Cắt giảm số lượng đại biểu và cấp phó HĐND: Cần có đánh giá thận trọng

10/06/2019 14:33

Sáng 10.6, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.


Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) góp ý vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Trình bày tờ trình dự thảo luật sửa đổi, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương, trong quá trình xây dựng có ý kiến khác nhau về giảm số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện và giảm số lượng phó trưởng ban của HĐND cấp tỉnh.

Ở luồng ý kiến thứ nhất, nhiều đại biểu thống nhất giảm số lượng 2 phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện hiện nay xuống còn 1 người nhằm đáp ứng đa mục tiêu, góp phần tinh giản biên chế. Ở chiều ngược lại, nhiều đại biểu đề nghị giữ nguyên số lượng như hiện nay để đáp ứng việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND trong bối cảnh đẩy mạnh phân quyền, phân cấp đối với chính quyền địa phương.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đặt câu hỏi về mục tiêu của việc sửa đổi luật lần này có thật sự cởi bỏ các nút thắt trong tính hiệu quả của HĐND hay chỉ là sự cầm cự. Đại biểu tán đồng chủ trương tinh giản biên chế nhưng cũng cho rằng không nên vì thế mà cắt giảm tùy tiện, áp dụng "đồng phục biên chế" một cách thiếu tính toán.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) cho rằng HĐND là cơ quan có vai trò vô cùng quan trọng, là tiếng nói đại diện cho quyền lợi của người dân. Vì vậy, tổ chức HĐND các cấp cần phù hợp, không chỉ với mục tiêu giảm biên chế. "Vấn đề là khi tổ chức ra bộ máy rồi từ đó phân định, phân công nhau sao cho có lợi cho dân, cho nước, không phải là để tranh giành với nhau", đại biểu Tâm nói.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) cho rằng, việc tăng hay không tăng biên chế, quan trọng nhất là phải tính đến hiệu lực, hiệu quả khi sửa luật. Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới ban hành có hiệu lực được hơn 3 năm, công tác tổ chức bộ máy cần mang tính ổn định, bền vững. Do vậy, việc tăng hay giảm số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, huyện hoặc trưởng, phó ban HĐND cần cân nhắc.

Nêu quan điểm cá nhân, đại biểu Tuấn Anh đồng tình giữ nguyên số lượng như hiện nay với lý do “luật mới đi vào thực hiện hơn 3 năm mà giờ lại xáo trộn biên chế, tổ chức bộ máy, tính hiệu lực, hiệu quả của hai luật này đã được trả lời bằng hiệu quả của tình hình kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2018”. Đại biểu cho rằng cần xem việc tăng phó chủ tịch UBND có tương xứng với việc giảm một phó chủ tịch HĐND không.

Cũng trong buổi sáng, với 92,15% đại biểu tán thành, QH đã thông qua Nghị quyết về chương trình giám sát của QH năm 2020. Đáng chú ý tại Kỳ họp thứ 9 (năm 2020), Quốc hội sẽ xem xét báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em”.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cắt giảm số lượng đại biểu và cấp phó HĐND: Cần có đánh giá thận trọng