Khát vọng xứ Đông

24/01/2020 07:08

Với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, người dân xứ Đông xưa, Hải Dương nay đã và đang xây dựng quê hương mình ngày càng giàu đẹp.

Lễ hội đường phố truyền thống văn hóa xứ Đông 2019 - “Ánh sáng Thành Đông”

Khi đặt bút viết bài này trong tôi lại văng vẳng lời bài hát “Khát vọng” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn: “Hãy sống như đời sông để biết yêu nguồn cội. Hãy sống như đời núi, vươn tới những tầm cao. Hãy sống như biển trào để thấy bờ bến rộng. Hãy sống và ước vọng để thấy đời mênh mông…”.

Quả thật, cuộc đời không có ước mơ giống như con tàu không có bánh lái. Nếu không có khát vọng vươn lên, sao ta có thể đi tới những tầm cao?

Năm 2019, trong các bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thường nhắc đến “khát vọng Việt Nam”. Đó là khát vọng xây dựng một Việt Nam “hòa bình và thịnh vượng”. Hòa chung dòng chảy ấy, mỗi người Hải Dương lại tự hỏi đâu là khát vọng của xứ Đông?

Ngược dòng lịch sử, ngay từ xa xưa, người xứ Đông đã giàu khát vọng. Người Hải Dương từ bao đời nay đã biết tập trung sức lực cải tạo những vùng đất trũng, khơi ngòi, thau chua rửa mặn và đắp đê, trị thủy, bền bỉ, sáng tạo, biến những vùng đất hoang hóa, ngập mặn thành vùng đất màu mỡ, thích hợp với cấy lúa, trồng cây ăn quả, hoa màu như ngày nay.

Với khát vọng giành độc lập, tự chủ, năm 905, Khúc Thừa Dụ, người con của làng Cúc Bồ, đất Hồng Châu, nay là thôn Cúc Bồ, xã Kiến Quốc (Ninh Giang) đã lãnh đạo nhân dân đứng lên giành lại quyền tự chủ từ tay bọn phong kiến nhà Đường, đặt nền móng đầu tiên cho sự nghiệp khôi phục độc lập dân tộc sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc.

Khát vọng được học tập, mở mang kiến thức như nam giới, Nguyễn Thị Duệ, người làng Kiệt Đặc, nay thuộc phường Văn An (TP Chí Linh) đã giả trai đi học và trở thành nữ tiến sĩ nho học đầu tiên trong lịch sử khoa bảng Việt Nam.

Trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, với khát vọng chiến thắng, người dân Hải Dương đã làm nên nhiều chiến công vang dội như “Tiếng sấm đường 5”…

Trong hơn 30 năm Đảng ta thực hiện công cuộc đổi mới, qua mỗi kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh chúng ta lại nhìn thấy khát vọng vươn lên của Hải Dương. Từ quyết tâm đổi mới tư duy, phát triển kinh tế đến thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Hải Dương thành tỉnh công - nông nghiệp, rồi tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, không khó để nhận ra những đổi thay kỳ diệu khi chúng ta quyết tâm biến ước mơ, khát vọng ấy thành hiện thực.

Tôi chợt nhớ câu chuyện của cựu chiến binh Bùi Văn Trình ở thôn Bùi Xá, xã Nhân Quyền (Bình Giang). Hơn 30 năm về trước, khi ông mới xuất ngũ về địa phương, đường làng, đường ra đồng ở Nhân Quyền vẫn còn lầy lội. Hai vợ chồng ông gặt 6 sào lúa phải đi từ sáng sớm, đến 3 giờ chiều mới xong; phải gánh một quãng đường khá xa mới có thể chất lúa lên xe thồ chở về nhà, rồi thay nhau đập lúa, cực vô cùng.

Giờ cả hai đều đã lên ông, lên bà nhưng vẫn cấy 9 sào lúa. Việc thu hoạch cũng chỉ diễn ra trong ngày. Từ gặt đến suốt lúa, đóng bao đều do máy thực hiện. Xe vận tải theo đường nội đồng đỗ tận ruộng. Công việc nhà nông trở nên dễ dàng và nhàn hơn bao giờ hết. Đối với ông Trình, khát vọng của người dân đơn giản là cuộc sống cứ ngày một tốt lên.

Ông thấy hài lòng khi giờ đây thôn Bùi Xá có tới 85-90% số nhà dân là nhà mái bằng, cao tầng, trong khi 20 năm về trước con số này chỉ khoảng 10-15%. Thu nhập bình quân đầu người đã đạt gần 60 triệu đồng/năm. Đường thôn xóm, đường xã được trải bê tông, trải nhựa, lắp đèn chiếu sáng ban đêm. Nước sạch đến từng hộ.

Cuộc sống của người dân nông thôn chẳng khác gì ở thành phố. Đây là điều mà thế hệ cha ông chưa dám nghĩ đến, bởi Nhân Quyền trước nay nằm ở vị trí không thuận lợi, bị chặn giữa 2 thị tứ sầm uất Phố Phủ (Bình Giang) và Phố Thông (Thanh Miện).

Thế nhưng với ước mơ cháy bỏng về một Nhân Quyền phát triển, con em được học hành đến nơi đến chốn, dù làm nông dân cũng phải là nhà nông có tri thức, các thế hệ cán bộ xã Nhân Quyền đã hoạch định con đường đi lên cho địa phương từ việc đẩy mạnh khuyến học, khuyến tài; quy hoạch nông thôn gọn gàng, khoa học, tạo thế để phát triển đa dạng các ngành nghề. Nhờ thế, Nhân Quyền đã sớm về đích và là xã tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Tôi biết niềm vui của ông Trình cũng là niềm vui chung của người dân ở nhiều xã nông thôn mới, nhất là những nơi đang xây dựng nông thôn mới nâng cao như Nhân Quyền.

Ta sẽ cảm nhận rõ điều đó khi về Cổ Dũng (Kim Thành), Đức Chính (Cẩm Giàng) hay Hoàng Tiến (TP Chí Linh), Nam Chính (Nam Sách)… bởi ở đó có những bức tranh quê tươi đẹp. Xây dựng nông thôn mới là câu chuyện của cả nước, nhưng trong vòng 5 năm, từ 13 xã nông thôn mới đầu tiên được công nhận năm 2014, toàn tỉnh đã có 201 xã về đích (đạt hơn 91%).

Bước tiến vượt bậc ấy thể hiện rõ khát vọng nâng cao đời sống cho người dân nông thôn của tỉnh Hải Dương, hay nói như đồng chí Nguyễn Trung Trực, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nhân Quyền là mong “làm được cái có lợi cho dân”.

Khát vọng xứ Đông còn là khát vọng trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Năm 1996, 10 năm sau đổi mới, tỉnh Hải Dương (khi ấy là Hải Hưng) đã đặt mục tiêu tổng quát “đến năm 2020 căn bản hoàn thành nhiệm vụ công nghiệp hóa, đưa tỉnh Hải Hưng từ tỉnh nông nghiệp trở thành tỉnh công - nông nghiệp”.

Chúng ta đang ở đích đến năm 2020 và có thể cảm nhận mục tiêu kia đã dần thành hiện thực. Tôi còn nhớ vào thời điểm 1996, quốc lộ 5 đoạn đi qua Hải Dương đang được cải tạo, cầu Phú Lương mới cũng đang xây dựng.

Phải 1-2 năm sau đó mới thấy một trong những nhà máy đầu tiên của doanh nghiệp nước ngoài được xây dựng bên cạnh quốc lộ. Đó là nhà máy của Công ty TNHH Thực phẩm Nghĩa Mỹ ở xã Ái Quốc, nay là phường Ái Quốc (TP Hải Dương).

Giờ dọc hai bên quốc lộ 5 suốt từ Bình Giang, Cẩm Giàng, qua TPHải Dương đến huyện Kim Thành hay đường 18 qua TP Chí Linh, đường 37 qua Nam Sách… đều thấy các nhà máy, xí nghiệp, các khu công nghiệp mọc lên san sát.

Đi trên những con đường thẳng tắp rợp bóng cây của khu công nghiệp Đại An hay trong khu công nghiệp Nam Sách tôi có cảm giác mình đang ở một đất nước hiện đại như Hàn Quốc hay Singapore.

Những con số sau đây cho thấy cảm nhận Hải Dương đang bước đến tỉnh công nghiệp là có cơ sở. Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế đã tăng lên 91% trong năm 2019.

Tỉnh hiện có 18 khu công nghiệp, trong đó 10 khu đã được phê duyệt chi tiết và xây dựng hạ tầng đồng bộ, tỷ lệ lấp đầy đạt gần 80%. Chỉ riêng năm 2019, tỉnh đã thu hút 180 dự án trong nước với số vốn hơn 10.600 tỷ đồng. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 790,3 triệu USD.

Trên con đường thực hiện khát vọng thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, tỉnh Hải Dương đã và đang phát triển mạnh mẽ các đô thị. Trước năm 1997, TP Hải Dương vẫn là thị xã còn nhỏ. Vậy mà chỉ hơn 20 năm sau đã vươn mình trở thành đô thị loại I.

Huyện miền núi Chí Linh năm 2010 trở thành thị xã và năm 2019 đã trở thành thành phố. Câu chuyện huyện miền núi Kinh Môn trở thành thị xã từ tháng 11.2019 cũng là một thực tế sinh động thể hiện khát vọng vươn lên mạnh mẽ của người xứ Đông.

Ông Nguyễn Hữu Mộc, nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, nguyên Bí thư Huyện ủy Kinh Môn kể rằng trước đây, Kinh Môn chia thành 2 vùng riêng biệt, trong đó có 5 xã thuộc khu đảo, được bao bọc bởi các con sông Kinh Thầy, Đá Vách.

Việc đi lại ở Kinh Môn rất khó khăn bởi bị ngăn sông cách núi. Thế rồi nhờ phát triển công nghiệp sản xuất xi măng từ những năm 80, nhờ khát vọng làm giàu từ tăng gia sản xuất, khai thác khoáng sản, phát triển các cây trồng thế mạnh của huyện, Kinh Môn dần trở thành huyện mạnh về kinh tế của tỉnh.

Hai cây cầu Đá Vách, Hiệp Thượng và đường 188 được xây dựng đã mở ra bước phát triển mới cho kinh tế địa phương. Khát vọng đưa Kinh Môn thành thị xã được đặt ra từ lâu và bây giờ đã trở thành hiện thực.

Xuân này, người Hải Dương - xứ Đông đang kỳ vọng vào những đổi thay cho chặng đường tiếp theo của nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ các cấp 2020-2025. Khát vọng thành tỉnh công nghiệp hiện đại hay thành thành phố trực thuộc Trung ương sẽ thôi thúc chúng ta tiếp tục phấn đấu đi lên.

HOÀI ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khát vọng xứ Đông