Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi): Nhiều đề xuất được dư luận rất quan tâm

13/06/2019 09:25

Dự thảo Bộ luật Lao động (BLLĐ) (sửa đổi) trình tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV lần này thu hút sự quan tâm lớn của dư luận xã hội.


Nhiều lao động sản xuất trực tiếp còn băn khoăn với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu

Dự thảo có những điểm mới đáng chú ý như tăng tuổi nghỉ hưu, mở rộng khung giờ làm thêm, đề xuất nghỉ lễ ngày 27.7 (Ngày Thương binh, liệt sĩ) hằng năm... Đây là những vấn đề liên quan đến quyền lợi sát sườn của người lao động (NLĐ).

"Nóng" việc tăng tuổi nghỉ hưu

Dự thảo BLLĐ lần này đưa ra 2 phương án đều tiến đến đích cuối cùng để nam nghỉ hưu khi đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi. Về vấn đề này có khá nhiều ý kiến trái chiều nhau bởi ảnh hưởng lâu dài, trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ, tác động đến những người đang và sẽ tham gia vào thị trường lao động.

Theo bà Phạm Thị Nhung, Trưởng Ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn Lao động tỉnh), đơn vị nhất trí với việc xem xét tăng tuổi nghỉ hưu theo đề xuất tại phương án 1 trong dự thảo BLLĐ. Nghĩa là kể từ ngày 1.1.2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi. Tuy nhiên, lộ trình nghỉ hưu cần cân nhắc đến các yếu tố như đối tượng, lĩnh vực ngành nghề, tình hình việc làm của lao động trẻ, sức khỏe NLĐ; nên tăng hay không hoặc tăng ở cấp độ nào đối với nhóm đối tượng là công nhân, lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ... vì vẫn có những ý kiến rất khác nhau trong nhóm đối tượng này.

Anh Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May Formostar Việt Nam (có 2 chi nhánh ở TP Hải Dương và huyện Nam Sách) cho biết đối với ngành may đa phần là lao động nữ, môi trường làm việc khá đặc thù. Công nhân may thường phải ngồi làm việc liên tục trong nhiều giờ, khá mệt mỏi. Vì vậy, khi tham khảo ý kiến công nhân trong công ty, đa phần họ đều không muốn tăng tuổi nghỉ hưu so với quy định hiện hành. Do đó, nếu pháp luật có thay đổi đối với chính sách này thì cũng nên quan tâm đến nguyện vọng của những người lao động trực tiếp. Cần có những quy định cụ thể để công nhân lao động trực tiếp khi đủ thời gian đóng bảo hiểm được nghỉ hưu theo nguyện vọng mà vẫn bảo đảm quyền lợi của mình.

Không để chủ sử dụng lao động lách luật

Dự thảo BLLĐ đề xuất mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa của một NLĐ từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm đối với những trường hợp đặc biệt. Đề xuất này nhằm bù đắp sự thiếu hụt lao động đột xuất cho người sử dụng lao động, tạo ra sự linh hoạt, tăng tính cạnh tranh của thị trường lao động nước ta so với các nước trong khu vực, đồng thời tăng thu nhập cho NLĐ. Tuy nhiên, xu hướng của thế giới hiện nay là giảm giờ làm, tăng thời gian nghỉ ngơi cho NLĐ. Ở nước ta hiện NLĐ trong các doanh nghiệp đang làm việc theo quy định là 48 giờ/tuần, trong khi phần lớn các nước đang duy trì ở mức 40 giờ/tuần hoặc thấp hơn.

Với chức năng là tổ chức đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, Liên đoàn Lao động tỉnh nêu quan điểm chỉ đồng ý với việc mở rộng khung giờ làm thêm với điều kiện chủ sử dụng lao động phải chi trả tiền lương làm thêm cho NLĐ theo lũy tiến. Nghĩa là sẽ chia ra các khung giờ làm thêm khác nhau để thực hiện chi trả tiền lương, số giờ càng tăng thì giá trị tiền công cũng tăng theo. Cần quy định chi tiết điều kiện tổ chức làm thêm giờ nhằm bảo đảm sức khỏe cho NLĐ, đề cao sự tự nguyện của NLĐ, tránh trường hợp người sử dụng lao động lách luật ép buộc NLĐ làm thêm theo ý chí chủ quan.

Liên quan đến thời giờ làm việc, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội nêu ý kiến cần bổ sung quy định cụ thể nội dung NLĐ làm việc theo ca liên tục từ 6 giờ trở lên trong ngày hoặc làm việc vào ban đêm thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính để trả lương. Lý do là để tránh trường hợp doanh nghiệp bố trí cho NLĐ làm việc ban ngày, nghỉ giữa giờ 30 phút để ăn ca hoặc làm việc ban đêm lại bố trí nghỉ 60 phút nhưng không trả lương dẫn đến việc kéo dài thời gian NLĐ có mặt ở doanh nghiệp.

Việc đề xuất nghỉ thêm ngày lễ 27.7 theo dự thảo BLLĐ được nhiều ý kiến cho là hợp lý. Bởi số ngày nghỉ lễ trong năm của nước ta hiện nay vẫn thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Việc nghỉ thêm ngày 27.7 không chỉ tạo ra tính công bằng trong thị trường lao động khu vực mà còn đề cao đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta.

NGỌC THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi): Nhiều đề xuất được dư luận rất quan tâm