Nâng cao chất lượng các kỳ họp HĐND

11/01/2018 11:57

Thông thường mỗi năm có 2 kỳ họp HĐND: giữa năm và cuối năm.

Trước mỗi kỳ họp phải có một cuộc tiếp xúc cử tri (TXCT) để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những đề xuất, kiến nghị của nhân dân về các vấn đề phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng... trong thời gian trước đó.

Để bảo đảm chất lượng kỳ họp, Thường trực HĐND chỉ đạo triển khai thực hiện khối lượng lớn các công việc khác nhau. Từ việc phối hợp với Ủy ban MTTQ chuẩn bị nội dung, hình thức, số lượng đại biểu tham gia hội nghị TXCT, đến việc chuẩn bị nội dung các loại báo cáo trình tại kỳ họp. Việc chuẩn bị các văn bản dự thảo trình tại kỳ họp đòi hỏi phải có sự đầu tư công sức và trí tuệ của những người có trách nhiệm trước hội đồng. Hơn nữa, trước những yêu cầu cấp bách đang đặt ra về tinh gọn biên chế, cải cách hành chính... đòi hỏi HĐND các cấp phải có sự đổi mới phương pháp điều hành nội dung các kỳ họp. Ý thức trách nhiệm của người đại biểu dân cử khi tham gia kỳ họp cũng cần được nâng lên. Để nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND, tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần tận dụng trí tuệ của tập thể cử tri trong mỗi lần tiếp xúc với đại biểu HĐND. Phương pháp truyền thống lâu nay vẫn làm là mời đại diện cử tri các cơ sở đến để nghe báo cáo kết quả đạt được về các mặt hoạt động trong thời gian trước. Sau đó là phần phát biểu ý kiến của các cử tri. Thông thường hội nghị TXCT có từ 100 - 150 đại biểu, nhưng tại hội trường chỉ có 10 - 15 người phát biểu, còn lại chỉ ngồi nghe. Nội dung phát biểu của các cử tri đều mang tính chất tự do, không tập trung vào một chủ đề nào, vì trước đó không có báo cáo của Thường trực HĐND về những vấn đề trọng tâm mà HĐND sẽ tập trung giải quyết trong kỳ họp. Do đó không tận dụng được trí tuệ của nhiều người.

Để nâng cao chất lượng các cuộc TXCT, Thường trực HĐND cùng các ban của HĐND cần xây dựng  "Phiếu lấy ý kiến cử tri" với hai loại câu hỏi: Câu hỏi đóng với phương án trả lời sẵn, cử tri chỉ cần chọn một phương án thích hợp; câu hỏi mở để cử tri tự do ghi theo chủ quan cá nhân. Nội dung các câu hỏi tập trung vào những vấn đề quan trọng mang tính bức xúc mà kỳ họp sẽ thảo luận để tìm các giải pháp tháo gỡ. Khi đưa giấy mời cho cử tri cần kèm theo “Phiếu lấy ý kiến cử tri” để họ suy nghĩ và trả lời các câu hỏi trong phiếu. Khi đến dự hội nghị họ sẽ nộp phiếu này và sẽ trực tiếp phát biểu trao đổi khi cần thiết.

Thứ hai, cần nâng cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu HĐND. Sau mỗi quý hoặc trước mỗi kỳ họp, từng đại biểu HĐND phải viết báo cáo kết quả hoạt động trong thời gian đó. Với mỗi kỳ họp, từng đại biểu HĐND phải viết bản nhận xét về nội dung các báo cáo trình tại kỳ họp và thẳng thắn phát biểu trong kỳ họp về những vấn đề bức xúc thông qua việc nghiên cứu các tài liệu mà Thường trực HĐND đã gửi. Nhanh chóng khắc phục tình trạng có đại biểu chỉ ngồi nghe và giơ tay biểu quyết chứ không bộc lộ chính kiến.

Thứ ba, cần sử dụng có hiệu quả thời gian của kỳ họp để thảo luận thấu đáo các vấn đề quan trọng. Thông thường HĐND cấp xã chỉ họp trong một ngày. Nhưng trên thực tế lại rút gọn chỉ còn nửa ngày nên nhiều báo cáo quan trọng không được trình bày. Cách làm này nhiều khi dẫn đến hình thức, chưa phản ánh được thực chất nội dung, không tận dụng được trí tuệ của các thành viên HĐND, do đó không phát huy được đầy đủ sức mạnh của HĐND.

TS PHẠM TRUNG THANH (Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh)

(0) Bình luận
Nâng cao chất lượng các kỳ họp HĐND