Nói với học trò

05/04/2018 09:33

Mấy ngày nay dư luận cả nước lại xôn xao xung quanh những câu chuyện về cách ứng xử, giao tiếp giữa cô và trò.

Vụ việc tập thể học sinh một lớp thuộc Trường THPT Cẩm Giàng II ở tỉnh ta viết đơn xin được đổi giáo viên dạy văn vì cô có những lời lẽ chì chiết quá đà còn chưa nguôi thì lại tới vụ cô giáo dạy toán ở Trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh) bị xem xét kỷ luật vì "không nói suốt ba tháng".

Hai câu chuyện tưởng như hoàn toàn trái ngược nhau: một cô giáo không nói không rằng với học trò suốt nhiều tháng liền, còn một cô lại nói quá "nhiều", nhưng tựu chung đều liên quan đến cách giao tiếp giữa cô giáo với học trò.

Tình huống tại Trường THPT Cẩm Giàng II xảy ra khi một số học sinh không học bài cũ. Nếu đặt mình ở địa vị của một giáo viên, hẳn nhiều người sẽ cảm thông cho cô giáo này bởi đã là học trò phải có trách nhiệm học bài, ôn bài, phải trả được bài khi cô kiểm tra. Đằng này, cô giáo gọi đến mấy bạn mà bạn nào cũng trong tình trạng "chữ thầy trả thầy" thì cô không giận sao được? Các cụ ta có câu: "Yêu cho roi cho vọt" hay "Thuốc đắng dã tật". Ở đây, cô giáo vì giận quá mà đã có những lời lẽ nhắc nhở khá nghiêm khắc đối với học trò cũng là điều dễ hiểu. Vấn đề là ở chỗ cô đã dùng một vài từ ngữ mang tính chì chiết, không phù hợp với văn phạm của một giáo viên dạy văn khiến cho học sinh bức xúc. 

Trường hợp thứ hai là câu chuyện về cô giáo dạy toán Trần Thị Minh Châu ở Trường THPT Long Thới. Suốt mấy tháng ròng, cô giáo này không nói không rằng với học sinh, chỉ viết bài lên bảng cho học sinh chép rồi tự học. Dù chỉ biết câu chuyện này qua các thông tin trên mạng nhưng tôi vẫn thấy thật khó hiểu, khó lý giải. Dù là vì nguyên nhân gì đi chăng nữa thì cách ứng xử của cô giáo Châu vẫn là một phương pháp phản sư phạm.

Nhà trường cũng như một xã hội thu nhỏ có vai trò rất quan trọng đối với học sinh, vì đây là môi trường xã hội đầu tiên mà học sinh được tiếp xúc. Môi trường học đường không chỉ là nơi dạy cho học sinh kiến thức mà còn là nơi giáo dưỡng cho các em những kỹ năng sống, hòa nhập vào tập thể, chịu trách nhiệm trước tập thể. Đối với các em, thầy cô vừa như cha mẹ, nhưng cũng như người thủ trưởng đầu tiên trong cuộc đời. Khác hẳn với mối quan hệ trong gia đình với cha mẹ, ông bà, nơi mà các em luôn được bao bọc, đôi khi là cưng chiều vô điều kiện, ở trường thầy cô chính là tấm gương cho các em trong các mối quan hệ xã hội, giao tiếp, dạy cho các em cách sống theo khuôn khổ, quy định. Có câu "Lời nói chẳng mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Cũng những lời dạy bảo học trò, nhưng nếu cô giáo khéo léo hơn, mềm mỏng hơn thì tin rằng "nói ngọt lọt đến xương", học trò sẽ dễ tiếp thu hơn. Và nếu giữa đôi bên có xảy ra hiểu lầm, không đồng quan điểm thì phải cùng nhau giải quyết, tháo gỡ để tìm tiếng nói chung chứ không thể dùng "quyền im lặng" như cách mà cô giáo Châu đã làm. 

Những vụ việc này thêm một lần nữa cho thấy một thực trạng đáng lo ngại về sự rạn nứt trong tình cảm thầy-trò. Đã đến lúc cả hai phía đều phải xét lại mình. Lâu nay lối giáo dục ở ta có phần "áp đặt" với học trò. Trong một thế giới cởi mở hội nhập như hiện nay đòi hỏi môi trường học đường cũng phải dân chủ hơn, có phần tự do, phóng khoáng hơn. Ngược lại, các gia đình cũng phải có trách nhiệm hơn với con cái, tránh việc phó thác con cho thầy cô, nhà trường. Phải chấm dứt hội chứng nuông chiều con cái, giáo dục cho các em hiểu dân chủ cũng phải có chừng mực, trong khuôn khổ nhất định. Tránh việc bé xé ra to, hơi một tý là đem thầy cô ra "đấu tố"... Bởi cứ như vậy, môi trường học đường sẽ ngày càng loạn, các em sẽ trở thành những công dân khó bảo, dân chủ quá đà và hậu quả thật khôn lường.  

KIM THANH

(0) Bình luận
Nói với học trò