Nên cho "cần câu"

25/11/2018 16:42

Từ xa xưa dân tộc ta đã có truyền thống "Thương người như thể thương thân", "Lá lành đùm lá rách"...

Ngày nay, thật mừng là khi đời sống phát triển, những tấm lòng tương thân tương ái ngày càng được nhân rộng. Ngoài hoạt động chính thống MTTQ, Hội Chữ thập đỏ các cấp thì còn có nhiều tổ chức phi chính phủ, nhiều cơ quan truyền thông... cũng đứng ra tổ chức làm từ thiện. Đặc biệt, những năm gần đây, rất nhiều nhóm thiện nguyện tự phát đã ra đời quy tụ đủ các thành phần từ học sinh, sinh viên, công chức, người lao động tự do...

Hoạt động giúp đỡ cũng rất đa dạng, từ cứu trợ đột xuất cho tới giúp đỡ thường xuyên. Mỗi khi nghe tin đồng bào ở đâu bị ảnh hưởng do thiên tai, lũ lụt... các tổ chức, cá nhân lại cùng nhau quyên gạo, quyên tiền, quần áo, chăn màn, mì tôm... đem tới trợ cấp. Nghe báo chí đưa tin về những mảnh đời bất hạnh, có người tới hỗ trợ về vật chất để giải quyết những khó khăn trước mắt, nhưng cũng có tổ chức, cá nhân đứng ra nhận đỡ đầu, cưu mang, giúp đỡ lâu dài. Những tấm lòng cao đẹp đã cùng chung tay xây nên nhiều ngôi "nhà nhân ái", nấu thêm nhiều nồi cháo nhân đạo, mua thêm nhiều con bò để trao cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn...

Tuy nhiên, bên cạnh những hoạt động nhân đạo, từ thiện được tổ chức một cách bài bản thành những phong trào hiệu quả, có sức lan tỏa lớn, giúp đỡ thiết thực cho những người có hoàn cảnh khó khăn, vẫn còn những tổ chức, cá nhân làm từ thiện chưa đúng cách. Nhiều người khi được kêu gọi quyên góp quần áo cho người nghèo liền hăm hở soạn ra rất nhiều quần áo cũ của các thành viên trong gia đình, trong đó có nhiều mẫu váy áo thời trang. Tuy chất liệu, kiểu dáng có thể còn mới, đẹp nhưng lại không phù hợp với bà con dân tộc thiểu số hay nông dân nghèo ở các vùng quê. Có người làm từ thiện theo kiểu ban phát, thiếu đi cái tâm...

Nhiều khi, sự giúp đỡ, lòng tốt của mọi người lại tạo ra tâm lý ỷ lại của những người được nhận giúp đỡ. Đã có những trường hợp xin không thoát nghèo vì không muốn bị cắt trợ cấp dành cho hộ nghèo. Có trường hợp khó khăn được giúp đỡ ồ ạt, lại không được định hướng kịp thời nên số tiền mọi người ủng hộ bị sử dụng phung phí, đến lúc hết thì sinh ra "túng quá hóa liều". Điển hình như trường hợp của Nguyễn Hào Anh ở Cà Mau. 8 năm trước, câu chuyện Hào Anh vào làm thuê ở trại tôm giống Minh Đức, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) bị ông bà chủ ép uống nước tiểu, dùng kìm kẹp môi, đũa than nóng chích vào người đã làm bao trái tim "tan chảy". Mọi tấm lòng từ thiện đua nhau gửi tiền về giúp đỡ cậu bé nghèo đáng thương với tổng số tiền khoảng 800 triệu đồng. Nhưng khi sử dụng hết số tiền trên, Hào Anh đã cùng chúng bạn rủ nhau đi ăn trộm...

Có câu "Của cho không bằng cách đem cho". Những tấm lòng nhân ái cần được đặt đúng nơi, đúng chỗ và đúng cách. Hiện có rất nhiều phong trào giúp đỡ người nghèo đang được tổ chức rất hiệu quả như "Cả nước chung tay giúp đỡ người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau", hay "Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo"... Hãy chung tay để lan tỏa hiệu quả những phong trào ấy. Nếu muốn tự đứng ra tổ chức các hoạt động thiện nguyện cũng cần phải tìm hiểu kỹ về nỗi khó khăn của những người, những nơi mình sẽ đến giúp đỡ. Tốt nhất nên giúp họ có chiếc "cần câu" để họ có thể tự vận động vượt lên chính mình, thoát khỏi khó khăn một cách bền vững thay vì cho "con cá" ăn vèo cái là hết...

KIM THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nên cho "cần câu"