Hợp tác thương mại – điểm sáng trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc

07/07/2019 06:58

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 8-12.7.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền CHND Trung Hoa tại Việt Nam Hùng Ba. Ảnh: ĐBND

Nhận lời mời của Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Lật Chiến Thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức nước CHND Trung Hoa từ ngày 8-12.7.2019. Chuyến thăm nhằm tiếp tục củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, giáo dục, đặc biệt là thúc đẩy hợp tác giữa Quốc hội hai nước.

Trong nhiều năm qua, cùng với việc xây dựng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, việc lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên có các chuyến thăm lẫn nhau đã tạo ra môi trường quan hệ hợp tác chính trị tốt đẹp, ổn định, góp phần tạo động lực và nền tảng quan trọng cho việc hợp tác phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển thương mại song phương.


Hợp tác kinh tế là điểm sáng trong quan hệ hai nước

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng gần gũi có nhiều nét tương đồng về văn hóa, xã hội. Cùng với đó, việc hai bên duy trì thường xuyên các cơ chế hợp tác kinh tế thương mại song phương đã kịp thời giải quyết các vấn đề trong quan hệ thương mại giữa hai nước, đưa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại song phương phát triển ngày càng ổn định theo hướng cân bằng, bền vững hơn.

Trong những năm qua, hợp tác thương mại tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Thương mại song phương giữa hai nước tăng trưởng mạnh, gấp 10 lần trong 10 năm qua, tốc độ tăng thuộc vào hàng cao nhất trong các đối tác thương mại của Trung Quốc. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ). Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đối tác lớn thứ 8, thị trường xuất khẩu lớn thứ 5, thị trường nhập khẩu lớn thứ 9 của Trung Quốc. Năm 2018, kim ngạch thương mại Việt Nam-Trung Quốc đạt gần 107 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017; trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt kim ngạch hơn 41 tỷ USD, tăng gần 17%; nhập khẩu đạt kim ngạch trên 65 tỷ USD, tăng trên 27%. Trong 4 tháng đầu năm 2019, kim ngạch thương mại Việt-Trung đạt trên 33 tỷ USD, tăng trên 11% so với cùng kỳ năm 2018.

Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chuyển biến theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng hàng công nghiệp chế tạo và hàng nông, lâm, thủy sản. Nhiều sản phẩm đặc sắc và thương hiệu lớn của Việt Nam đã có chỗ đứng vững chắc tại thị trường Trung Quốc, được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc là thị trường cung cấp nhiều mặt hàng nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh hợp tác thương mại, Trung Quốc cũng là nhà đầu tư FDI lớn của Việt Nam. Đến cuối tháng 5.2019, Trung Quốc có 2.387 dự án đầu tư có hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 15,1 tỷ USD, đứng thứ 7 trong tổng số 131 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Về du lịch, Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu về lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam với gần 5 triệu du khách năm 2018 (chiếm gần 1/3 tổng số lượt khách du lịch quốc tế vào Việt Nam); trong 4 tháng đầu năm 2019, con số này đạt 1,3 triệu du khách. Ở chiều ngược lại, mỗi năm Việt Nam cũng có hơn 1 triệu du khách thăm Trung Quốc. Nếu tính cả giao lưu qua biên giới, mỗi năm lượng qua lại giữa hai bên khoảng 12 triệu lượt người.

Thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế-thương mại

Trên cơ sở những thay đổi tích cực của nền kinh tế hai nước Việt Nam-Trung Quốc thời gian qua, cùng với lợi thế sẵn có, nền văn hóa với nhiều nét tương đồng và đặt trong tổng thể mối quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung, Việt Nam và Trung Quốc đang đứng trước cơ hội tăng cường hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại.

Cụ thể, đó là cơ hội tăng cường hợp tác đầu tư, thương mại đến từ tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Trong vòng 2 thập niên, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế hội nhập quốc tế tích cực nhất trên thế giới. Ngoài những khuôn khổ hợp tác, những Hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương đã ký trong các giai đoạn trước đây, Việt Nam cũng đang tích cực tham gia nhiều FTA thế hệ mới khác.

Để tạo thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động sản xuất, hợp tác kinh doanh cũng như tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thúc đẩy cạnh tranh phù hợp với bối cảnh hội nhập khu vực quốc tế, Chính phủ và các cơ quan chức năng của Việt Nam đã và đang tiến hành cải cách, thực hiện nhiều giải pháp để tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Tiếp theo, với dân số hơn 1,4 tỷ người, quy mô nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới và những chính sách hỗ trợ, khuyến khích tiêu dùng, mở rộng nhu cầu nội địa, Trung Quốc sẽ tiếp tục là thị trường hấp dẫn cho các mặt hàng xuất khẩu ưu thế, nông sản truyền thống hay các mặt hàng công nghiệp chế biến của Việt Nam.

Thêm vào đó, những ưu thế gần gũi về địa lý, văn hóa, những cơ chế hợp tác chặt chẽ toàn diện, những cam kết sâu rộng hơn trong quá trình nâng cấp các hiệp định kinh tế, thương mại song phương, đa phương xây dựng trước đó kết hợp với những yếu tố mới của nền kinh tế hai nước nêu trên sẽ trở thành động lực giúp cộng đồng doanh nghiệp hai bên vượt qua mọi rào cản, trở ngại, tăng cường hợp tác cùng có lợi, đưa thương mại hai nước phát triển theo hướng ổn định, bền vững và cân bằng hơn trong thời gian tới./.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Hợp tác thương mại – điểm sáng trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc