Việt Nam tăng 2 bậc về Chính phủ điện tử trong bảng xếp hạng của Liên hợp quốc

15/07/2020 10:07

Thông tin từ Báo cáo của Liên hợp quốc rất hữu ích, mỗi nước biết vị trí của mình trong bức tranh Chính phủ điện tử thế giới, nắm bắt kịp thời các xu thế để có chiến lược phát triển đúng đắn.

Theo Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử (E-Government Development Index – EGDI) năm 2020 được Liên hợp quốc công bố ngày 10.7, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 86 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, tăng 2 bậc so với năm 2018. Việt Nam đã tăng hạng liên tục trong giai đoạn 2014 - 2020 từ vị trí 99 lên vị trí 86.

Chỉ số EGDI của Việt Nam đạt ở mức cao

Về giá trị, Chỉ số EGDI của Việt Nam năm 2020 đạt 0.6667 điểm, được xếp vào nhóm các nước phát triển Chính phủ điện tử có EGDI ở mức cao và cao hơn so với Chỉ số EGDI trung bình của thế giới (0.5988), của khu vực châu Á (0.6373), cũng như của khu vực Đông Nam Á (0.6321).

Chỉ số EGDI được chia làm 4 mức: rất cao: chỉ số lớn hơn 0.75; cao: chỉ số từ 0.5 đến 0.75; trung bình: chỉ số từ 0.25 đến 0.5; thấp: nhỏ hơn 0.25.

Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 6 trong 11 nước, vẫn giữ nguyên vị trí như năm 2018; 5 nước có vị trí cao hơn Việt Nam vẫn là Singapore, Malaysia, Thái Lan, Bruinei và Philippines. Việt Nam xếp trên Indonesia nhưng khoảng cách giữa Việt Nam và Indonesia bị thu hẹp đáng kể. Đáng chú ý là sự tăng hạng mạnh của một số nước; Campuchia tăng 21 bậc, từ vị trí 145 lên vị trí 124; Indonesia tăng 19 bậc, từ vị trí 107 lên vị trí 88; Thái Lan tăng 16 bậc, từ 73 lên vị trí 57; Myanmar tăng 11 bậc, từ vị trí 157 lên vị trí 146. Tuy nhiên, trong số 5 quốc gia xếp vị trí cao hơn Việt Nam thì có 3 quốc gia bị giảm thứ hạng (Singapore giảm 4 bậc, Brunei giảm 1 bậc và Philippines giảm 2 bậc).

Chỉ số hạ tầng viễn thông tăng mạnh 31 bậc

Về các chỉ số thành phần, cũng như các năm trước, Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI) được tổng hợp từ 3 chỉ số thành phần: Chỉ số hạ tầng viễn thông (Telecommunication Infrastructure Index - TII); Chỉ số nguồn nhân lực (Human Capital Index - HCI); Chỉ số dịch vụ trực tuyến (Online Service Index - OSI).

Vị trí xếp hạng về các chỉ số thành phần của Việt Nam năm 2020 có sự thay đổi tương đối lớn. Chỉ số thành phần hạ tầng viễn thông (TII) tăng mạnh, tăng 31 bậc (năm 2020, xếp thứ 69; năm 2018, xếp thứ 100); Chỉ số thành phần nguồn nhân lực (HCI) tăng 3 bậc (năm 2020, xếp thứ 117; năm 2018, xếp thứ 120); Chỉ số dịch vụ trực tuyến (OSI) bị giảm 22 bậc (năm 2020, xếp thứ 81; năm 2018, xếp thứ 59). Mặc dù Chỉ số OSI giảm mạnh, nhưng theo Báo cáo xếp hạng của Liên hợp quốc, việc khảo sát các dịch vụ trực tuyến để đánh giá OSI đã diễn ra khá lâu, từ tháng 6 đến tháng 9.2019.

Thời gian qua, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc, nỗ lực của cơ quan nhà nước các cấp, theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao (mức độ 3, mức độ 4) được các bộ, ngành, địa phương cung cấp tăng mạnh; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành việc cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và nếu nhân rộng mô hình thành công này, thời gian tới sẽ có nhiều bộ, ngành, địa phương đạt được chỉ tiêu tương tự.

Bên cạnh Chỉ số chính là EGDI, năm 2020, Liên hợp quốc còn đánh giá thêm một số chỉ số phụ liên quan đến sự phát triển Chính phủ điện tử:

Chỉ số tham gia điện tử (E-Participation Index – EPI )

Chỉ số này đánh giá sự tương tác điện tử giữa chính phủ và người dân, với mục đích khuyến khích các chính phủ cung cấp cho người dân các công cụ trực tuyến để tham gia vào quá trình ra quyết định. Năm 2020, Chỉ số EPI của Việt Nam có vị trí xếp hạng là 70/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, tăng 2 bậc so với năm 2018.

Chỉ số Dịch vụ trực tuyến địa phương (Local Online Service Index - LOSI)

Đây là chỉ số phụ để đánh giá sự phát triển dịch vụ trực tuyến của một số thành phố được chọn lựa trên thế giới. Năm 2020, 100 thành phố được chọn lựa khảo sát, đánh giá (năm 2018 là 40 thành phố). Các thành phố khảo sát được lựa chọn dựa trên vị trí địa lý và phân bố dân cư, trong đó có 29 thành phố ở châu Á, 32 thành phố ở châu Phi, 21 thành phố ở châu Âu, 16 thành phố ở châu Mỹ và 2 thành phố ở châu Đại Dương. Tuy nhiên, 14 thành phố không có cổng thông tin điện tử riêng để đánh giá, nên năm 2020 chỉ đánh giá 86 thành phố. Việt Nam có TP Hồ Chí Minh được lựa chọn khảo sát, đánh giá, xếp hạng 42/86 thành phố được đánh giá và được xếp ở mức Chỉ số LOSI trung bình.

Chỉ số dữ liệu chính phủ mở (Open Government Data Index -OGDI)

Năm nay là năm đầu tiên Liên hợp quốc đánh giá Chỉ số dữ liệu chính phủ mở (OGDI). Giá trị Chỉ số OGDI của Việt Nam năm 2020 được xếp vào nhóm Chỉ số OGDI trung bình của thế giới, xếp hạng 97/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc.

Thông tin từ Báo cáo của Liên hợp quốc rất hữu ích, mỗi quốc gia biết vị trí của mình trong bức tranh Chính phủ điện tử thế giới, nắm bắt kịp thời các xu thế để có chiến lược đúng đắn phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số trong tương lai.

Với vị trí xếp hạng hiện nay, để đạt mục tiêu “Việt Nam thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI)” được nêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3.6.2020 của Thủ tướng Chính phủ), các bộ, ngành, địa phương chắc chắn sẽ phải nỗ lực vượt bậc trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thuộc chương trình nhằm phát triển đồng bộ Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số trong giai đoạn mới.

Đan Mạch, Hàn Quốc, Estonia dẫn đầu bảng xếp hạng toàn cầu

Trong số 183 quốc gia tham gia Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử 2020, Đan Mạch, Hàn Quốc và Estonia xuất sắc dẫn đầu cả về quy mô và chất lượng dịch vụ trực tuyến, hiện trạng cơ sở hạ tầng viễn thông và nguồn nhân lực. Cũng xếp trong tốp đầu bao gồm các nước Phần Lan, Australia, Thụy Điển, Anh, New Zealand, the United States of America, Hà Lan, Singapore, Iceland, Nauy và Nhật Bản.

Trong số những nước kém phát triển, Bhutan, Bangladesh và Campuchia đang là những nước đi đầu về phát triển Chính phủ số, đã có những bước tiến mạnh chuyển từ nhóm các nước có chỉ số EGDI ở mức trung bình sang nhóm có EGDI ở mức cao trong năm 2020.

65% các quốc gia thành viên tham gia Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử 2020 đạt được chỉ số EGDI ở mức cao và rất cao, đó là nhận định trích từ Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử năm 2020 của Liên hợp quốc.

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ TTTT

(0) Bình luận
Việt Nam tăng 2 bậc về Chính phủ điện tử trong bảng xếp hạng của Liên hợp quốc