Thói quen "ăn mòn" thận

29/05/2022 09:35

Ngồi lâu, nhịn tiểu, ăn quá ngọt, nhiều muối là những thói quen nhiều người gặp phải dễ gây tổn thương thận.

Thận là cặp cơ quan quan trọng nằm ở hai bên cột sống, dưới cùng khung xương sườn. Chúng thực hiện nhiều chức năng như lọc chất thải, chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Thận cũng có nhiệm vụ điều chỉnh sự cân bằng khoáng chất trong cơ thể, tiết ra hormone kích thích sản sinh hồng cầu. Nhiều thói quen trong cuộc sống hàng ngày có thể bào mòn cơ quan này.

Lạm dụng thuốc giảm đau

Theo Tổ chức Thận Quốc gia Mỹ, thuốc giảm đau được sử dụng để giúp giải quyết rất nhiều vấn đề nhưng uống quá nhiều có thể làm hỏng thận của bạn. Thuốc giảm đau không kê đơn như NSAID (thuốc chống viêm không steroid), thuốc giảm đau Aspirin làm giảm lưu lượng máu đến thận.

Những loại thuốc này cũng độc hại trực tiếp đến mô thận, làm hỏng chức năng của nó. Mỗi năm, 3-5% trường hợp suy thận mới là do sử dụng quá nhiều thuốc giảm đau này.

Hút thuốc

Trong khi đó, hút thuốc đã được chứng minh gây nguy hiểm cho phổi, tim. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra đây cũng là thủ phạm “ăn mòn” thận mỗi ngày. Năm 2015, bác sĩ Sara-Joan Pinto-Sietsma cùng các đồng nghiệp tại Bệnh viện Đại học Groningen, Viện Đại học Groningen ở Hà Lan khảo sát xét nghiệm nước tiểu, mẫu máu của hơn 7.000 người, tuổi từ 28 đến 75.

Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Annals of Internal Medicine, họ phát hiện ở nhóm những người đang hút thuốc và người đã cai thuốc lá có mức albumin (thành phần đạm) trong nước tiểu cao hơn so với nhóm người không hút thuốc. Mặt khác, các cơ quan của họ bài tiết creatinine (chỉ số đánh giá chức năng thận) chậm hơn bình thường.

Lượng albumin trong nước tiểu cao và hiện tượng chậm đào thải creatinine là dấu hiệu sớm của chức năng thận bị tổn thương. Tuy nhiên, nếu không thực hiện các xét nghiệm, hầu hết tình nguyện đều không biết là họ đang có vấn đề về thận…

Hút thuốc và nghiện rượu bia là hai thói quen không chỉ gây hại cho thận mà còn nhiều cơ quan khác, thậm chí dẫn tới ung thư. Ảnh: WebMD.

Uống nhiều rượu, bia

Các nghiên cứu trước đây đã chứng minh rượu, bia gây hàng loạt bệnh về gan và tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư. Với thận, rượu làm cơ thể mất nước trầm trọng và mức độ dư thừa sẽ khiến các cơ quan bị thiếu nước, dẫn đến hoạt động kém.

Khi uống nhiều rượu bia, thận phải làm việc nhiều hơn để lọc các chất độc hại ra ngoài. Theo Tổ chức Thận Quốc gia Mỹ, uống nhiều hơn 4 ly rượu, bia mỗi ngày làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc các bệnh thận mạn tính. Nguy cơ mắc bệnh còn cao hơn ở những người uống vừa uống nhiều rượu bia vừa hút thuốc. Nếu cùng hút thuốc, nghiện rượu nặng, nguy cơ này cao gấp 5 lần.

Ăn quá mặn, quá ngọt

Thận chịu trách nhiệm chuyển hóa 95% lượng natri thu nạp qua thức ăn. Khi lượng muối ăn vào cơ thể ở mức cao, thận phải làm việc nhiều hơn để loại bỏ lượng muối dư thừa. Điều này có thể dẫn đến giảm chức năng thận. Lượng muối dư thừa trong chế độ ăn uống của bạn cũng gây giữ nước và làm tăng huyết áp.

Ngoài món tráng miệng, đường thường có trong các thức ăn, đồ uống mà bạn không hề hay biết như bánh mì trắng, hoa quả (vải, chuối, mít, na…). Đường góp phần gây béo phì, tăng nguy cơ bị cao huyết áp, tiểu đường. Đây là hai nguyên nhân hàng đầu gây các bệnh về thận.

Khi bạn nạp quá nhiều đồ ngọt, gan, thận không thể xử lý lượng đường fructose, nó sẽ chuyển đường thành dạng mỡ và tích lũy ở mọi nơi trong cơ thể. Chất béo tích trong gan, thận có thể gây bệnh gan nhiễm mỡ, tổn thương tuyến thượng thận và ảnh hưởng khả năng thải độc của các cơ quan này.

Đặc biệt, nếu bạn bị tiểu đường, tiêu thụ đồ ngọt có thể dẫn đến tổn thương thận. Thận đóng vai trò quan trọng trong việc lọc máu. Khi lượng đường trong máu đạt đến một mức nhất định, thận bắt đầu thải lượng đường dư thừa vào nước tiểu. Nếu không được kiểm soát, bệnh tiểu đường có thể làm hỏng thận, khiến thận không thể thực hiện công việc lọc chất thải trong máu. Điều này có thể dẫn đến suy thận.

Chế độ ăn nhiều muối, đường dễ gây hại cho thận

Ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, thịt

Các chất phụ gia, chất bảo quản thường có nhiều trong thực phẩm chế biến sẵn, làm tăng phosphate, hương vị và kết cấu của sản phẩm. Khi các chất này vào trong cơ thể sẽ tích tụ lại khiến khả năng đào thải độc tố của gan và thận bị quá tải và trở nên vô hiệu hóa, ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng của gan và thận. Người bị bệnh thận cần hạn chế những chất này trong khẩu phần ăn hàng ngày.

Ngoài ra, protein động vật tạo ra lượng lớn axit trong máu, có thể gây hại thận và tình trạng nhiễm axit - khi thận không thể làm việc đủ nhanh để loại bỏ axit ra khỏi cơ thể. Người thường xuyên ăn thịt đỏ có nguy cơ bị bệnh về thận cao gấp 3 lần. Bởi trong thịt đỏ có chứa rất nhiều chất béo bão hòa, làm tăng mức cholesterol xấu.

Protein từ động vật có rất nhiều hợp chất purin. Những chất này phân hủy thành axit uric và nếu bạn có quá nhiều axit đó, bạn dễ bị sỏi thận. Protein cần thiết cho sự phát triển, duy trì và sửa chữa tất cả bộ phận của cơ thể nhưng chế độ ăn uống của chúng ta nên cân bằng với trái cây và rau quả.

Protein động vật khiến thận phải làm việc nhiều hơn, dễ bị tổn thương nếu ăn quá nhiều thịt

Không uống nước khi khát

Nước và thận thường được xem là đôi bạn thân. Chức năng chính của thận là loại bỏ chất thải từ quá trình trao đổi chất trao đổi chất khỏi cơ thể và điều chỉnh việc sản xuất các tế bào hồng cầu. Để thực hiện được nhiệm vụ này, thận cần lượng nước nhất định. Cơ thể đủ nước giúp thận loại bỏ natri và chất độc ra khỏi cơ thể. Uống đủ nước cũng là cách tốt nhất để tránh sỏi thận.

Nếu không uống đủ nước, máu sẽ cô đặc và lượng máu tới thận sẽ ít hơn, ngăn cản quá trình thải độc tố ra khỏi cơ thể. Song, uống quá nhiều nước cũng không tốt cho thận vì gây áp lực, khiến cơ quan này phải làm việc nhiều hơn. Các chuyên gia khuyến cáo mỗi ngày chúng ta nên uống 8-10 ly nước.

Uống đủ 8-10 ly nước/ngày là thói quen giúp ngăn ngừa mắc các bệnh về thận

Nhịn tiểu, ngồi lâu

Nhịn tiểu là thói quen không tốt, dễ gây hại cho thận. Điều này có thể khiến lượng chất độc lắng đọng nhiều trong bàng quang. Người có thói quen nhịn tiểu có thể gây ra đau khi đi tiểu, đi tiểu nhiều, sốt, ớn lạnh...

Nhiễm trùng đường tiểu không được điều trị kịp thời sẽ khiến thận bị viêm nhiễm, gây sỏi thận, viêm thận. Do đó, ngay khi cảm thấy buồn, bạn cần đi vệ sinh ngay, tránh sự tích tụ nước tiểu trong bàng quang và gây ra bệnh thận.

Thói quen ngồi lâu cũng tác động tiêu cực tới thận. Các chuyên gia vẫn chưa thể lý giải nguyên nhân của việc này nhưng các hoạt động thể chất có thể giúp cải thiện huyết áp, chuyển hóa glucose. Đây là hai yếu tố quan trọng với sức khỏe của thận.

Theo Zing

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thói quen "ăn mòn" thận