Làm sao lấy lại niềm tin đã mất?

14/03/2019 08:33

Lời khai của một cán bộ trong "đường dây Hòa Bình" vừa hé lộ 2018 không phải là năm đầu tiên những nhập nhèm về điểm số mới xảy ra, mà việc sửa điểm đã được người này thực hiện từ năm 2017.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng năm 2018, khi đề thi nâng độ khó, học sinh xuất sắc từ những vùng đất học giàu truyền thống cũng "bó tay" than trời "không làm hết" thì những thủ khoa bất ngờ đến từ Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang với điểm cao chót vót mới "lộ sáng".

Sẽ "trả lại tên cho em", "trả lại điểm thi thật cho thí sinh" - chia sẻ của một cán bộ có trách nhiệm của Bộ GD-ĐT khiến nhiều người thở phào vì tính công bằng của kỳ thi đã trở lại, dù có hơi muộn màng.

Những trường hợp gian lận rồi đây sẽ không còn được yên vị trên giảng đường của những trường đại học danh tiếng. Nhưng những thí sinh thi thật, điểm thật, đã bị chiếm chỗ bởi những trường hợp gian lận khó có cơ hội được trả lại vị trí xứng đáng khi nguyện vọng cao nhất đã bị tước đoạt khỏi tầm tay.

Hơn 60 thí sinh được sửa điểm của Hòa Bình cũng như không ít thí sinh còn giấu mặt ở Sơn La tới đây có cần thiết được công khai để mọi việc sáng tỏ đến tận cùng?

Có người cho rằng đây là "sai lầm của người lớn", phụ huynh và cán bộ giáo dục tựa vào đồng tiền để bắt tay nhau, không nên để thí sinh phải chịu trận.

Nhưng cũng không ít ý kiến ngược lại: dù có đau đớn thế nào thì "công khai là phương thuốc để chữa lành mọi vết thương". Lỗi không phải hoàn toàn do các em, nhưng thước đo với bạn bè đồng trang lứa rất rõ ràng.

Nâng 1-2 điểm khó đoán đã đành, còn nâng hơn 9 điểm một môn, hay nâng đến hơn 26 điểm cho 3 môn mà thí sinh vẫn "không biết gì" thì liệu có đáng tin?

Thực tế không ít em điểm rất cao - thậm chí là thủ khoa của trường quân đội - đã sợ hãi rút lui, không dám đến trường nhập học ngay từ khi còn "tranh tối tranh sáng", cơ quan chức năng chưa lần hết "đầu mối" để tìm ra danh sách sửa điểm.

Rồi đây, khi các trường công an, quân đội làm thủ tục "trả về địa phương" những thí sinh không đạt chuẩn thì dù không công khai rộng rãi, gia đình cũng đủ mất mặt với những người xung quanh...

"Niềm tin của xã hội là nguồn lực của giáo dục" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhiều lần nhấn mạnh giá trị sống còn của niềm tin xã hội đối với từng bước chuyển biến của ngành. Thế mới thấy sự cố gian lận thi cử chưa từng có năm 2018 gây khủng hoảng niềm tin, người dân thất vọng, hoang mang đã khiến ngành giáo dục bị mất mát đến nhường nào.

Làm sao để lấy lại niềm tin đã mất, giành lại động lực cho giáo dục? Bộ GD-ĐT hướng đến thi "sạch" bằng một loạt giải pháp mới mẻ, chấp nhận tốn kém như lắp camera giám sát phòng chấm thi, lưu trữ bài thi, chuyển chấm thi trắc nghiệm từ địa phương sang trường đại học...

Nhưng có lẽ quan trọng hơn, cần phải triệt tiêu tư duy "làm ăn", trục lợi thi cử đã thành nếp trong tâm thức không ít cán bộ có trách nhiệm cầm cân nảy mực các kỳ thi.

Làm được điều đó, môi trường giáo dục sẽ trong sạch, xã hội sẽ an lòng hơn khi lớp trẻ được cạnh tranh bình đẳng để chọn được những người thực học, thực tài như truyền thống ngàn năm cha ông vẫn giữ.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Làm sao lấy lại niềm tin đã mất?