Thoát ra khỏi cách quản lý đã lạc hậu

06/11/2017 05:35

Quyết định bãi bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư là chủ trương rất quan trọng, có ý nghĩa quyết liệt cải cách thủ tục hành chính...

Mấy ngày nay, người dân cả nước sôi nổi bàn luận và tỏ ý rất hoan nghênh việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an.

Theo đó, Chính phủ đã đồng ý bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư, để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân. Ở nhóm thủ tục đăng ký thường trú sẽ bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng sổ hộ khẩu, và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Có thể nói đây là chủ trương rất quan trọng, có ý nghĩa quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, đổi mới quản lý dân cư theo phương pháp khoa học, hiện đại; quyết tâm thoát ra khỏi cách quản lý đã lạc hậu gây nhiều phiền hà, bất bình đẳng cho người dân và khiến cho bộ máy quản lý cồng kềnh.

Lâu nay người dân đã than phiền ở nhiều diễn đàn và báo chí đã tốn nhiều giấy mực về chuyện nhọc nhằn hộ khẩu. Để có được sổ hộ khẩu ở các đô thị lớn, người dân phải chạy đôn chạy đáo lo đủ thứ hồ sơ: sổ tạm trú dài hạn, giấy điều động công tác, hợp đồng lao động, có nhà riêng đủ giấy tờ nhà đất hợp lệ...

Thật tréo ngoe khi chưa có hộ khẩu thì không được cấp chủ quyền nhà, mà chưa có chủ quyền nhà thì không được cấp hộ khẩu. Để có được hộ khẩu, nhiều người đã phải lách luật bằng nhiều cách, như nhờ người quen có hộ khẩu đứng tên hợp thức hóa giấy tờ nhà, rồi “tặng nhà” lại; “chạy chọt” để có hợp đồng lao động; thậm chí kết hôn bừa với ai đó để được nhập hộ khẩu. Trong quản lý hành chính, nhiều thủ tục, chính sách có sự phân biệt đối xử giữa cư dân thường trú và tạm trú, gây khó khăn cho người dân. Trẻ em sinh ra trong các hộ chưa có hộ khẩu thường trú khó xin được vào trường học. Hộ nghèo chưa có hộ khẩu thường trú không được hưởng các chính sách an sinh hỗ trợ người nghèo. Dù Luật Cư trú năm 2006 nghiêm cấm lạm dụng quy định về hộ khẩu để hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, nhưng thực tế nhiều thủ tục hành chính vẫn “ăn theo” hộ khẩu, gây trở ngại cho cuộc sống của người dân nhập cư.

Đăng ký và quản lý hộ khẩu là biện pháp quản lý hành chính nhằm xác định việc cư trú của công dân, bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, tăng cường quản lý xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Hộ khẩu là biện pháp rất cần thiết để quản lý dân cư và nguồn nhân lực trong thời chiến, thời bao cấp, sản xuất nông nghiệp tập đoàn, phân phối lương thực - thực phẩm theo chế độ tem phiếu. Từ lâu rồi việc đăng ký và quản lý hộ khẩu đã không còn phù hợp, nhưng vẫn tồn tại do quán tính, do chưa mạnh dạn đổi mới lề lối làm việc và biện pháp quản lý. Khi còn quản lý dân cư theo cách cũ, đã bộc lộ nhiều bất cập: bộ máy quản lý hành chính về trật tự xã hội quá cồng kềnh, tốn nhiều nhân sự mà kém hiệu quả. Thí dụ một người có hành vi tổ chức sản xuất - kinh doanh - dịch vụ trái pháp luật, bị chính quyền địa phương xử lý buộc đóng cửa doanh nghiệp, chỉ cần sang địa phương khác là lại xin được giấy phép và ung dung hoạt động trái pháp luật tiếp.

Với việc chuyển sang quản lý bằng mã số định danh cá nhân, Chính phủ thể hiện quyết tâm tập trung cải cách, hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống hành chính nhà nước kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hàng loạt thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân được bãi bỏ. Mọi công dân ngay từ khi chào đời đã được cấp mã số định danh cá nhân, dữ liệu sẽ liên thông cho việc khai sinh, chứng minh mối quan hệ gia đình, bảo hiểm y tế, lý lịch tư pháp, xuất nhập cảnh, đăng ký xe, đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện... Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ có hiệu lực ngay từ ngày ký ban hành 30-10-2017, nhưng theo nghị quyết, việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các thủ tục hành chính, giấy tờ công dân sẽ ban hành phù hợp với thời điểm vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thực hiện Đề án 896, trong năm 2016 việc thí điểm phần mềm đăng ký khai sinh và phần mềm cấp mã số định danh cá nhân đã được triển khai tại 4 thành phố Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, đã tạo tiền đề cho việc triển khai trên diện rộng.

Trong thời gian tới đây, cả guồng máy quản lý hành chính về trật tự - xã hội trong cả nước phải chuyển động thật nỗ lực, thật mạnh mẽ, quyết liệt đổi mới, để có thể nhanh chóng thích ứng với việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân, ứng dụng và vận hành hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Từng sở, ngành, địa phương cũng cần nhanh chóng rà soát hệ thống văn bản pháp quy để sửa đổi những quy định liên quan đến việc quản lý dân cư đã không còn phù hợp. Từng cơ quan, đơn vị phải bỏ tất cả những phân biệt đối xử dựa trên hộ khẩu khi tuyển dụng công chức, viên chức.

HUỲNH THANH LUÂN (SGGP)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thoát ra khỏi cách quản lý đã lạc hậu