Màu xanh trên vùng đất chết Vị Xuyên

24/02/2019 06:40

Xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) từng được coi là vùng đất chết trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979 – 1989)...

Các điểm cao 772 và 685 nơi diễn ra nhiều trận đánh khốc liệt trên chiến trường Vị Xuyên

Vùng chiến sự khốc liệt

Từ TP Hà Giang, chúng tôi chạy xe dọc theo quốc lộ 2 lên xã biên giới Thanh Thủy. Đoạn đường này thật đẹp, một bên là núi đá, ruộng vườn với những nóc nhà sàn chìm trong làn mưa mỏng, một bên là dòng sông Lô quanh co, uốn lượn. Trước mắt chúng tôi, những dãy núi đá trập trùng, cao vút ẩn hiện trong mây sớm. Từ TP Hà Giang lên xã Thanh Thủy chỉ gần 20 km nên chưa đầy một tiếng đồng hồ, chúng tôi đã có mặt tại trụ sở UBND xã. Ngồi trên chiếc xe máy mượn của một cán bộ xã Thanh Thủy, chúng tôi ngược dốc lên điểm cao 468 - địa danh đi vào lịch sử như là vùng chiến sự ác liệt nhất của mặt trận Vị Xuyên trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Con đường nhỏ dài gần 1 km dẫn lên điểm cao 468 bám vào sườn núi, quanh co, dốc nhưng tương đối dễ đi do mới được trải bê tông khá rộng rãi, phẳng phiu.

Trên điểm cao 468, một đài hương mới được xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa và đóng góp của các cựu chiến binh Sư đoàn 356 - sư đoàn chủ lực trên mặt trận Vị Xuyên. Những ngày đầu xuân, trời Hà Giang thường có mưa nhẹ vào sáng sớm. Thế nhưng những cơn mưa lạnh vẫn không ngăn được bước chân nhiều cựu chiến binh tìm về tưởng nhớ những đồng đội còn nằm lại nơi này. Đứng trên đài hương phóng tầm mắt ra các điểm cao 772, 685, 1509, ông Lê Viết Lưu (công tác tại Cục Hải quan TP Hà Nội), cựu chiến binh Sư đoàn 356 rưng rưng nước mắt khi nhớ về các đồng đội đã hy sinh. Cũng như nhiều đồng đội của mình, 18 tuổi ông lên đường nhập ngũ. Vừa hết thời gian huấn luyện thì cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc nổ ra. Sau một thời gian tham gia chiến đấu ở chiến trường Lào Cai, tháng 4.1984, ông được điều sang chiến trường Vị Xuyên và gắn bó với mảnh đất khốc liệt này đến khi cuộc chiến kết thúc. “Tham gia chiến đấu ngay từ những ngày đầu nên tôi thấu hiểu sự khốc liệt của cuộc chiến này. Đặc biệt, mặt trận Vị Xuyên đã gây ra cho Sư đoàn 356 của chúng tôi quá nhiều đau thương, mất mát không gì có thể bù đắp nổi. Chỉ riêng trận chiến ngày 12.7.1984, hơn 600 đồng đội của tôi đã ngã xuống, gần 900 người bị thương, trong đó nhiều người không thể đưa được thi thể về. Từng gốc cây, ngọn cỏ ở đây đều ngấm máu xương của các đồng đội tôi. 12.7 trở thành ngày giỗ trận của sư đoàn”, ông Lưu xúc động nói.

Đài hương được xây dựng như là cầu nối giữa gia đình với những người lính còn mãi nằm lại nơi này

Đài hương được xây dựng để những cựu chiến binh như ông Lưu tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh. Đây cũng là cầu nối giữa gia đình với những người lính còn mãi nằm lại nơi này. Chỉ tính riêng mặt trận Vị Xuyên, hơn 4.000 chiến sĩ đã hy sinh, trong đó hàng nghìn người vẫn còn nằm đâu đó trong các cánh rừng xanh thẳm. Có lẽ không ở đâu lại có những địa danh mới nghe tên đã gợi lên ký ức kinh hoàng của cuộc chiến. Nào "Ngã ba cửa tử", "Đồi thịt băm", "Lò vôi thế kỷ" rồi "Thung lũng gọi hồn", "Thác âm phủ"... Từ trên đài hương có thể nhìn thấy khắp các điểm cao, dưới các thung lũng, những cây gạo ngạo nghễ vươn mình, trổ bông đỏ rực một góc trời. Người dân ở đây bảo nhau rằng, chính máu của những người lính ngã xuống nơi đây đã ngấm vào đất nên cây rừng mới xanh và hoa mới thắm như vậy.

Đường vào thôn Nà Toong quanh co, khúc khuỷu, lên xuống theo sườn núi. Đích thân đồng chí Phan Văn Vuông, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Thủy lái xe đưa chúng tôi vào bản tham dự buổi liên hoan chào mừng thành công trận bóng đá giao lưu giữa Chi đoàn thôn Nà Toong với Chi đoàn UBND xã. Trên nhà sàn của ông Lý Văn Phúc, người dân tộc Tày, gần 30 người đang tập trung chuẩn bị bữa cơm liên hoan. Câu chuyện giữa chúng tôi với ông Phúc cùng một số bà con dân bản lại xoay quanh thời kỳ khốc liệt của cuộc chiến. "Khi cuộc chiến mới nổ ra, Vị Xuyên chưa phải là chiến trường chính nên chúng tôi vẫn cố bám trụ lại quê hương vừa sản xuất, vừa phục vụ chiến đấu. Từ năm 1984, cuộc chiến đấu bước vào giai đoạn ác liệt. Toàn bộ xã Thanh Thủy nằm trong tầm đạn pháo của địch, lúc đó bà con trong thôn buộc phải di tản. Khi đi, chúng tôi chẳng mang theo được thứ gì ngoài mấy bộ quần áo và một số vật dụng cần thiết. Nhà cửa, lợn gà, trâu bò đều phải để lại. Mãi đến khi cuộc chiến kết thúc, chúng tôi mới được trở về quê hương. Cả bản vắng ngắt, nhà cửa bị cháy, trâu bò bị giết hại, ruộng vườn bị đào xới. Đạn pháo la liệt khắp ruộng vườn", ông Phúc nhớ lại. "Dưới ruộng cỏ mọc lút đầu người, trên núi toàn một màu trắng xóa do đạn pháo cày xới. Thỉnh thoảng mới nghe thấy mấy tiếng gà hoang. Nhiều người đứng trước sự hoang tàn đã không kìm được nước mắt", anh Đặng Văn Yên, Trưởng thôn Nà Toong góp chuyện.

Nhà cửa của đồng bào bản Hạ, xã Phương Độ, huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Tuyên, nay là tỉnh Hà Giang) bị đạn pháo địch tàn phá trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc

Màu xanh trở lại

Xã Thanh Thủy có 7 thôn: Giang Nam, Cốc Nghè, Thanh Sơn, Nà Toong, Nặm Ngặt, Nà Sát và Lùng Đoóc. Là xã biên giới, có cửa khẩu quốc tế, có đường bộ thuận tiện và chỉ cách TP Hà Giang chưa đầy 20km nên trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, địa phương này trở thành trọng điểm đánh phá, xâm lấn của quân Trung Quốc. Trở về sau cuộc chiến, sự khốn khó của người dân Thanh Thủy tăng lên gấp bội. Cơ sở vật chất bị phá hủy hoàn toàn, ruộng nương bị cày xới, ô nhiễm mìn, đạn pháo nghiêm trọng. Ông Lý Xuân Lìn, Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy cho biết: "Đến tận bây giờ, sự khốc liệt của cuộc chiến vẫn chưa thực sự chấm dứt. Xã có diện tích tự nhiên khoảng 5.200 ha nhưng hiện vẫn còn gần 500 ha ô nhiễm mìn, đạn pháo, tập trung ở 2 thôn biên giới Giang Nam và Nặm Ngặt. Thỉnh thoảng lại có người chết hoặc bị thương vì vướng phải mìn hoặc đạn pháo. Số trâu bò, dê, lợn chết vì mìn, đạn pháo thì không thể kể hết".

Thế nhưng những khó khăn tưởng như không thể vượt qua ấy chẳng làm chùn bước quyết tâm của người dân khi xây dựng lại quê hương. "Nhà cháy thì dựng lại nhà. Trâu bò đi lạc thì vào rừng tìm cách bắt về. Ruộng nương bị đào xới thì san gạt lại. Công binh dò mìn đến đâu, bà con dân bản bám theo trồng cấy, phát triển sản xuất đến đó. Cứ thế, màu xanh đã dần trở lại với mảnh đất này”, ông Phúc hào hứng nói. Chính gia đình ông Phúc cũng là điển hình trong bám đất, bám rừng khôi phục sản xuất đem lại cuộc sống ấm no trên vùng đất chết. Bằng đôi bàn tay cần cù, chịu khó, ông cùng gia đình đã trồng được 5 ha chè đặc sản, thả gần 1.000 con gà cùng rất nhiều dê, lợn. Cuộc sống tuy chưa thực sự dư dả nhưng cái đói, cái nghèo đã bị đẩy lùi. Hay như gia đình anh Đặng Văn Vải, người dân tộc Dao ở thôn Cốc Nghè, bằng sự cố gắng đã gây dựng được 1 trang trại nuôi lợn đen, đem lại thu nhập vài chục triệu đồng mỗi năm. Cũng như những người dân trong thôn, sau khi di tản về, anh cùng gia đình bám đất, bám rừng phát triển sản xuất. Cách đây vài năm, từ 2 con lợn giống và vài triệu đồng vay Ngân hàng Chính sách xã hội, anh đã gây được đàn lợn nái hơn chục con, mỗi năm xuất bán gần 130 con lợn giống các loại.

Cuộc sống của người dân xã Thanh Thủy ngày càng ấm no. Trong ảnh: Mỗi năm anh Đặng Văn Vải ở thôn Cốc Nghè thu lãi vài chục triệu đồng từ đàn lợn nái

Ở thôn Thanh Sơn có mô hình du lịch cộng đồng làm cho nhiều người nể phục. Anh Nguyễn Văn Dựng, dân tộc Tày là người đầu tiên phát triển kinh tế gắn với du lịch trải nghiệm. Với 1 ao cá bỗng (loại cá đặc sản của Hà Giang) rộng 200 m2 cùng nhiều gia súc, gia cầm khác, anh dựng nhà cho khách ăn, nghỉ và trải nghiệm cuộc sống, văn hóa của người bản địa. Nhờ mô hình này, anh Dựng góp phần cùng bà con đem lại cuộc sống ấm no cho vùng đất từng bị đảo lộn vì bom đạn.

Về với Thanh Thủy hôm nay, màu xanh của no ấm hiện diện trên khắp các cánh rừng, nương rẫy. Xã đã xây dựng được nhiều mô hình phát triển kinh tế, đem lại hiệu quả cao như mô hình trồng na dai tại thôn Nà Sát trên diện tích 6 ha, đang triển khai nhân rộng thêm 7 ha tại các thôn Nà Sát và Giang Nam; mô hình chăn nuôi trâu bò nhốt tập trung tại thôn Thanh Sơn. Xã cũng chỉ đạo thành lập các nhóm sở thích như nhóm nuôi cá bỗng, chăn nuôi gia súc, nấu rượu, trồng thảo quả. Với chủ trương mỗi xã, thôn một sản phẩm, UBND xã đã lựa chọn chè chốt Thanh Thủy làm sản phẩm đặc trưng của xã. Ngoài ra, mỗi thôn trong xã đều có những sản phẩm đặc trưng riêng như cá bỗng, dê, na dai, thảo quả, chuối cao sản… “Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của xã Thanh Thủy đạt 18 triệu đồng, bình quân lương thực đầu người đạt 434 kg/năm. Mặc dù chưa thực sự dư dả nhưng cái đói, cái nghèo đã bị đẩy lùi”, ông Phan Văn Vuông, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Thủy vui vẻ chia sẻ.

Đối với những cựu chiến binh như ông Lê Viết Lưu, chứng kiến sự thay đổi hằng ngày của mảnh đất ông và các đồng đội từng đổ máu để gìn giữ là một niềm vui mỗi lần ông trở lại chiến trường xưa. Còn với những đồng đội vẫn nằm lại nơi biên cương của Tổ quốc, màu xanh của no ấm hiện lên trên các ngọn núi, cánh rừng trở thành niềm an ủi để các anh thấy rằng sự hy sinh của mình không hề vô nghĩa.

VỊ THỦY - THÀNH LONG

(0) Bình luận
Màu xanh trên vùng đất chết Vị Xuyên