Quy định chi tiết biện pháp thi hành Luật Trồng trọt

27/05/2019 10:26

Bộ NN-PTNT đang dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều, biện pháp thi hành Luật Trồng trọt và đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước nghiên cứu, đóng góp ý kiến.

Nhiều nội dung mới trong Luật Trồng trọt sẽ được quy định chi tiết để phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường

Ngày 19.10.2018, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Trồng trọt và có hiệu lực từ ngày 1.1.2020. Luật Trồng trọt ban hành đánh dấu một bước tiến mới, xác định trồng trọt là ngành kinh tế - kỹ thuật trong nông nghiệp. Luật Trồng trọt có nhiều nội dung mới, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; thay đổi phương thức quản lý đối với một số hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả, khả thi để phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường, tạo nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng và từng bước hiện đại.

Theo đó, luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết 12 nội dung liên quan tới giống cây trồng, canh tác tại khoản2 điều 12, khoản 8 điều 15, khoản 3 điều16, khoản 3 điều 17, khoản 4 điều 21, khoản 3 điều 22, khoản 7 điều 24, khoản 3 điều 27, khoản 3 điều 28, khoản 5 điều 29, khoản 2 điều 56, khoản 3 điều 57 của Luật Trồng trọt. Do vậy, việc ban hành nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trồng trọt là rất cần thiết.

Quy định về bảo vệ và sử dụng tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước là một nội dung mới của Luật Trồng trọt được dự thảo nghị định quy định chi tiết. Theo đó, tầng đất mặt của đất được chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa nước phải được bóc riêng để sử dụng vào mục đích nông nghiệp khi xây dựng công trình trừ các công trình xây dựng không bóc hoặc không chôn lấp đất mặt; độ sâu tầng đất mặt phải bóc tách từ 20 - 25 cm tính từ mặt đất.

Dự thảo nghị định cũng yêu cầu tổ chức, cá nhân khi lập hồ sơ chuyển đổi đất chuyên trồng lúa nước sang xây dựng công trình phải lập phương án sử dụng tầng đất mặt. Phương án này cũng là thành phần của hồ sơ xin chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa nước, là căn cứ để kiểm tra, giám sát thực hiện.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa ngoài việc đáp ứng các quy định tại khoản 1 điều 56 Luật Trồng trọt, dự thảo nghị định còn quy định chi tiết thêm các nội dung khác như xây dựng, phê duyệt kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng; trình tự, thủ tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa. Dự thảo xác định biện pháp thi hành đối với nội dung chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa.

Về giống cây trồng, gồm 10 điều (từ điều 3-12) quy định chi tiết về bảo tồn nguồn gen giống cây trồng và ban hành Danh mục nguồn gen giống cây trồng cấm xuất khẩu; hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, cấp lại, gia hạn, đình chỉ, phục hồi, hủy bỏ Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng; chi tiết điều kiện sản xuất, buôn bán giống cây trồng và chi tiết quy định về ghi nhãn giống cây trồng...

Để bảo đảm cải cách thủ tục hành chính, dự thảo đã quy định cụ thể hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện đối với cấp, cấp lại, gia hạn, phục hồi, đình chỉ đối với từng loại quyết định. Riêng đối với giống cây trồng không thuộc loài cây trồng chính, tổ chức, cá nhân chuẩn bị hồ sơ theo quy định để tự công bố lưu hành giống cây trồng. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ ghi nhận nội dung tự công bố trên trang thông tin điện tử. Quy định này đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi tự công bố lưu hành giống cây trồng.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định chi tiết điều kiện sản xuất, buôn bán giống cây trồng trong việc thực hiện truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng; quy định chi tiết việc ghi nhãn giống cây trồng để bảo đảm chất lượng, hiệu quả quản lý đối với giống cây trồng.

KL

(0) Bình luận
Quy định chi tiết biện pháp thi hành Luật Trồng trọt