Ai bảo vệ học sinh?

03/05/2019 08:25

Nhiều trường học kẻ khẩu hiệu "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui". Vậy mà gần đây, nhiều sự việc không vui xảy ra nơi trường học.

Một số sự việc không thể nói bằng từ "không vui" hay "vô cảm" mà phải gọi là "tàn bạo", "nhẫn tâm", "dã man"... Xin dẫn ra đây một số sự việc còn nóng hổi.

Tháng 10.2018, tại Trường THCS Duy Ninh (Quảng Bình), một học sinh nói bậy, cô giáo chủ nhiệm đã cho 23 em trong lớp mỗi em tát 10 cái vào mặt học sinh kia cộng với một cái tát "làm mẫu" của cô thành 231 cái. Không sao có thể tưởng tượng nổi sự bạo hành vô cùng dã man do cô giáo này bày ra. Có người bảo cô giáo ấy mà vào thời Mỹ, ngụy ắt sẽ được chọn làm cai tù.

Dư luận còn đang sôi lên thì đến tháng 12.2018 lại một vụ tát tập thể xảy ra với một cháu bé lớp 2A5 của Trường Tiểu học Quang Trung (quận Đống Đa, Hà Nội).

Sang năm 2019 lại liên tiếp xảy ra các vụ việc đe dọa đến tính mạng, sức khỏe học sinh. Chỉ riêng tháng 3 thôi đã có 5 vụ được báo chí nêu và khiến dư luận bức xúc. Ngày 4.3, học sinh Trường Tiểu học Bắc An (TP Chí Linh) ăn nhầm bột thông bồn cầu khiến 46 em bị ngộ độc phải vào bệnh viện. May mà không có em nào tử vong. Đến ngày 16.3 lại xảy ra vụ nhiễm sán lợn ở Trường Mầm non Thanh Khương (Bắc Ninh) do nhà bếp của trường cho các cháu ăn thịt bẩn. Ngày 21.3, 8 học sinh Trường Tiểu học và Trường THCS cùng mang tên Hữu Nghị thuộc phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) chết đuối trên sông Đà. Ngày 25.3, lại một vụ việc kinh khủng xảy ra tại Trường THPT Triệu Phong (Quảng Trị). 10 học sinh nam của trường và cả trường khác hiếp dâm một em nữ lớp 10...

Trong những vụ việc trên, có vụ do vô tình, có vụ do học sinh, giáo viên cố ý gây ra. Về địa điểm, phần lớn vụ việc xảy ra ngay trong nhà trường. Người chịu hậu họa đều là học sinh, nhẹ thì thương tích, nặng thì mất mạng hoặc bị sang chấn tâm lý lâu dài.

Càng nghĩ càng thấy đau bởi nhà trường vốn là môi trường sống đầy nghĩa tình và lòng nhân ái, ai ngờ lại có nhiều bạo hành, mối nguy hại đến thế! Đau vì dân ta có truyền thống tôn sư trọng đạo nhưng có những "sư" (thầy cô) còn ác độc, dã man hơn quỷ dữ. Đau vì những học sinh còn nhỏ tuổi, thơ ngây, thật thà, không có vũ khí trong tay, không có quyền hành, không có cả sức mạnh cơ bắp để chống lại cái ác. Đau vì hình ảnh ngôi trường và người thầy chân chính phần nào bị méo mó do một số người thiếu lương tâm gây nên. Và lòng tin của nhân dân, cán bộ đối với môi trường giáo dục cũng bị giảm sút.

Hơn lúc nào hết, chúng ta hãy đặt câu hỏi: Ai là người bảo vệ học sinh và bảo vệ học sinh bằng cách nào? Theo tôi có thể quy định thêm chức năng bảo vệ học sinh cho nhà trường. Mọi sự việc xảy ra với học sinh trong trường thì nhà trường, cụ thể là ban giám hiệu và giáo viên đều phải chịu trách nhiệm. Trước hết là giáo viên chủ nhiệm của lớp xảy ra sự việc phải chịu trách nhiệm. Trường để xảy ra thì ban giám hiệu nhà trường đó phải chịu trách nhiệm trực tiếp hoặc liên đới. Không thể nói là "Tôi đã làm hết trách nhiệm" như cô giáo chủ nhiệm vụ nữ sinh bị đánh hội đồng ở Hưng Yên được. Cần có hình thức kỷ luật nặng đối với người nào làm sai. Không có chuyện chỉ "rút kinh nghiệm sâu sắc". Cần tổ chức lại công tác bảo vệ học sinh bằng nhiều cách: Nhân viên bảo vệ trường không chỉ có chức năng bảo vệ tài sản mà còn phải giao thêm chức năng giám sát, bảo vệ học sinh, nhất là giờ ra chơi hoặc trước, sau giờ học. Trường có thể phối hợp với lực lượng an ninh địa phương để theo dõi, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các vụ việc. Hội phụ huynh học sinh cần có hành động và tổ chức cụ thể để cùng nhà trường bảo vệ các em. Đặc biệt là mỗi giáo viên và cán bộ trong nhà trường đều phải là một người bảo vệ tin cậy của các em. Muốn bảo vệ tốt học sinh thì việc phát hiện là quan trọng. Các cháu còn nhỏ nên muốn "giấu đầu" nhưng lại "hở đuôi". Không có sự việc nào bí mật được đâu. Nếu thầy cô sống thân thiện, hòa đồng với học sinh thì các em chẳng giấu thầy cô chuyện gì cả.

Những sự vụ động trời vừa qua là tiếng chuông báo động khẩn cấp đòi hỏi cần có một cuộc đại ra quân để chấm dứt các vụ việc đau lòng, lấy lại vị thế cho nhà giáo, nhà trường và toàn ngành giáo dục.

VĂN DUY (Kinh Môn)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ai bảo vệ học sinh?