Thí điểm sáp nhập các tỉnh để tinh gọn bộ máy

17/07/2021 09:13

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Văn Pha cho rằng: "Bối cảnh sáp nhập đơn vị hành chính chưa bao giờ thuận lợi như hiện nay".


Công chức TP Thủ Đức sau khi sáp nhập từ các quận 2, 9 và Thủ Đức - Ảnh: TỰ TRUNG

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, huyện và thí điểm sáp nhập các tỉnh thời gian tới được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động bộ máy hành chính.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng việc sáp nhập không nên là phép cộng đơn thuần.

Bộ Nội vụ vừa có văn bản lấy ý kiến Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương về việc sửa đổi nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn đơn vị hành chính (ĐVHC), phân loại ĐVHC và việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 (NQ1211). Theo đó, Bộ Nội vụ cũng đề xuất thí điểm sáp nhập một số tỉnh không đạt chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên theo NQ1211.

Đã thấy hiệu quả giảm chi ngân sách

Theo Bộ Nội vụ, qua việc thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021, các địa phương trên cả nước đã giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện, 561 đơn vị hành chính cấp xã.

Trong đó có một trường hợp nhập ba ĐVHC cấp quận huyện thành một ĐVHC mới: TP Hồ Chí Minh sáp nhập các quận 2, 9 và Thủ Đức để thành lập TP Thủ Đức. Bên cạnh đó, có sáu trường hợp nhập hai ĐVHC cấp huyện thành một ĐVHC cấp huyện mới; có 3 trường hợp điều chỉnh địa giới ĐVHC cấp huyện nhưng không giảm số lượng ĐVHC.

Sau sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp huyện, số cán bộ, công chức cấp huyện dôi dư ra 589 người, cấp xã dôi dư ra 8.488 người. Bên cạnh đó, số người hoạt động không chuyên trách hưởng lương ở cấp xã sau sáp nhập dôi dư 7.723 người.

Việc giải quyết cán bộ cấp xã, cấp huyện dôi dư tại các địa phương, theo Bộ Nội vụ, đang gặp nhiều khó khăn. Trong 3 năm qua, các địa phương chỉ giải quyết được 186 cán bộ dôi dư cấp huyện và 5.832 cán bộ, công chức, 7.436 người hoạt động không chuyên trách dôi dư tại cấp xã.

Hiện còn khoảng 403 cán bộ, công chức cấp huyện; 2.797 cán bộ, công chức cấp xã và 287 người hoạt động không chuyên trách dôi dư chưa có phương án giải quyết.

Số người hưởng lương ngân sách ở Việt Nam, nếu tính theo tỷ lệ dân cư, còn cao hơn cả Trung Quốc, cao hơn nhiều nước phát triển.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập(Đoàn luật sư TP Hà Nội)

Báo cáo của 45 địa phương gửi về Bộ Nội vụ cho thấy sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập các ĐVHC cấp huyện, cấp xã, các địa phương đã giảm chi ngân sách khoảng 1.360 tỷ đồng, trong đó giảm chi tiền lương, phụ cấp 1.011 tỷ đồng, giảm chi hoạt động 311 tỷ đồng, giảm chi khác hơn 40 tỷ đồng.

Để thực hiện lộ trình sáp nhập các tỉnh, ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ cho biết trước mắt, Bộ Nội vụ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa NQ1211 về tiêu chuẩn ĐVHC các cấp (điều kiện tự nhiên, quốc phòng, an ninh, diện tích tự nhiên, quy mô dân số trong bối cảnh chuyển đổi số), từ đó mới có cơ sở thực hiện chủ trương sáp nhập. Theo ông Minh, trong giai đoạn 2022 - 2025 chỉ hoàn thiện khung thể chế để thực hiện sáp nhập các tỉnh. Việc tổ chức sáp nhập các tỉnh sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2030.

Về chủ trương sáp nhập các tỉnh, theo Bộ Nội vụ sẽ thí điểm sắp xếp các tỉnh chưa đạt 50% một trong hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định. Trước mắt, sẽ thí điểm sáp nhập một số tỉnh có diện tích tự nhiên nhỏ, mật độ dân số đông, có khó khăn về quỹ đất dành cho không gian phát triển.

Không thể vội vàng

Về chủ trương thí điểm sáp nhập các tỉnh không đủ tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số, ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội nhận định nếu chúng ta cứ lăn tăn với bài toán sáp nhập xong bố trí cán bộ thế nào sẽ không bao giờ làm được. "Bối cảnh sáp nhập đơn vị hành chính chưa bao giờ thuận lợi như hiện nay", ông Pha nhấn mạnh.

Theo ông, điều kiện hạ tầng xã hội ở địa phương hiện nay hoàn toàn có thể thực hiện sáp nhập các tỉnh với nhau. Ngay tại tỉnh vùng cao Hà Giang còn nhiều khó khăn đến nay cũng kết nối mạng Internet tới tận trụ sở cấp xã, hầu hết các xã đều được phủ sóng điện thoại, có đường ô tô đến trung tâm xã nên nếu sáp nhập thì hoạt động điều hành cũng không bị ảnh hưởng nhiều.

Ông Pha cho rằng vấn đề vướng nhất là con người, là năng lực quản lý của cán bộ lãnh đạo địa phương cần nâng cao cho phù hợp với bối cảnh mở rộng địa giới hành chính. Hơn nữa, cần xem lại chủ trương phân bổ biên chế cán bộ, công chức theo kiểu dàn đều, huyện rộng cũng như huyện hẹp, điều này rất bất cập bởi sau khi sáp nhập rõ ràng địa bàn quản lý rộng hơn thì việc cân đối thêm biên chế cho phù hợp với khối lượng công việc là cần thiết.

Trong khi đó, ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương cho rằng vấn đề chia tách, sáp nhập các ĐVHC đã làm nhiều lần. Có những lần không thành công vì không thích hợp với tình hình thực tế, không thích hợp với trình độ năng lực của cán bộ. Vì thế, việc thực hiện sáp nhập các tỉnh hiện nay không thể vội vàng chạy theo thành tích giảm bớt đầu mối, giảm bớt biên chế một cách cơ học, không thích hợp với thực tiễn đời sống.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Đoàn luật sư TP Hà Nội nêu quan điểm sáp nhập các tỉnh không chỉ là chuyện nhập các ĐVHC, kinh tế với nhau, cần tính tới đặc tính văn hóa xã hội vùng miền bởi đặc tính này chi phối quá trình phát triển, ổn định kinh tế, chính trị địa phương. Hơn nữa, việc sáp nhập các tỉnh, nếu chỉ hướng tới giảm đầu mối hành chính, sẽ không thực chất bằng giảm số lượng cán bộ, công chức trong bộ máy. Giảm về mặt con người, giảm chi ngân sách mới là quan trọng.

Cùng quan điểm này, ông Lê Quang Thưởng cũng khẳng định việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế có nhiều cách để thực hiện, ngay cả khi không sáp nhập các tỉnh cũng có thể sắp xếp lại bộ máy chính quyền các tỉnh theo vị trí việc làm để tinh giản biên chế.

Chính phủ sẽ sắp xếp bộ máy, giảm đầu mối các bộ, ngành

Cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công và xây dựng, phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số. Đó là sáu nội dung trọng tâm trong nghị quyết về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 vừa được Chính phủ ban hành.

Đáng chú ý về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước sẽ tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ các cơ quan, phân định rõ mô hình tổ chức, tinh gọn hệ thống tổ chức. Mục tiêu đến năm 2025 giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% số lượng đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách. Đến năm 2030, tiếp tục sắp xếp kiện toàn cơ cấu tổ chức Chính phủ theo hướng giảm hợp lý đầu mối các bộ, cơ quan ngang bộ, giảm tương ứng số cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện, giảm mạnh đầu mối các tổ chức trung gian.


Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Thí điểm sáp nhập các tỉnh để tinh gọn bộ máy