Chính từ thói quen hút thuốc lá, không thể bỏ được khiến cho việc phòng, chống, điều trị căn bệnh này trở nên khó khăn hơn...
Điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường gặp khó khăn
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) gây tử vong hàng thứ 4 chỉ sau bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não. Tại tỉnh ta, lượng bệnh nhân mắc COPD ngày càng có xu hướng gia tăng. Thói quen hút thuốc lá không những là nguy cơ gây bệnh cao nhất mà còn là rào cản trong quá trình phòng, chống và điều trị căn bệnh này.
Mắc bệnh vì hút thuốc Theo đánh giá của giới chuyên môn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hiện là gánh nặng rất lớn cho ngành y tế cũng như gia đình và cá nhân bệnh nhân do đây là bệnh mạn tính, nặng dần theo thời gian, chi phí ngày càng nhiều theo mức độ nặng dần của bệnh. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, hút thuốc lá gây biến đổi niêm mạc phế quản, phá hủy lớp lông chuyển của biểu mô phế quản, gây tăng tiết chất nhầy ở các tuyến của biểu mô phế quản. Hút thuốc lá kéo dài gây nhiều bệnh về đường hô hấp như viêm phế quản cấp và mạn tính, giãn phế quản, giãn phế lang, ung thư phổi... Trong đó, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ngày càng có xu hướng gia tăng và phổ biến hiện nay. Quá trình điều trị COPD phải kéo dài đến hết đời, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. |
Bệnh nhân Vũ Thế Lộc (68 tuổi) ở xã Ngũ Hùng (Thanh Miện) đang điều trị COPD tại Khoa Bệnh phổi- Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh có tiền sử hút thuốc lá hơn 20 năm. Hút thuốc lá trong nhiều năm liền khiến cho sức khỏe của bác Lộc ngày càng xấu đi. Đến năm 2001, bác Lộc thấy người mệt mỏi, ăn kém, người gầy rộc đi (từ khoảng hơn 40 kg chỉ còn khoảng 30 kg). Khi đi khám, bác Lộc được bác sĩ chẩn đoán bị áp xe phổi. Khoảng 3 năm gần đây, trung bình mỗi tháng bác phải nằm viện khoảng 1 tuần để điều trị căn bệnh COPD. Lần gần đây nhất, bác Lộc vào viện trong tình trạng suy hô hấp, may được thở ô-xy và cấp cứu kịp thời mới qua cơn nguy kịch.
Đang điều trị COPD tại Khoa Bệnh phổi - Hồi sức cấp cứu còn có một số bệnh nhân nữ. Theo điều tra của các y, bác sĩ thì hầu hết họ đều là những người hút thuốc lá "thụ động" do trong nhà có chồng hoặc con trai hút thuốc nhiều năm. Bác Vũ Thị Vận, 66 tuổi ở phường Việt Hòa (TP Hải Dương) là công nhân giao thông đã nghỉ hưu. Trước đây, bác Vận thường xuyên hít phải không khí bụi bặm, ô nhiễm trong quá trình làm việc. Khi về nhà lại phải hít khói thuốc do chồng thường xuyên hút thuốc lá. Mắc COPD từ vài năm nay, lại thêm nhiều căn bệnh khác như cao huyết áp, tiểu đường nên sức khỏe của bác Vận cũng sa sút thấy rõ. Hằng tháng, bác Vận đều đặn phải vào điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh.
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Phú, người trực tiếp điều trị cho những bệnh nhân COPD nặng tại Khoa Bệnh phổi - Hồi sức cấp cứu, từ đầu năm đến nay, khoa điều trị cho khoảng 100 bệnh nhân COPD, chủ yếu trong độ tuổi từ 50 - 70 tuổi. Hầu hết bệnh nhân COPD đều có "thâm niên" hút thuốc lá, thuốc lào, nhiều người có thời gian hút thuốc từ 20 - 30 năm. Một số bệnh nhân khi phát hiện mắc bệnh đã tự bỏ thói quen hút thuốc nhưng cũng có bệnh nhân vẫn giấu điếu cày hoặc thuốc lá để thỉnh thoảng hút trộm. Chúng tôi đã tư vấn rất nhiều lần về tác hại của thuốc lá, thuốc lào đối với bệnh của họ nhưng nhiều người do hút thuốc quá nhiều năm nên thành nghiện, khó có thể từ bỏ.
Cản trở việc phòng, chống, điều trị bệnhTheo Ban Quản lý dự án phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tỉnh, ước tính toàn tỉnh có khoảng 37 nghìn người mắc COPD. Đặc biệt, cuối năm 2012, qua đợt khám, sàng lọc tại 15 xã, phường thuộc 4 huyện Gia Lộc, Nam Sách, Thanh Hà, Kinh Môn và TP Hải Dương, số lượng bệnh nhân phát hiện mắc COPD là 558 người, nhiều hơn gấp 3 lần so với dự kiến. Tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, trong tổng số trên 6.000 bệnh nhân đến khám và điều trị hằng năm thì có khoảng 30% số bệnh nhân mắc COPD. Theo đánh giá nhanh của Khoa Khám bệnh, hầu hết bệnh nhân đều biết hút thuốc lá có hại tới sức khỏe, nhưng không biết đó là nguyên nhân gây bệnh COPD.
Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh đã tang bị máy chụp X quang kỹ thuật số chuẩn đoán các bệnh về phổi
Hiện nay, do chưa có hoạt động phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trong Chương trình mục tiêu quốc gia nên các bệnh nhân chưa được tiếp cận về điều trị dự phòng đúng phương pháp. Từ giữa năm 2012 đến nay, dự án phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính mới được triển khai tại 5 huyện, thành phố. Một trong những mục tiêu quan trọng của dự án là nâng cao nhận thức của nhân dân về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các yếu tố nguy cơ gây bệnh. Trong đó, việc tuyên truyền về tác hại của thuốc lá đối với căn bệnh COPD được chú trọng, là một trong những giải pháp kiềm chế số bệnh nhân COPD mới.
Triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính phát triển chậm. Những triệu chứng đầu tiên có vẻ nhẹ, bệnh nhân thường cho rằng đây là chuyện không đáng quan tâm.
- Ho vào đầu buổi sáng, sau đó dần dần ho nhiều lần suốt ngày đêm.
- Ho ra đờm lúc đầu ít, loãng, càng về sau càng đặc, khó khạc lên.
- Khó thở, lúc đầu chỉ thỉnh thoảng. Khi bệnh nặng, người bệnh luôn luôn thấy khó thở, không di chuyển được, nhiều trường hợp phải dùng mặt nạ thở ô-xy trường kỳ.
- Thở khò khè hay như hen suyễn, do phế nang bị sưng và đờm làm nghẽn.
- Mệt nhọc, thiếu sức.
- Ngực bị nén.
- Viêm phổi.
(Theo Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản)
|
|
MINH HẠNH