Thủ tướng nhắc Bộ Công thương về trách nhiệm nêu gương của lãnh đạo

17/01/2019 15:34

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Công thương tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với trách nhiệm nêu gương, cán bộ phải thực sự vì công việc, sáng tạo, đảm đương tốt nhiệm vụ được giao.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo như vậy tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành Công thương ngày 17.1.

"Không được chủ quan, thỏa mãn"

Đánh giá về những kết quả đạt được năm 2018 với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch trong lĩnh vực công nghiệp, xuất khẩu, hội nhập kinh tế, Thủ tướng cho rằng Bộ Công thương đã biết tổ chức triển khai công việc, biết giữ lời hứa, lời nói và hành động đi liền nhau, nhiều việc làm hiệu quả, quyết liệt.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận khiếm khuyết, Thủ tướng cho rằng ngành công thương nhiều hạn chế hơn ưu điểm: tính chủ động trong lập quy hoạch còn chưa cao, một số quy hoạch lập, triển khai còn lúng túng như điện, năng lượng...

Ngành công thương cũng chưa xây dựng được ngành công nghiệp đủ sức cạnh tranh. Đặc biệt là để đạt mục tiêu công nghiệp hóa, công nghiệp thông minh, cách mạng 4.0, kỷ nguyên số và phát triển thương mại điện tử.

Mức độ liên kết hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong ngành và các ngành còn hạn chế. Liên kết doanh nghiệp trong nước và FDI chưa đi vào chiều sâu, đặc biệt là tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, chưa tham gia sâu chuỗi toàn cầu.

Việc tổ chức thị trường trong nước còn nhiều bất cập, Thủ tướng yêu cầu không để thị trường bán lẻ rơi vào tay người khác, củng cố nội lực và sức mạnh bên trong.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh tình trạng hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp, tác động xấu đến tái cơ cấu, sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trong nước. Thương mại điện tử còn phát triển chậm, chi phí logistics còn cao.

Đặc biệt, Thủ tướng chỉ ra bất cập trong việc tuyên truyền, phổ biến thông tin về các hiệp định thương mại tự do. Hoạt động của các tham tán thương mại cần phải "làm việc nước trước, làm việc nhà sau" và ngày đêm suy nghĩ làm thị trường.

Với những hạn chế trên, Thủ tướng cho rằng Bộ Công thương không được chủ quan, thỏa mãn, mà cần nhìn rõ cơ hội thách thức để bước lên chuyến tàu cách mạng 4.0.

"Ngành công thương có gì để bứt phá?"

Thủ tướng nói phải có khát vọng đưa Việt Nam trở thành công xưởng của thế giới, là địa bàn dịch chuyển đầu tư, tận dụng thời cơ. Để làm được, Việt Nam cần phải có môi trường tốt để mọi thành phần kinh tế đầu tư.

"Trong 12 chữ vàng phương châm hành động có từ 'bứt phá' và 'hiệu quả', thì bứt phá của ngành ở đâu?", Thủ tướng đặt câu hỏi và nhắc nhở rằng ông không chấp nhận ngành công thương để mức nhập siêu năm nay 2% khi đã đạt thành tích xuất siêu 2 năm.

Thủ tướng yêu cầu đảm bảo cung ứng điện. "Anh nào cắt điện cắt chức, thời đại này mà để mất điện, cắt điện, phải có chương trình dài hơi đảm bảo điện lâu dài", Thủ tướng nhấn mạnh.

Đối với công nghiệp, Thủ tướng yêu cầu xây dựng trên nền tảng kỷ nguyên số, gắn với nâng cao năng suất lao động, có cơ cấu lao động bất hợp lý, đổi mới tư duy, giải phóng sản xuất, chuyển tiền kiểm sang hậu kiểm...

Công tác quy hoạch cũng cần tránh tình trạng xin cho, tiếp tục xử lý dự án yếu kém, bao gồm cả nhiệt điện Thái Bình 2, tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí, kỷ cương kỷ luật hành chính trong ngành, gắn với trách nhiệm nêu gương của các lãnh đạo ngành.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Thủ tướng nhắc Bộ Công thương về trách nhiệm nêu gương của lãnh đạo