Văn hóa cần phát triển tương xứng với kinh tế

09/06/2018 15:04

Đó là những ý kiến tham luận của các đại biểu Quốc hội tại buổi họp toàn thể tại hội trường ngày 25.5 vừa qua.

Hầu hết các đại biểu đều bày tỏ vui mừng, nhất trí cao với báo cáo của Chính phủ và báo cáo giám sát của Ủy ban Kinh tế Quốc hội về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và những tháng đầu năm 2018. Năm 2017, GDP tăng trưởng đạt 6,81%, cao hơn mức Quốc hội giao (6,7%). 12/13 chỉ tiêu chủ yếu đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch. Xuất khẩu tăng khá, đạt trên 223 tỷ USD, lần đầu tiên xuất siêu gần 3 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối lên tới trên 63,5 tỷ USD. Quý I.2018, GDP tăng 7,3%, mức tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều có mức tăng trưởng đáng ghi nhận. Đời sống nhân dân ở các vùng, miền được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Phòng chống tham nhũng đạt được những kết quả quan trọng.

Tình hình kinh tế phát triển nhưng nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn, thậm chí bức xúc giữa phát triển kinh tế và văn hóa. Có đại biểu cho rằng phát triển văn hóa chưa tương xứng với phát triển kinh tế và viện dẫn ý kiến của cử tri mong rằng: "Phát triển kinh tế như ngày nay, còn đạo đức thì được như ngày xưa". Đạo đức suy cho cùng là biểu hiện của văn hóa. Đạo đức hiện nay có biểu hiện xuống cấp trầm trọng. Sản xuất nông nghiệp thì rau hai luống, lợn hai chuồng, phế phẩm cà phê nhuộm bột pin. Thuốc Vinaca chữa ung thư giả làm bằng bột than tre. Ở trường mầm non, cô bảo mẫu bạo hành trẻ nhỏ, cô giáo phạt học sinh uống nước giẻ lau, phụ huynh học sinh bắt cô giáo quỳ...

Nhiều đại biểu nêu câu hỏi, những bức xúc của cử tri về đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng, những giải pháp đưa ra còn nhiều bất cập, thiếu tính thuyết phục. Không chỉ đại biểu Quốc hội bức xúc trước những vấn đề đạo đức xã hội xuống cấp mà còn chỉ ra những yếu kém, suy cho cùng là xây dựng, phát triển văn hóa chưa tương xứng với phát triển kinh tế.

Để phát triển văn hóa, Trung ương đã có nhiều nghị quyết, Chính phủ có các nghị định hướng dẫn thực hiện. Vấn đề là tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trung ương đã dành hẳn Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) nói về văn hóa, xác định tầm quan trọng, mục tiêu của văn hóa là xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa với đầy đủ các đức tính chân, thiện, mỹ trên cơ sở giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Trong nền kinh tế thị trường luôn đan xen những mặt tích cực và những biểu hiện tiêu cực. Nền kinh tế của ta đang ở vào giai đoạn đầu của cơ chế thị trường. Những bất cập trong quản lý, điều hành và những khuyết điểm, yếu kém được bộc lộ khá rõ. Một bộ phận không nhỏ đua nhau làm giàu không chính đáng. Một số cán bộ có chức quyền ở các cấp, kể cả cấp cao có biểu hiện tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, cửa quyền trong một thời gian dài, không được ngăn chặn, xử lý kịp thời. Một số không nhỏ cán bộ đảng viên thiếu gương mẫu, sa đà vào lợi ích cá nhân..., thoái hóa biến chất. Những cái đó kéo theo những tệ nạn xã hội ma túy, mại dâm, đâm thuê chém mướn. Mặt khác, cơ chế, chính sách của Nhà nước có những kẽ hở, tạo cho bọn xấu lợi dụng. Pháp luật chưa nghiêm, hình phạt nhẹ chưa đủ sức răn đe.

Bản chất của một dân tộc chính là văn hóa của dân tộc đó. Xây dựng nền văn hóa không phải một sớm một chiều, nhưng không phải vì thế mà không kiến tạo được một nền văn hóa có truyền thống lâu đời như dân tộc ta "thương người như thể thương thân", "bầu ơi thương lấy bí cùng", "đói cho sạch, rách cho thơm"... Hàng ngàn tấm gương oanh liệt hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ trong hai cuộc kháng chiến để giành lại độc lập cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân. Đó là nét đẹp rực rỡ của văn hóa Việt Nam mà những biểu hiện tiêu cực trong đời sống xã hội hiện nay là thứ yếu, không thể che khuất, không thể phủ nhận xây dựng, phát triển văn hóa trở thành sức mạnh phi thường của một dân tộc anh hùng để xây dựng đất nước, chống giặc ngoại xâm, đẩy lùi nội xâm, xây dựng một đất nước giàu mạnh, văn minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi".

Vâng theo lời dạy của Người, kinh tế phát triển, văn hóa cần phát triển tương xứng. Đó là mong ước của cử tri cả nước.

VŨ HOÀNG

(0) Bình luận
Văn hóa cần phát triển tương xứng với kinh tế