Thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã có những thông điệp, quyết tâm mạnh mẽ hơn trong "cuộc chiến" chống thực phẩm bẩn.
Tôi vừa đọc Kế hoạch triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2016 (từ ngày 15-4 đến 15-5) của Ban Chỉ đạo về chất lượng vệ sinh, ATTP tỉnh. Trong phần nội dung đề cập đến những căn cứ để kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh ATTP có liệt kê hàng loạt luật, nghị định, thông tư quy định về bảo đảm ATTP. Mặc dù liệt kê chưa đầy đủ song những văn bản quy phạm pháp luật này cũng chiếm gần hết 2 trang giấy A4. Chưa hết, ở phần nội dung kiểm tra tiếp tục liệt kê rất nhiều loại giấy phép, hồ sơ, điều kiện trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm mà độ dài của nó cũng tới nửa trang giấy. Có lẽ không riêng tôi mà cả những cán bộ quản lý trong ngành cũng khó nắm bắt hết những quy định của pháp luật về ATTP.
Tuy hệ thống văn bản quy phạm pháp luật rất nhiều nhưng hiệu lực thực thi còn hạn chế. Việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm bẩn khiến cả xã hội lo lắng. Trong bữa ăn hằng ngày, nhiều gia đình tự hỏi không biết thực phẩm mình đang ăn bẩn hay sạch. Một người bạn của tôi vừa mới đúc kết rằng: Trước năm 2000, ăn thịt, cá, rau thì cảm thấy "yên tâm" vì không có chất độc hại. Từ năm 2001 đến 2010, ăn những thứ này vào thấy "lo ngại". Từ năm 2011 đến nay, vẫn sử dụng rau, thịt, cá nhưng cảm thấy "đáng sợ". Nếu không có biện pháp gì khắc phục thì không xa nữa tâm lý sẽ đến mức "hoảng loạn".
Không đáng sợ sao được khi những thông tin về thực phẩm bẩn, có độc tố liên tục bị phát hiện. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ tháng 10-2015 đến tháng 2-2016, trong tổng số 7.593 mẫu rau được phân tích thì có tới 393 mẫu nhiễm chất cấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép (chiếm 5,2% tổng số mẫu). Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng phát hiện 104 mẫu thịt có chất cấm, kháng sinh vượt giới hạn cho phép (chiếm 1,9%); 834 mẫu thịt vi phạm chỉ tiêu Salmonella (vi sinh vật gây bệnh, chiếm 15,4%); 361 mẫu thủy sản, sản phẩm thủy sản vi phạm chỉ tiêu về hóa chất, kháng sinh cấm (chiếm 7,3%). Theo Bộ Y tế, 3 tháng đầu năm nay, lực lượng thanh tra, kiểm tra liên ngành đã phát hiện 20.572 cơ sở sản xuất, kinh doanh có vi phạm về ATTP, chiếm 18,8% số cơ sở bị thanh tra, kiểm tra. Tại tỉnh ta, theo Ban Chỉ đạo về chất lượng vệ sinh, ATTP, 4 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã phát hiện 960 cơ sở vi phạm về ATTP, chiếm gần 24% số cơ sở bị thanh tra, kiểm tra.
Đã có nhiều "mổ xẻ" về những nguyên nhân khiến thực phẩm bẩn hoành hành. Nào là người sản xuất, kinh doanh cùng hám lợi, việc phối hợp quản lý nhà nước giữa ngành nông nghiệp, y tế, công thương còn chồng chéo, nào là chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, cơ quan chức năng chưa vào cuộc quyết liệt, quy định của pháp luật còn có một số nội dung chưa cụ thể... Mặc dù những nguyên nhân trên đã được nhận diện từ nhiều năm nay song cơ quan chức năng vẫn chưa có những biện pháp khắc phục hiệu quả.
Thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã có những thông điệp, quyết tâm mạnh mẽ hơn trong "cuộc chiến" chống thực phẩm bẩn. Phát biểu kết luận cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương ngày 27-4 vừa qua về ATTP, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cơ quan chức năng cần có giải pháp mạnh, kiên quyết để bảo đảm ATTP. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh đến trách nhiệm của người đứng đầu về vấn đề này. "Nếu chúng ta không quy trách nhiệm người đứng đầu thì khó thành công. Việc xảy ra tại xã, tại huyện, tại tỉnh thì lãnh đạo xã, huyện, tỉnh phải chịu trách nhiệm, tiếp đó là lãnh đạo các ngành phải chịu trách nhiệm", Thủ tướng nói. Ngoài ra, từ ngày 1-7-2016 khi Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực thi hành thì mức xử lý kể cả phạt tiền và phạt tù đối với những tội danh liên quan đến vệ sinh, ATTP sẽ tăng lên.
Với những tín hiệu mới, người dân mong mỏi "cuộc chiến" chống thực phẩm bẩn sẽ có nhiều kết quả khả quan hơn.
TUẤN NGUYÊN(TP Hải Dương)