

Ngày 11-11, Quốc hội (QH) bước vào ngày làm việc thứ 17.


Các đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển
kinh tế - xã hội năm 2014. Ảnh: TTXVN        



Trong phiên họp buổi sáng, với 421 trong số 430 đại biểu biểu quyết tán thành, QH đã thông qua Nghị quyết kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 với một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2014 cụ thể: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,8%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu khoảng 6% kim ngạch xuất khẩu; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 7%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30% GDP; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7-2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.

Trong năm 2014, mục tiêu tổng quát QH giao Chính phủ phải tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân...

Giải pháp chủ yếu cần thực thi, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, chính sách tài khóa chặt chẽ, điều hành lãi suất phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, tăng dư nợ tín dụng phù hợp và bảo đảm chất lượng tín dụng; điều hành hiệu quả tỷ giá, thị trường ngoại hối, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, bảo đảm trong giới hạn an toàn. Rà soát các tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật liên quan giá điện, minh bạch hóa giá thành giá điện và phấn đấu năm 2014 cơ bản thực hiện giá thị trường về giá điện, giá dịch vụ y tế, giáo dục. Đặc biệt, phải có chính sách hỗ trợ đối với đối tượng chính sách, người lao động và người dân thu nhập thấp.

Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ khó khăn hỗ trợ sản xuất, kinh doanh đối với doanh nghiệp và người dân. Tạo điều kiện để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tiếp cận vốn tín dụng có hiệu quả và đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tiếp tục xem xét cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho các khoản vay cũ, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa tổ chức tín dụng với doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất. Triển khai kịp thời, thực hiện đúng các quy định pháp luật về thuế đã được QH thông qua, nhất là việc hoàn thuế giá trị gia tăng.

QH yêu cầu Chính phủ trong 2 năm 2014-2015 tập trung chỉ đạo, điều hành tăng tính ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tập trung xử lý những hạn chế, yếu kém, nhất là ổn định và lành mạnh hóa thị trường tài chính, nâng cao tính minh bạch của doanh nghiệp, xử lý cơ bản nợ xấu doanh nghiệp, nợ xấu ngân hàng, nợ đọng xây dựng cơ bản và xử lý các công trình xây dựng dở dang...

Cũng trong phiên làm việc buổi sáng, QH đã nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đọc Tờ trình đề nghị QH phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với đồng chí Nguyễn Thiện Nhân. Việc miễn nhiệm này là để đồng chí Nguyễn Thiện Nhân tập trung làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ cũng đã đọc tờ trình về việc tăng số Phó Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị QH phê chuẩn việc bổ sung thêm một Phó Thủ tướng Chính phủ để phân công trực tiếp làm nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi chỉ đạo công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế (nâng số Phó Thủ tướng Chính phủ từ 4 người như hiện nay lên 5 người). Cuối phiên họp buổi sáng, QH thảo luận tại đoàn về phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với đồng chí Nguyễn Thiện Nhân và việc tăng số lượng Phó Thủ tướng Chính phủ.

Chiều 11-11, các đại biểu QH làm việc tại tổ, thảo luận về một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của Dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) và Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Góp ý về nội dung bảo vệ môi trường rừng, đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TP Hồ Chí Minh) cho rằng,

Ngày 12-11, QH họp phiên toàn thể tại hội trường. Buổi sáng, QH tiếp tục xem xét về công tác nhân sự. Buổi chiều, QH nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa; thảo luận dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

từ ngàn xưa, phát triển của quốc gia dựa vào hai lợi thế rừng và biển. Tuy nhiên, Dự án Luật hầu như chỉ nói đến biển đảo, trong khi rừng chiếm một vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nhưng không được đề cập đến. Đại biểu đề nghị, Dự án Luật cần bổ sung thêm một chương riêng về bảo vệ môi trường rừng. Về vấn đề quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, đại biểu Huỳnh Minh Thiện chỉ ra rằng: Hiện nay các hành vi vi phạm môi trường trong phát triển kinh tế - xã hội ngày càng phổ biến. Nguyên nhân không chỉ do buông lỏng quản lý mà còn do văn bản quy phạm pháp luật chưa cụ thể, xử lý chưa nghiêm. Vì vậy, Dự án Luật cần bổ sung một chương về xử phạt vi phạm hành chính trong bảo vệ môi trường để bảo đảm sức răn đe, tạo thuận lợi cho việc thực thi áp dụng pháp luật để có hình thức xử lý kịp thời.

Đối với các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Phạm Văn Gòn (TP Hồ Chí Minh) chỉ rõ: Dự án Luật đã đưa chi tiết những hành vi cấm trong quản lý môi trường nhưng chế tài thực hiện còn nhiều hạn chế. Do đó, Dự án Luật cần nâng mức xử phạt, "đánh" vào tài chính của doanh nghiệp, đồng thời bổ sung vào Bộ luật Hình sự quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những hành vi vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Phụng (TP Hồ Chí Minh) đề xuất ban soạn thảo nghiên cứu thêm về quy định xử phạt trong Dự án Luật.

Thảo luận về Dự án Luật Xây dựng (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Quốc Bình (TP Hà Nội) nhận xét, Luật Xây dựng ban hành từ năm 2003, đến nay đã qua 10 năm thực thi. Với tốc độ đô thị hóa, xây dựng cơ bản phát triển chóng mặt như hiện nay thì việc sửa đổi luật là rất cần thiết. Cho rằng Dự án Luật chưa có 1 điều nào về việc tạm đình chỉ công trình xây dựng vi phạm bị phát hiện trong quá trình kiểm tra, ông Bình đề nghị ban soạn thảo dự luật bổ sung thêm nội dung này. Về thanh tra xây dựng, dự thảo quy định lực lượng này thuộc biên chế các sở và Bộ Xây dựng, đại biểu Quốc Bình cho rằng, tình hình vi phạm xây dựng diễn ra hằng ngày, phổ biến và việc xử lý còn nhiều bất cập, nên đề nghị dự thảo “cần quy định rất rõ chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra xây dựng, từ cấp sở đến cấp bộ để hoạt động thanh tra hiệu quả”.

Để tránh tình trạng “chạy quy hoạch”, điều chỉnh vô tội vạ, đại biểu Lê Trọng Sang (TP Hồ Chí Minh) đề nghị, cần quy định những thông số kinh tế -xã hội cụ thể cũng như dân số tăng lên bao nhiêu thì mới điều chỉnh quy hoạch, chứ không chung chung.

Cần quy định cụ thể về phí bảo vệ môi trường

Tôi thấy trong điều 144 về phí bảo vệ môi trường của Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) có nêu các tổ chức, cá nhân xả thải ra môi trường hoặc có hoạt động làm phát sinh nguồn tác động xấu đối với môi trường phải nộp phí bảo vệ môi trường. Các khoản trong điều này nêu còn khá chung chung, chưa cụ thể. Chẳng hạn, khối lượng chất thải ra môi trường, quy mô ảnh hưởng tác động xấu đến môi trường, mức độ độc hại của chất thải, mức độ gây hại đối với môi trường... nhưng chưa rõ mức độ bao nhiêu, quy mô ra sao thì áp dụng mức phí cụ thể thế nào? Trong dự thảo luật chỉ nêu chung là phí môi trường được điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và yêu cầu bảo vệ môi trường. Một điều nữa, luật cũng cần đưa ra quy định cụ thể về nồng độ các chất gây ô nhiễm và lưu lượng nước thải cho từng loại ngành nghề sản xuất để áp mức phí bảo vệ môi trường phù hợp cho từng đối tượng, ngành nghề, mức độ gây hại...

NGUYỄN THỊ HẰNG(Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh)



Khó thực hiện quy định bảo vệ môi trường tại các làng nghề

Tôi thấy Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) lần này đã quy định rõ việc bảo vệ môi trường các làng nghề. Tuy nhiên, quy định này khó áp dụng rộng rãi cho làng nghề bởi hiện nay, các hộ dân trong làng nghề là những hộ cá thể, thường thiếu sự hợp tác để cùng chăm lo đến công tác bảo vệ môi trường, công nghệ lạc hậu, quản lý nghề theo kiểu truyền thống. Rất khó để hộ sản xuất tiểu, thủ công nghiệp lập được báo cáo đánh giá tác động môi trường và áp dụng các biện pháp kiểm soát tiếng ồn, độ rung, bụi, nhiệt, khí thải, nước thải và các biện pháp xử lý: thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại... vì vấn đề năng lực và kinh phí để thực hiện. Theo tôi, nên quy định rõ các làng nghề cần được đưa vào khu sản xuất tập trung, cách xa khu dân cư. Các hộ sản xuất không bảo đảm tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường thì kiên quyết không cho phép hoạt động. Việc đánh giá tác động môi trường hay kiểm tra việc áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường nên giao cho cơ quan chuyên môn có đủ năng lực, đồng thời có chế tài xử lý nghiêm người vi phạm, hạn chế tiêu cực nảy sinh trong hoạt động kiểm tra, đánh giá.


TRƯƠNG THỊ TRÂM (Xã Minh Đức, Tứ Kỳ)



Tăng mức xử phạt vi phạm môi trường

Hiện nay, qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy việc vi phạm pháp luật về môi trường đang diễn ra ngày càng nhiều, tinh vi và nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc quản lý, phát hiện và xử lý còn chưa đến nơi, đến chốn. Nguyên nhân là do việc triển khai thực hiện các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện luật còn chậm; nhiều trường hợp các cơ quan quản lý nhà nước còn buông lỏng và chưa nắm bắt kịp thời việc vi phạm môi trường của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nên còn để xảy ra vi phạm nghiêm trọng. Thậm chí, nhiều tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp còn lách luật để vi phạm. Mặt khác, việc xử lý còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe và chưa nghiêm minh nên nhiều trường hợp các đơn vị vi phạm còn chây ỳ, không chấp hành đúng quy định xử phạt.

Kỳ họp Quốc hội lần này bàn về Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), song việc quy định mức xử phạt lại chưa rõ ràng và cũng chưa đủ sức răn đe. Theo tôi, nếu chỉ xử phạt hành chính thôi chưa đủ. Cần thiết phải áp dụng biện pháp buộc chấm dứt hoạt động trong một số trường hợp cụ thể. Bởi, nếu cứ để doanh nghiệp nộp phạt, bồi thường thì vi phạm lại tái diễn.


 CAO VĂN TẤN (Phường Sao Đỏ, thị xã Chí Linh)



 TTXVN -TT-TN-NA

(0) Bình luận
Thông qua chỉ tiêu GDP năm 2014 tăng 5,8%