Nền tảng, động lực cho mọi phong trào thi đua trên cả nước

10/06/2019 13:38

71 năm qua, phong trào thi đua yêu nước đã góp phần quan trọng vào những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam qua từng giai đoạn lịch sử.


Nông dân xã Ái Quốc (nay thuộc TP Hải Dương) báo cáo kết quả sản xuất với Bác trong lần Người về thăm Hải Dương năm 1957. Ảnh tư liệu

Ngày 11.6.1948, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” nhằm huy động sức người, sức của cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. 71 năm qua, trải qua các giai đoạn cách mạng, dưới những tên gọi, nội dung và hình thức biểu hiện khác nhau, phong trào thi đua yêu nước đã góp phần quan trọng vào những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam qua từng giai đoạn lịch sử.

Động lực cách mạng trong các cuộc kháng chiến

Thực hiện lời kêu gọi của Người, hàng loạt các phong trào thi đua đã được tổ chức; toàn thể nhân sĩ, trí thức, công nông binh và cả dân tộc hăng hái tham gia, phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, lập nên những chiến công hiển hách và những thành tích to lớn trong các cuộc kháng chiến kiến quốc.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trên tiền tuyến, các chiến sĩ thi đua giết giặc lập công, ở hậu phương, nhân dân thi đua tăng gia sản xuất giỏi, chống giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Các phong trào “Ba xung phong”, “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Tay búa, tay súng”, “Bám đất giữ làng”, “Một tấc không đi, một ly không dời”, “Giết giặc lập công”, “Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Tất cả để bảo vệ biên cương của Tổ quốc”… đã thực sự trở thành động lực và hành động cách mạng trong các cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, các phong trào thi đua hướng vào các nhiệm vụ của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Tiêu biểu là các phong trào: “Tất cả vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân”; “Tất cả vì công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”…

Bước vào thời kỳ đổi mới, để đáp ứng tốt hơn yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước, các ngành, các cấp đã triển khai nhiều phong trào thi đua lớn, như: "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi", "Thanh niên lập nghiệp", "Ðền ơn đáp nghĩa", "Vì Hoàng Sa, Trường  Sa thân yêu"...  Các phong trào có vai trò quan trọng để cả dân tộc Việt Nam thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, tăng cường hội nhập quốc tế.

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn mớ

Hiện nay, nhân dân cả nước vẫn đang tiếp tục thực hiện sôi nổi các phong trào thi đua yêu nước như: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”; cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...

Các ngành, các giới, cách lĩnh vực trong xã hội triển khai nhiều phong trào thi đua, nhiều cuộc vận động, tiêu biểu như: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” (công nhân); “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới” hay “Nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng-an ninh” (nông dân); “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu” (cán bộ, công chức); “Thi đua dạy tốt, học tốt” (giáo dục); “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” (phụ nữ); “Cựu chiến binh gương mẫu” (Cựu chiến binh); “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” hay “Sinh viên tình nguyện” (thanh niên); “Thi đua quyết thắng” (quân đội); “Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy” ... Các phong trào thi đua yêu nước đã phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, có sức lan tỏa cao.

Các phong trào thi đua luôn bám sát các nhiệm vụ chính trị của cả nước và của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng. Hình thức thi đua được đổi mới; đẩy mạnh các phong trào thi đua theo chuyên đề, thi đua cao điểm lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước.

Qua các phong trào thi đua đã có nhiều sáng kiến, mô hình cải tiến kỹ thuật, các giải pháp, biện pháp nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công tác được đề ra, góp phần phát huy mọi tiềm lực trong xã hội để xây dựng đất nước. Nhiều tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu được tôn vinh, khen thưởng kịp thời, trở thành những tấm gương điển hình trong các phong trào thi đua các cấp, mang lại hiệu quả xã hội to lớn.

Tổng kết công tác thi đua khen thưởng trong 70 năm (1948-2018), Đảng, Nhà nước đã truy tặng, phong tặng 7.814 tập thể và trên 9.300 cá nhân nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, 1.332 tập thể và cá nhân Anh hùng Lao động, vinh danh gần 140.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng, tặng thưởng hàng trăm nghìn huân chương, huy chương, Chiến sỹ Thi đua toàn quốc và tuyên dương, biểu dương hàng triệu điển hình tiên tiến tiêu biểu trong cả nước.

Có thể thấy, trong 71 năm qua, lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nền tảng, động lực lôi cuốn đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, mọi thành phần kinh tế, các tổ chức đoàn thể, ban, ngành trong xã hội tích cực phấn đấu, thi đua hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ; có tác dụng hiệu triệu, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống anh hùng, tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, hoàn thành các nhiệm vụ cách mạng, góp phần quan trọng làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nền tảng, động lực cho mọi phong trào thi đua trên cả nước