Tiêu chuẩn cán bộ

26/08/2018 08:13

Việc xây dựng tiêu chuẩn cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý kỳ này là cơ sở để đánh giá cán bộ sát thực, đúng đắn hơn.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) về công tác cán bộ, vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành tiêu chuẩn chức danh Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND tỉnh và các chức danh cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Đây là một bước tiến mới về chất, cụ thể hóa chương trình hành động thực hiện xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Hơn 20 năm qua, kể từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về công tác cán bộ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đội ngũ cán bộ đã không ngừng trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị đề ra. Sự phát triển của đội ngũ cán bộ là nhân tố then chốt quyết định những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại đa số cán bộ các cấp là những người có đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, tận tâm với công việc, tận tụy phục vụ nhân dân.

Song, nhìn tổng thể đội ngũ cán bộ đông nhưng chưa mạnh, vẫn còn tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ. Trình độ ngoại ngữ, tin học, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế của cán bộ còn nhiều bất cập. Không ít cán bộ thiếu bản lĩnh, thiếu năng lực chuyên môn, ngại rèn luyện, phai nhạt lý tưởng cách mạng, rơi vào chủ nghĩa cá nhân, tham vọng quyền lực, tham ô, tham nhũng, vi phạm pháp luật, thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Đã có những cán bộ, kể cả cán bộ cao cấp phải xử lý kỷ luật.

Bác Hồ chỉ rõ: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc". "Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém". Đất nước đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đầy những thời cơ, thách thức, rủi ro đan xen. Do vậy, xây dựng tiêu chuẩn cán bộ các cấp là việc làm khó, mang tính khoa học và thực tiễn sâu sắc, vừa định lượng, vừa định tính. Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) chỉ ra những nhiệm vụ, giải pháp về công tác cán bộ với 2 trọng tâm, 5 đột phá. Trong đó, trọng tâm thứ nhất là: "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ; chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương". Để chuẩn hóa cán bộ thì phải có tiêu chuẩn cán bộ. Trên cơ sở tiêu chuẩn cán bộ các cấp, từng người, từng chức danh cụ thể liên hệ, kiểm chứng, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng thực chất, phát huy những khả năng sẵn có, những tiêu chuẩn đã đạt, đồng thời có chương trình, kế hoạch, biện pháp khắc phục những mặt còn yếu kém, những tiêu chuẩn chưa đạt, luôn luôn tự tu dưỡng, rèn luyện, học tập về mọi mặt phẩm chất cũng như năng lực (trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ thuật, quản lý...) để đạt chuẩn. Tiêu chuẩn cán bộ chủ chốt diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý còn nhấn mạnh: Phải có năng lực phát hiện những mâu thuẫn, thách thức, thời cơ vận hội mới, đồng thời dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đây là tiêu chuẩn rất cần của đội ngũ cán bộ chủ chốt. Thực hiện tốt tiêu chuẩn cán bộ do Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành kỳ này, tỉnh nhà sẽ có những đột phá, những mũi nhọn trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng ở địa phương.

Việc xây dựng tiêu chuẩn cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý kỳ này là cơ sở để đánh giá cán bộ sát thực, đúng đắn hơn. Tiêu chuẩn cán bộ càng chi tiết, cụ thể, càng giúp cho đánh giá cán bộ, bố trí, sử dụng cán bộ chính xác, hiệu quả hơn. Từ tiêu chuẩn chức danh cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, các cấp, các ngành cần xây dựng tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo, quản lý theo phân cấp sát hợp với yêu cầu chức năng, nhiệm vụ ở địa phương, cơ sở.

VŨ HOÀNG LUYẾN

(0) Bình luận
Tiêu chuẩn cán bộ