Kỷ niệm nghề báo

21/06/2021 12:31

Công việc của những người làm báo luôn đòi hỏi tính nhanh nhạy, kịp thời, chính xác. Vì vậy từ phóng viên cho đến người biên tập luôn phải sẵn sàng dấn thân và thật cẩn thận, tỉ mỉ.


Các nhà báo tác nghiệp tại buổi họp báo chào mừng thành công Đại hội XIII của Đảng

Trực tiếp nghe Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ về nghề báo

Sáng 1.2.2021, ngay sau phiên bế mạc Đại hội XIII của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì buổi họp báo thông báo kết quả Đại hội. Điều khiến tôi và các đồng nghiệp trong hội trường cảm thấy vừa bất ngờ, vừa hứng khởi là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành một khoảng thời gian quý báu để nói về nghề báo.

Với cách nói chuyện khiêm nhường, gần gũi, hài hước và bằng sự thấu hiểu của người từng gắn bó với công tác báo chí hàng chục năm, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ những khó khăn, vất vả, vinh dự của nghề báo. Cùng với ghi nhận những đóng góp của báo chí vào thành công của Đại hội, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ rằng người làm báo phải có trình độ, con mắt tinh tường, nhạy cảm, nhạy bén để có những tác phẩm kịp thời, chính xác, đúng đắn, hấp dẫn. Báo chí phải kịp thời phát hiện, biểu dương người tốt, việc tốt nhưng cũng phải kiên quyết phê phán, bác bỏ những luồng tư tưởng, dư luận xấu. Theo đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, để có những tác phẩm chất lượng, độc đáo, người làm báo phải luôn thực sự đau đáu, hết mình, trách nhiệm với nghề, "không chỉ làm ban ngày mà còn phải làm cả ban đêm" thì "bài sau mới hay hơn bài trước".

Dù chỉ trong ít phút nhưng những chia sẻ tâm huyết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm tôi và các nhà báo tại cuộc họp báo cảm thấy phấn chấn, thêm yêu và tự hào về nghề nghiệp của mình. Đây là một kỷ niệm khó quên và cũng là động lực để tôi cố gắng hơn trong công việc.

HOÀNG BIÊN

Cẩn trọng từng chữ

Tháng 4.2020, phóng viên Báo Hải Dương viết tin phản ánh về chủ trương di chuyển địa điểm họp chợ ở một xã trong tỉnh. Sau khi báo đăng, một số người dân gọi điện thoại tới đường dây nóng của báo, phản ánh rằng tin viết còn một chiều, chưa thuyết phục. Việc di chuyển chợ sang địa điểm mới là không hợp lý vì khoảng cách ở xa, cơ sở vật chất chưa bảo đảm trong khi chợ cũ là chợ truyền thống, họp chợ ở đây có nhiều tiện lợi cho dân… Việc di chuyển chợ mới chỉ có nghị quyết của Đảng ủy xã, không phải đã có quyết định chính thức của xã như báo viết. Người dân đề nghị Báo Hải Dương cử phóng viên về gặp trực tiếp các tiểu thương bị ảnh hưởng và người dân địa phương để viết bài đa chiều, khách quan.

Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, lãnh đạo cơ quan giao cho phòng tôi xác minh, làm rõ vấn đề. Kết quả cho thấy phóng viên viết tin mới chỉ thu thập thông tin từ phía cán bộ xã, chưa gặp trực tiếp các tiểu thương bị ảnh hưởng bởi chủ trương di chuyển chợ. Do vậy, tin đăng báo còn phiến diện, chưa có sức thuyết phục. Lỗi này do phóng viên còn non yếu về nghiệp vụ. Tuy nhiên, trong tin có một lỗi do tôi biên tập sai. Phóng viên viết rằng Đảng ủy xã đã có "nghị quyết" di chuyển chợ. Do chưa phân biệt rõ thế nào là "nghị quyết", thế nào là "quyết định" nên tôi đã thay "nghị quyết" bằng "quyết định", dẫn tới sai sót. Đọc "quyết định" thì bạn đọc có thể hiểu là đã có "quyết định" di chuyển chợ của UBND xã, còn "nghị quyết" là thể hiện chủ trương của Đảng ủy xã.

Sau việc này, báo Hải Dương đăng bài viết sâu hơn, phản ánh vụ việc trên từ nhiều phía, trong đó nêu ý kiến của tiểu thương và người dân địa phương.

Tôi và phóng viên cùng kiểm điểm trong cuộc họp phòng và bị hạ thi đua tháng đó. Sai sót ấy nhắc nhở tôi rằng viết báo cần cẩn trọng từng từ, từng chữ, chỉ cần sai một chữ có thể làm hỏng một tác phẩm báo chí. Ngoài ra, khi thu thập thông tin, mỗi nhà báo phải sâu sát cơ sở, tìm hiểu thông tin đa chiều, phải "nghe nhiều tai". Có như thế, tác phẩm báo chí mới bảo đảm tính chính xác và mang hơi thở cuộc sống.

NINH TUÂN

Chuyến công tác ý nghĩa

Là phóng viên báo Đảng địa phương nên chúng tôi ít có cơ hội được đi công tác ngoại tỉnh. Cuối năm 2020, tôi được lãnh đạo Hội Phụ nữ tỉnh mời cùng tham gia đoàn công tác tại tỉnh Điện Biên. Hội Phụ nữ hai xã Mường Lói và Phu Luông thuộc huyện Điện Biên là địa phương được Hội Phụ nữ tỉnh nhận giúp đỡ theo Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" do Trung ương hội phát động.

Để kịp thời gian, đoàn công tác di chuyển bằng ô tô phải đi xuyên đêm mới tới TP Điện Biên. Trời mưa, đường xa nhưng các thành viên trong đoàn đều rất hào hứng. Sáng sớm hôm sau tới TP Điện Biên, nghỉ ngơi khoảng 2 tiếng cả đoàn lại lên xe tới các điểm tặng quà. Hai xã nằm giáp biên giới Lào, cách TP Điện Biên khoảng 80 km, đường đi quanh co, đèo dốc nên đoàn mất khá nhiều thời gian. Khi tới nơi, chúng tôi được chào đón rất nồng hậu, những cái bắt tay, cái ôm thân tình từ lãnh đạo xã, cán bộ Hội Phụ nữ, lãnh đạo Đồn biên phòng Huổi Puốc như người thân lâu ngày gặp lại. Sau những giờ phút tổ chức trao quà, tôi được trò chuyện với các hội viên phụ nữ người dân tộc ở đây. Dù vốn tiếng Kinh ít ỏi, có người phải nhờ phiên dịch nhưng họ luôn muốn nói lời cảm ơn dành cho đoàn và mong muốn một ngày được về thăm Hải Dương, những câu nói làm tôi rất xúc động. Bữa trưa hôm đó, chúng tôi được cán bộ, chiến sĩ biên phòng mời các món ăn do chính các anh tự nuôi trồng, chế biến... một bữa ăn đậm tình quân dân.

Sau chuyến đi đó, ngoài những tác phẩm được đăng báo, tôi có thêm nhiều kỷ niệm đẹp, những người bạn mới và có nhiều trải nghiệm ở một vùng biên giới. Trong những ngày đi công tác cùng cán bộ Hội Phụ nữ tỉnh, tôi hiểu hơn về công việc và thêm gắn bó, chia sẻ với họ. Có lẽ đây là những cái được mà chỉ riêng những nhà báo mới có cơ hội được trải nghiệm...

THANH HOA

Qua bài báo, em Hiền thoát cảnh khó khăn

Khi mới về Báo Hải Dương làm việc, tôi thường có bài đăng trên mục "Địa chỉ cần giúp đỡ". Đây là chuyên mục của báo viết về những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Còn nhớ năm 2014, tôi có bài viết về hoàn cảnh của em Phạm Thị Hiền ở thôn Thiện Đáp, xã Kim Xuyên (Kim Thành). Hoàn cảnh của gia đình em Hiền rất đáng thương, mẹ mất từ khi hai chị em còn nhỏ, bố đã có gia đình riêng. Hai chị em Hiền ở với bà nội đã già yếu. Thu nhập của 3 bà cháu trông chờ cả vào nghề chài lưới trên sông. Lúc ấy, Hiền mới học lớp 6, em trai đang học mầm non, cả hai em đều có nguy cơ phải bỏ học giữa chừng. Biết được thông tin ấy, tôi đã về tìm hiểu hoàn cảnh khó khăn của gia đình em và viết bài cho mục "Địa chỉ cần giúp đỡ".

Bẵng đi một thời gian, tôi nhận được thông tin sau bài viết của tôi, 3 bà cháu Hiền đã được nhiều người giúp đỡ. Một phụ nữ ở TP Hải Phòng nhận Hiền làm con nuôi và hứa chu cấp tiền cho em ăn học tới hết năm 18 tuổi. Gia đình em cũng được hỗ trợ 1 cặp bò sinh sản cùng nhiều quần áo, vật dụng sinh hoạt khác từ những Mạnh Thường Quân trong và ngoài tỉnh. Mới đây khi có dịp gặp lại, Hiền đã trở thành một thiếu nữ khác hẳn với cô bé đen nhẻm, gầy gò khi xưa. Hiền cho biết sau bài báo của tôi, cuộc sống của 3 bà cháu đã thay đổi, không còn khó khăn như trước. Tuy 2 chị em Hiền đã nghỉ học nhưng đều đã có công việc và nguồn thu nhập ổn định. Bố cùng gia đình riêng cũng đã trở về và sống cạnh 3 bà cháu. Cuộc sống của chị em Hiền vui vẻ và đầm ấm hơn trước.

Tôi rất vui khi chỉ qua bài viết của mình, những mảnh đời khó khăn đã được các Mạnh Thường Quân biết tới và hỗ trợ. Tôi mong muốn sẽ có nhiều hơn nữa "những chiếc lá chưa lành" được sẻ chia, giúp đỡ để cuộc sống của nhiều gia đình sẽ vơi bớt khó khăn.

TRẦN HIỀN

Đi cơ sở lúc nửa đêm

Tối 11.8.2020, trước sinh nhật lần thứ 25 của tôi 1 ngày, tôi có hẹn cùng một nhóm bạn đi ăn liên hoan. Khi cả nhóm đang ăn uống vui vẻ thì tôi nhận được tin nhắn của đồng nghiệp báo tin tại huyện Bình Giang, nơi tôi được giao theo dõi tuyên truyền vừa phát hiện ca nghi mắc Covid-19. Lúc ấy vào khoảng 21 giờ. Tôi lập tức gọi về huyện kiểm tra thông tin. Một đồng chí lãnh đạo huyện cho biết một người ở xã Tân Hồng có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 huyện đang họp khẩn. Đây là ca dương tính đầu tiên ở huyện Bình Giang. Khi ấy tôi đã rất đắn đo có nên về huyện ngay hay không vì tôi là nữ, trời tối lại đang mưa, tiệc vẫn chưa tàn, phương tiện chỉ có chiếc xe máy.

Rồi tôi quyết định lên đường ngay. Mang theo máy ảnh, khoác tạm chiếc áo chống nắng bên ngoài, tôi về thẳng UBND xã Tân Hồng. Khi về đến trụ sở UBND xã, cuộc họp đã diễn ra được một lúc. Nhiều người đã khẩn trương rời cuộc họp triển khai các nhiệm vụ được giao. Chỉ còn lãnh đạo huyện, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 huyện, xã vẫn thảo luận các biện pháp ứng phó.  

Tôi bám sát thông tin từ Ban Chỉ đạo huyện, gửi tin về tòa soạn ngay trong đêm. Sau đó, cùng với các đồng chí trong Ban Chỉ đạo huyện, tôi về thôn Tuyển Cử - nơi có ca bệnh Covid-19 để nắm các hoạt động tiếp theo trong phòng chống dịch.

Xong nhiệm vụ, tôi về TP Hải Dương lúc nửa đêm, tuy mệt nhưng vui vì mình đã không bỏ lỡ thông tin quan trọng.

HÀ NGA

Khi nhân vật nhớ nhầm

Vừa tốt nghiệp đại học, tôi về làm phóng viên thử việc tại Báo Hải Dương từ tháng 11.2020. Ngày đầu về cơ quan và làm việc trong môi trường báo chí chuyên nghiệp, tôi rất lo lắng. Tôi nhớ những ngày đầu viết tin bài chưa quen nên bị sửa chữa nhiều, những kiến thức học được trên ghế nhà trường khác nhiều so với thực tế. Tôi may mắn được các đồng nghiệp tận tình chỉ bảo, nhắc nhở về nghiệp vụ như phải chú ý từng chi tiết trong tác phẩm báo chí, cách thẩm định thông tin...

Dịp tuyên truyền về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, tôi được phân công viết về những người từng nhiều lần phục vụ công tác bầu cử tại các địa phương. Theo như giới thiệu của chính quyền địa phương, nhân vật của tôi dù đã cao tuổi nhưng hoạt bát, tích cực tham gia các phong trào, công tác chuẩn bị bầu cử. Khi làm việc với nhân vật, ông rất vui vẻ, nhiệt tình kể chuyện về bầu cử những năm 90 của thế kỷ trước, khi mà tôi chưa được sinh ra. Như bị cuốn vào những câu chuyện về công tác bầu cử những năm còn khó khăn, tôi ghi chép đầy đủ và mừng thầm với những tư liệu này mình sẽ viết được một bài cho số đặc biệt về bầu cử. Về đến nhà, tôi viết ngay để không quên những chi tiết hay. Bài được gửi ngay để cấp trên biên tập.

Ngày 17.5.2021 là hạn cuối cùng nộp bài, đồng chí lãnh đạo phòng gọi điện thoại cho tôi để xác minh lại thông tin. Lúc này, tôi mới biết bài báo mà tôi viết bị sai một số mốc thời gian rất quan trọng mà nhân vật cung cấp. Ban đầu tôi còn hoài nghi vì mình ghi chép rất cẩn thận, không thể sai được. Sau đó, tôi gọi điện thoại hỏi lại nhân vật để tìm hiểu rõ ngọn ngành. Ông vui vẻ cho biết: "Xin lỗi cháu, cũng lâu quá rồi nên ông nhớ nhầm!". Đó chính là bài học vào nghề khiến tôi nhớ mãi. Kinh nghiệm rút ra là trong quá trình thu thập thông tin cần thẩm định, đối chiếu, xác minh kỹ càng, nhất là những tư liệu về lịch sử để tránh sai sót.

THÀNH ĐẠT

Ai là liệt sĩ nhỏ tuổi nhất ở Hải Dương?

Có lần, trong cuộc liên hoan sau trận bóng đá, một anh lớn tuổi hỏi:

- Tôi đố anh em làm báo, ở Hải Dương ai là liệt sĩ nhỏ tuổi nhất?

Hàng loạt cái tên liệt sĩ chống Pháp, chống Mỹ... là người Hải Dương được liệt kê ra, nhưng người đố vẫn trả lời "không đúng". Chuyện chỉ có thế và dừng lại ở đó, chắc cũng không ai nhớ.

Mấy hôm sau nghĩ lại, tôi bắt đầu tìm các nguồn tư liệu, gọi điện đến nhiều cơ quan, đơn vị quân đội hoặc liên quan đến chế độ chính sách người có công nhưng kết quả không thu được gì. Đề tài thương binh, liệt sĩ, hay các ký ức về chiến tranh là mảng vốn tôi yêu thích, nên càng thôi thúc tôi tìm thông tin ai là liệt sĩ nhỏ tuổi nhất của Hải Dương. Người đưa ra câu đố trên chỉ cho biết "Đã đọc ở đâu đó. Là liệt sĩ trong thời bình và ở Kim Thành hoặc Kinh Môn, Chí Linh, Nam Sách". Từ thông tin ít ỏi trên, tôi tiếp tục tìm kiếm thông tin.

May sao, trong một dịp tuyên truyền ở Kinh Môn, tôi xin được một file PDF dài mấy trăm trang, trong đó có ít dòng viết về một nữ liệt sĩ thiếu niên. Tôi đã đi hỏi thêm nhiều người, tra cứu hồ sơ rồi mới chắc chắn rằng đây là liệt sĩ nhỏ tuổi nhất từng biết đến.

Đó là liệt sĩ thiếu niên Lê Thị Lành, quê ở phường Hiệp Sơn (Kinh Môn). Chị hy sinh năm 1992, khi mới 12 tuổi trong một lần lao xuống dòng nước lũ để cứu các bạn cùng trang lứa. Với hành động anh hùng đó, chị được truy tặng danh hiệu cao quý này và là liệt sĩ nhỏ tuổi nhất của Hải Dương cho đến tận bây giờ.

Phóng sự về câu chuyện xúc động của nữ liệt sĩ đã được đăng báo đúng dịp kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ.

Bài báo được khen thưởng và nhiều người gọi điện nói, qua bài báo thì họ mới biết đến câu chuyện xúc động này. Nhưng với tôi, đó không chỉ là một bài báo, mà chỉ cần từ một thông tin dù mờ nhạt thế nào thì người làm báo cũng phải đi đến tận cùng.

TIẾN HUY


"Mua" đường

Vài năm trước, tôi có bài viết "Xuân về trên những làng chài" phản ánh không khí vui xuân, đón Tết ở một số làng chài trên địa bàn tỉnh, trong đó có làng chài ở xã Kênh Giang (nay là phường Văn Đức, TP Chí Linh). Sáng hôm đó, tôi xuất phát từ nhà ở Tuấn Hưng (nay là xã Tuấn Việt, Kim Thành) từ lúc 7 giờ kém, sau đó đi đò tốc hành ở xã Thượng Vũ (cùng huyện Kim Thành) để sang Kinh Môn. Đến xã Phúc Thành (nay là phường Phúc Thành), tôi dừng lại hỏi một người dân đường đến Kênh Giang. Họ chỉ cho tôi đi qua đò Vạn sang Chí Linh rồi hỏi tiếp vì quãng đường còn rất xa. Tôi đã nghe theo lời chỉ dẫn, ở những lần hỏi đường tiếp theo, càng hỏi tôi càng hoang mang khi ai cũng bảo Kênh Giang còn rất xa. Sau khi qua đò Vạn, tôi phải đi thêm 2 chuyến đò nên phải đến 9 giờ 30 tôi mới tới UBND xã. Được một cán bộ dẫn tới làng chài để lấy tư liệu phục vụ cho bài viết, lúc về, tôi đã cẩn thận hỏi đường cán bộ này và được biết chỉ cần đi một chuyến đò từ Kênh Giang sang xã Bạch Đằng (Kinh Môn) và trở lại đò tốc hành là tôi có thể về nhà. Như vậy, thay vì đi 2 chuyến đò, do không hỏi kỹ lưỡng, tôi đã phải đi 4 chuyến, lẽ ra chỉ mất gần 1 giờ đến nơi thì tôi đã mất hơn 2,5 giờ. Việc "mua đường" do chủ quan, không tìm hiểu kỹ địa bàn trở thành kỷ niệm làm tôi nhớ mãi về sau. Kể từ đó, mỗi khi đi tác nghiệp ở những nơi chưa từng đến, tôi dành thời gian tìm hiểu kỹ đường đi trên bản đồ và rút kinh nghiệm hỏi đường từ 2-3 người dân.

HUYỀN TRANG

Nhờ cảnh sát giao thông hỗ trợ thí sinh


Thí sinh Nguyễn Hoàng Việt được chiến sĩ cảnh sát giao thông đưa về lấy thẻ đã đến điểm thi đúng giờ

Ngày 15.6 vừa qua, tôi được giao nhiệm vụ tuyên truyền về kỳ thi vào lớp 10 tại huyện Thanh Hà.  

Tôi tranh thủ đến sớm để phản ánh trước khi các em vào phòng thi. Trong lúc thí sinh đã ngồi ổn định trong phòng thi thì em Nguyễn Hoàng Việt, học sinh Trường THCS An Phượng hớt hải chạy đến. Sau khi được đo thân nhiệt, sát khuẩn tay ở cổng trường, Việt được nhắc mang theo thẻ dự thi. Lúc đó em mới giật mình vì đã quên thẻ ở nhà. Việt rất bối rối, quay sang hỏi tôi: “Cô có thể cho cháu mượn điện thoại gọi về cho mẹ cháu mang thẻ lên được không ạ?”. Tôi vội đưa điện thoại cho Việt và nhắc: “Cháu cứ bình tĩnh, thời gian còn nhiều”. Tôi nhìn Việt bấm số điện thoại mà tay run bần bật. Sau 2 cuộc điện thoại, mẹ của Việt không tìm thấy thẻ ở nhà. Việt bắt đầu hốt hoảng, không biết nên làm gì chỉ sợ không được vào thi. Tôi nghĩ, nếu không tìm được thẻ, tâm lý học sinh này sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến quá trình làm bài thi. Vì vậy, tôi đã nhờ một số chiến sĩ công an huyện đứng cạnh đó bố trí đưa Việt về nhà lấy thẻ vì nếu để Việt đi một mình lúc này vừa vội vừa lo lắng sẽ rất nguy hiểm. Ngay lúc đó, trung úy Bùi Thanh Tùng công tác tại Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Thanh Hà không ngần ngại lái xe ô tô đưa Việt về. Khoảng 15 phút sau, Việt đến điểm thi kịp thời và an toàn. 

Nếu như không còn thời gian, có lẽ Việt phải viết cam kết trước khi vào phòng thi vì không có thẻ. Sau khi Việt cảm ơn, tôi không quên cổ vũ Việt cố gắng thi tốt và trong lòng thấy rất vui vì đã giúp được cậu học trò này. Đó chỉ là một việc làm nhỏ trong quá trình tác nghiệp nhưng đã giúp tôi trân trọng, yêu nghề hơn.  

MINH NGUYỆT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỷ niệm nghề báo