Cần một cái kết minh bạch

27/04/2019 15:51

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 đang tới gần, vậy mà bê bối gian lận điểm thi trong kỳ thi năm ngoái cho tới bây giờ vẫn chưa được giải quyết xong.

Một số thí sinh gian lận điểm thi chuẩn bị kết thúc năm học đầu tiên ở giảng đường đại học mà vẫn chưa biết mình sẽ bị xử lý ra sao. Số lượng người tham gia vào vụ việc này vẫn đang tiếp tục bị phát giác cho thấy “phần chìm của tảng băng” dường như chưa được hé lộ hoàn toàn. Ngày 22.4, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) nghiên cứu, xử lý thông tin báo chí nêu về gian lận điểm thi và báo cáo Thủ tướng. Ngày 23.4, trong buổi làm việc với Bộ Công an và Bộ GDĐT, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng yêu cầu khẩn trương điều tra xong sớm vụ việc này và phải công bố kết quả trong vòng 3 tháng tới. 

Theo cơ quan điều tra, có rất nhiều nguyên nhân khiến tiến độ điều tra chậm như việc đi tìm điểm thi gốc khó khăn, phức tạp; việc xác định thí sinh có biết mình được sửa điểm hay không cũng không đơn giản… Bên cạnh việc tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ điều tra, điều quan trọng hơn cả mà người dân đang mong chờ là những hình thức kỷ luật tương xứng đối với những người tham gia vụ bê bối đáng xấu hổ này của ngành giáo dục. Thời gian điều tra có thể lâu nhưng cái kết cuối cùng của nó nhất thiết phải minh bạch, xử lý đúng người, đúng tội để có tính răn đe và lấy lại niềm tin cho người dân vào kỳ thi quan trọng này. 

Hiện còn rất nhiều câu hỏi được đặt ra cần những câu trả lời thích đáng. Theo thống kê của Bộ GDĐT, tổng số thí sinh bị phát hiện gian lận điểm thi là 222 người, gồm 114 thí sinh ở Hà Giang, 64 thí sinh ở Hòa Bình và 44 thí sinh ở Sơn La. Các trường đại học đã huỷ kết quả trúng tuyển, trả về địa phương các thí sinh được nâng điểm thi ở Hòa Bình, Sơn La. Còn với 114 thí sinh tại Hà Giang, cơ quan công an điều tra đã xác định và trả về điểm thật trước thời gian Bộ GDĐT quy định xét tuyển đại học năm 2018. Một số thí sinh vẫn trúng tuyển và theo học tại các trường cao đẳng, đại học; các thí sinh này chỉ bị xử lý vi phạm tại địa phương. Điều này không thực sự hợp lý khi cùng gian lận điểm thi mà hệ quả đối với mỗi thí sinh lại khác nhau (nguyên nhân do thời điểm bị phát hiện gian lận khác nhau). Bên cạnh đó, đến nay vẫn chưa rõ hình thức xử lý kỷ luật tại địa phương đối với các thí sinh này như thế nào?

Việc xử lý những thí sinh có điểm chấm thẩm định không thấp hơn điểm trúng tuyển cũng cần cân nhắc một cách hợp tình, hợp lý. Tuy điểm thật của các em vẫn đủ để trúng tuyển nhưng đó vẫn là những người có hành vi gian dối. Nếu tiếp tục để các thí sinh đó theo học tại các trường đại học thì vẫn cần có hình thức kỷ luật thích đáng chứ không thể bỏ qua hoàn toàn. 

Vụ việc gian dối này có rất nhiều mắt xích với nhiều đối tượng tham gia. Trong đó có phụ huynh của các thí sinh. Nhiều phụ huynh là cán bộ trong các cơ quan nhà nước. Đối với những người này cũng cần có hình thức xử lý. Một số người nói rằng họ hoàn toàn không hay biết việc con em mình được nâng điểm nhưng nếu không bắt nguồn từ phụ huynh thì thí sinh làm sao có thể tự móc nối để tham gia một việc động trời như vậy? 

LAM ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần một cái kết minh bạch