Thay đổi tư duy “viên chức suốt đời”

13/06/2019 07:26

Viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập sẽ phải chuyển sang hợp đồng làm việc có thời hạn.

Đó là một trong những điểm nổi bật của dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đang được Quốc hội bàn thảo. Nếu như trước đây, được tuyển dụng gần như đồng nghĩa với việc trong suốt quãng thời gian đi làm, viên chức sẽ yên tâm có chân trong biên chế; thì với sự sửa đổi này, sự yên tâm kiểu đó không còn nữa.

Thay đổi được kỳ vọng sẽ giúp giảm tính chây ì, chậm đổi mới, kém năng động của một bộ phận viên chức. Quả thực trên thực tế, tư duy “viên chức suốt đời” là hòn đá tảng ngăn cản sự nỗ lực phấn đấu của nhiều người. Khi yên tâm với việc dù chỉ làm việc bình bình cũng vẫn có chỗ làm, được lĩnh lương hằng tháng thì họ không cố gắng hết sức mình. Thậm chí, nhiều viên chức không ngại phạm phải những sai sót, chậm trễ trong công việc cũng bắt nguồn từ tâm lý này. Thời gian qua, nhiều đơn vị sự nghiệp công lập thích sử dụng lao động hợp đồng hơn tuyển dụng viên chức trong biên chế bởi đội ngũ lao động hợp đồng có sự cố gắng, sáng tạo hơn.

Tuy nhiên, nếu viên chức phải ký hợp đồng có thời hạn 3 năm một lần trong suốt thời gian đi làm thì cần tính đến việc sửa đổi cả Bộ luật Lao động cho phù hợp. Theo quy định hiện hành, chủ sử dụng lao động chỉ được ký hợp đồng lao động có thời hạn 2 lần liên tiếp, đến lần thứ ba buộc phải ký hợp đồng lao động không thời hạn. Bên cạnh đó có thể phát sinh một số khó khăn, tiêu cực. Không thể phủ nhận rằng một yếu tố hấp dẫn người lao động vào làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập là tính ổn định của công việc nên nhiều người lựa chọn làm viên chức dù có thể kiếm được việc làm có thu nhập cao hơn ở nơi khác. Thực tế là tiền lương của một viên chức bình thường đang khá thấp. Nếu cũng phải ký hợp đồng có thời hạn liên tục giống như làm việc ở những đơn vị, doanh nghiệp ngoài nhà nước trong khi thu nhập thấp hơn thì chắc chắn đa phần sẽ không muốn làm viên chức. Việc thu hút nhân tài vào các cơ quan nhà nước sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trước đây. Nhiều người cũng lo ngại rằng nếu người đứng đầu cơ quan, đơn vị được thực hiện việc ký kết lại hợp đồng lao động liên tục sẽ làm phát sinh tiêu cực như sa thải hàng loạt, thay đổi người làm việc khiến bộ máy không ổn định...

Theo quy định hiện hành, viên chức vẫn có thể bị sa thải nếu 2 năm liên tiếp bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng tư duy “viên chức suốt đời” vẫn tồn tại nhiều năm nay là do khâu đánh giá cán bộ còn nhiều yếu kém. Theo báo cáo của Bộ Nội vụ trước Quốc hội, số viên chức không hoàn thành nhiệm vụ hiện chỉ chiếm 0,38%. Con số này chưa phản ánh sát chất lượng làm việc của đội ngũ, việc đánh giá viên chức vẫn còn tâm lý nể nang nên không sàng lọc được viên chức chây ì, yếu kém. Vì thế, để nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức, đi kèm với việc sửa đổi luật cần có những cách thực hiện minh bạch, cơ chế đánh giá, giám sát chặt chẽ, công bằng để viên chức yên tâm làm việc, đồng thời có thêm cơ chế trách nhiệm để người đứng đầu thật sự đủ tầm quyết sách việc vào, ra của viên  chức. Bổ sung chính sách ưu đãi thu hút lao động có trình độ, khả năng vào làm viên chức để tạo sự cạnh tranh, động lực phấn đấu trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

LAM ANH

(0) Bình luận
Thay đổi tư duy “viên chức suốt đời”