Thường trực HĐND tỉnh: Chất vấn về công tác quản lý chất lượng nước sinh hoạt

04/10/2019 14:49

Sáng 4.10, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên chất vấn, giải trình về công tác quản lý nhà nước về chất lượng nguồn nước sạch và việc thực hiện lộ trình chuyển đổi nguồn lấy nước sông nội đồng.


Đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận phiên chất vấn

Các đồng chí: Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Ngọc Bích, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Thanh Mai, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì phiên chất vấn.

Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, một số sở, ngành, lãnh đạo UBND các huyện, thành phố, đại diện một số doanh nghiệp, cơ sở cấp nước trong tỉnh dự.

Hải Dương hiện có 73 công trình cấp nước sinh hoạt với tổng công suất trên 120.000m3/ngày, đêm. Toàn tỉnh hiện có 214 trong tổng số 220 xã nông thôn đã được phủ kín hệ thống đường ống và đấu nối sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước sạch tập trung (chiếm 97,3% tổng số xã nông thôn). Theo kết quả cập nhật điều tra Bộ chỉ số theo dõi – đánh giá cấp nước nông thôn đến hết năm 2018 được UBND tỉnh phê duyệt, Hải Dương có 94,01% số dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn. Bình quân một hộ sử dụng 7,5m3 nước/ tháng.

Theo thiết kế, Hải Dương có 27 công trình khai thác nước sông nội đồng. Thực hiện quyết định chuyển đổi để nâng cao chất lượng nguồn cấp nước của UBND tỉnh, đến nay đã có 23 công trình chuyển đổi từ khai thác nước sông nội đồng sang sử dụng nước sông lớn. Chỉ còn 4 công trình đang trong quá trình chuyển đổi.

Công khai các đơn vị không bảo đảm chất lượng nước

Tham gia phiên chất vấn, nhiều ý kiến quan tâm đến mối quan hệ phối hợp của các ngành chức năng trong việc quản lý, giám sát chất lượng nguồn cấp nước sinh hoạt. Đại biểu HĐND tỉnh Đoàn Quang Định, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh đề nghị các ngành nông nghiệp, y tế làm rõ công tác phối hợp trong quản lý, giám sát, kiểm định và công khai chất lượng kiểm định chất lượng nguồn nước sinh hoạt. Đại biểu Nguyễn Thị Hường, Phó trưởng Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh chất vấn về biện pháp của UBND tỉnh trong việc quản lý nguồn xả thải vào đầu nguồn lấy nước; việc niêm yết công khai chất lượng mẫu nước sau kiểm định... Giám đốc Sở Nội vụ Phạm Mạnh Hùng lo ngại về việc các địa phương ồ ạt  nuôi cá lồng trên sông gây ô nhiễm nguồn nước để cung cấp nước sinh hoạt...

Giải trình các nội dung trên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN - PTNT) Trần Văn Quân cho biết định kỳ 6 tháng 1 lần, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế) lấy mẫu nước sau xử lý tại các trạm cấp nước tập trung để kiểm định. Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn (Sở NN- PTNT) mỗi tháng lấy mẫu 1 lần/công trình, mỗi lần lấy từ 1 - 2 mẫu tại bể chứa nước sạch công trình và tại vòi đang chảy của hộ dân bất kỳ hoặc lấy mẫu đột xuất. Kết quả xét nghiệm mẫu nước thành phẩm được trả bằng phiếu gửi về cho UBND các xã, các trạm cấp nước và niêm yết công khai tại văn phòng, trụ sở UBND xã. Từ năm 2019, kết quả trên được đăng tải thông tin trên trang thông tin điện tử của sở. Đối với các mẫu nước không đạt tiêu chuẩn theo quy định, trung tâm cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp về hướng dẫn đơn vị cấp nước điều chỉnh công tác vận hành, xử lý chất lượng nước đạt quy chuẩn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, ông Quân lý giải chất lượng mẫu nước cũng phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nước triều, tình trạng ngày càng ô nhiễm trầm trọng ở tất cả các nguồn nước... Về việc phát triển nuôi cá lồng trên sông, Giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh cho rằng không đáng ngại do đây chủ yếu là nguồn thải hữu cơ, có thể xử lý thành nước sạch.

Chưa đồng tình với trả lời của Giám đốc Sở NN- PTNT, nhiều đại biểu cho rằng việc niêm yết, công khai chưa đến được với nhân dân. Về nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển yêu cầu các cơ quan chức năng phải công khai kịp thời, công bố rõ chất lượng nước của các doanh nghiệp, trung tâm cấp nước, đặc biệt công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa phát thanh, truyền thanh cơ sở tên của những đơn vị không bảo đảm chất lượng nước.

Trả lời chất vấn của Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Quang Phúc về việc có hay không doanh nghiệp đã chuyển đổi nguồn lấy nước nhưng vẫn tranh thủ trộn nguồn nước khai thác từ sông nội đồng, Giám đốc Sở NN - PTNT thừa nhận vẫn có tình trạng này. Ông Quân nêu tên một số trạm cấp nước có khả năng vẫn lấy nước sông nội đồng để xử lý nhằm giảm chi phí.

Về nội dung chất vấn việc chậm trễ, khó khăn trong cổ phần hóa một số HTX kinh doanh nước sinh hoạt, ông Quân thừa nhận đang có nhiều vướng mắc trong việc định giá vốn đầu tư của nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân. Ông kiến nghị Trung ương, tỉnh nghiên cứu, chỉ đạo thực hiện chuyển đổi theo hình thức đấu thầu.

Dự phiên chất vấn, một số doanh nghiệp kinh doanh nước sạch trong tỉnh kiến nghị trung ương, tỉnh hỗ trợ tháo gỡ một số khó khăn về năng lực kinh tế do chi phí lớn cho việc chuyển đổi lấy nguồn từ sông lớn, về thủ tục hành chính, giá bán nước sinh hoạt...


Đại biểu HĐND tỉnh chất vấn về công tác quản lý chất lượng nước sinh hoạt

Trách nhiệm chính là cơ quan quản lý

Phát biểu kết luận phiên chất vấn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển đánh giá cao sự đóng góp của các doanh nghiệp vào việc nâng cao tỷ lệ người dân được dùng nước sạch của tỉnh. Tuy nhiên, đồng chí lưu ý về chất lượng nước sinh hoạt chưa đồng đều, chưa tương đồng giữa các địa phương, khu vực cho thấy các doanh nghiệp chưa quyết tâm cao trong cạnh tranh, mang lại nguồn nước tốt nhất cho khách hàng. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất, kinh doanh nước sinh hoạt phải không ngừng đổi mới, đầu tư nâng cao công nghệ, chất lượng cung cấp nước.

Về công tác quản lý nhà nước, do việc cấp nước sinh hoạt liên quan đến đời sống nhân dân, an sinh xã hội, đồng chí yêu cầu các ngành tiếp tục siết chặt quản lý, kiểm tra thường xuyên, đột xuất, đa dạng cách lấy mẫu nước để xét nghiệm, kiểm định. Các doanh nghiệp đã thực hiện chuyển đổi nguồn lấy nước phải chấp hành nghiêm túc, chấm dứt ngay việc lấy trộn nguồn nước. Doanh nghiệp nào phát hiện có vi phạm hoặc tái phạm việc cung cấp nước sinh hoạt không đạt chất lượng sẽ xem xét, xử lý nghiêm, có thể rút giấy phép sản xuất, kinh doanh.

Đồng chí giao UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chậm nhất đến ngày 31.12.2019 phải ban hành xong quy chuẩn kỹ thuật nước sinh hoạt trong tỉnh. Ngành tài chính tham mưu xây dựng giá trần kinh doanh nước sinh hoạt cho các doanh nghiệp tư nhân, khuyến khích các doanh nghiệp bán mức thấp hơn giá trần… UBND tỉnh đề xuất HĐND tỉnh trang bị đầy đủ trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác kiểm định các thông số tiêu chuẩn thông thường các mẫu nước; nghiên cứu huy động nguồn lực của các doanh nghiệp vào công tác kiểm định, xét nghiệm…

TRUNG THU

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thường trực HĐND tỉnh: Chất vấn về công tác quản lý chất lượng nước sinh hoạt