Thỏa thuận Sochi đã giải quyết được rất nhiều vướng mắc mà các bên tại Syria và các bên liên quan vấp phải sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd ở Đông Bắc Syria.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan
Sau hơn 6 giờ hội đàm tại TP Sochi, miền Nam nước Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan - quốc gia đang tiến hành chiến dịch quân sự trên lãnh thổ Syria đã ký vào bản Tuyên bố chung mà lãnh đạo Nga gọi là có tính “quyết định số phận” đối với đất nước Trung Đông.
Tuyên bố chung nêu rõ, hai bên trung thành với nguyên tắc bảo đảm thống nhất chính trị và toàn vẹn lãnh thổ của Syria; kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố; giữ nguyên nguyên trạng tại vùng mà Ankara tiến hành chiến dịch gọi là “Mùa xuân hòa bình”; Tôn trọng thỏa thuận Adan năm 1999 giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ; quân cảnh Nga và lực lượng biên phòng Syria sẽ tiến vào khu vực biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu từ trưa 23.10 để tạo điều kiện cho việc di dời lực lượng người Kurd; Tất cả lực lượng người Kurd và vũ khí sẽ được rút ra khỏi Manbidge và Tal-Rifat ở Đông Bắc Syria; Hai bên thi hành các biện pháp chống các phần tử khủng bố thâm nhập.
Lãnh đạo Nga, nước coi tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng hiện vẫn còn hang ổ cuối cùng tại Idlib của Syria là kẻ thù cần phải tiêu diệt bằng mọi giá, tuyên bố thỏa thuận Sochi sẽ mở ra cơ hội cho những quyết định thay đổi số phận đối với Syria, giải quyết được tình hình căng thẳng hiện nay ở khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, còn đối với quốc tế, quyết định này giúp đưa được người Syria tị nạn trở về quê hương, tháo gỡ gánh nặng cho các nước cưu mang.
Thỏa thuận Sochi đã giải quyết được rất nhiều vướng mắc mà các bên tại Syria và các bên liên quan vấp phải sau khi Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch quân sự chống lực lượng người Kurd ở Đông Bắc Syria ngày 9.10 vừa qua.
Đánh giá về tuyên bố chung này, giới chuyên gia tại Thổ Nhĩ Kỳ gọi đây là thắng lợi ngoại giao của cả Moskva và Ankara. Đặc biệt, thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ không đi ngược lại thoả thuận Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ trước đó. Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ thỏa thuận ngừng bắn và rút lực lượng người Kurd, thì Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng thỏa thuận không nối lại chiến sự, và việc rút lực lượng người Kurd giờ đây còn được phía Nga bảo trợ. Chính vì lẽ đó, giới quan sát đánh giá thỏa thuận tại Sochi có tính khả thi rất cao.
Lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục được có mặt tại Syria, gián tiếp giữ được “vùng an toàn”, song như tuyên bố của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan “không cần thiết phải tiến hành chiến dịch quân sự mới ở Syria". Thỏa thuận này được đánh giá là rất kịp thời và có ý nghĩa đặc biệt khi được đưa ra đúng lúc thời hạn 5 ngày ngừng bắn để các tay súng người Kurd rút khỏi "vùng an toàn" theo yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ kết thúc.
Có thể gọi thỏa thuận như một “chiếc barie” ngăn chặn giao tranh tái diễn với nguy cơ dẫn tới một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đang hứng chịu sự chỉ trích gay gắt của cộng đồng quốc tế cũng như các biện pháp trừng phạt của Mỹ sau khi mở chiến dịch quân sự tấn công người Kurd ở Đông Bắc Syria, thỏa thuận với Nga đã tạo “hành lang” cần thiết để Ankara có thể rút khỏi một “bãi lầy” mà nước này vừa sa vào khi đưa quân vào lãnh thổ một quốc gia có chủ quyền.
Chính phủ Syria cũng hài lòng khi khu vực thuộc quyền kiểm soát hợp pháp của Damascus sẽ được mở rộng. Ngoài ra, điểm quan trọng nhất trong tuyên bố chung không phải là những thỏa thuận cụ thể mà là lời cam kết bảo đảm thống nhất chính trị và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, đặc biệt từ phía Ankara. Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã tuyên bố ủng hộ thỏa thuận này.
Thổ Nhĩ Kỳ coi người Kurd là “kẻ thù không đội trời chung”, Ankara không thể nào chấp nhận ý tưởng “một quốc gia của người Kurd” tồn tại ở sát biên giới nước nàyvà đã làm tất cả, từ việc trấn áp người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, tấn công các cơ sở của người Kurd ở Iraq tới đưa quân sang nước láng giềng Syria, tiến hành chiến dịch quân sự chống người Kurd.
Với thỏa thuận ngày 22.10, người Kurd sẽ rút đi, khu vực mà Ankara lo ngại sẽ được quân đội Syria và quân đội Nga thực hiện việc giám sát. Dần dần, thế chân cho lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tại “vùng an toàn” Syria sẽ là quân đội Syria. Nói cách khác, Ankara thành công trong việc đẩy bật người Kurd khỏi khu vực biên giới, còn quân đội của Tổng thống Syria Assad sẽ thế chân quân đội Thổ Nhĩ Kỳ khi ông Erdogan đã tin rằng người Kurd không còn hiện diện ở đó nữa.
Như vậy, sẽ không có chiến dịch quân sự, điều mà Tổng thống Erdogan đã tuyên bố ngay sau cuộc hội đàm ở Sochi, sẽ không có đụng độ giữa lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, không có cả giao tranh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd, Damascus giành thêm quyền kiểm soát đối với vùng phía Bắc, gián tiếp “đập tan” kế hoạch tạo dựng cái gọi là “nhà nước của người Kurd” ở Đông Bắc Syria .
Ngay cả người Kurd cũng không thua cuộc. Tham vọng thành lập “nhà nước của người Kurd” vốn chưa bao giờ đến được gần thực tế. Nay người Kurd được an toàn rút lui, việc phải làm là thỏa thuận với Chính phủ Syria về quyền tự trị lớn bên trong đất nước Syria, chấm dứt việc bị thế lực bên ngoài sử dụng, đó cũng là cơ hội tốt nhất đối với dân tộc chiếm hơn 10% dân số Syria này. Toàn bộ căng thẳng đe dọa đến toàn vẹn chủ quyền của Syria có cơ hội được tháo gỡ.
Thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ cũng tạo điều kiện để các bên tiếp tục các nỗ lực chung nhằm tìm ra giải pháp chính trị cho tình hình hiện nay, bao gồm cả các công việc trong khuôn khổ Ủy ban hiến pháp Syria, bởi căng thẳng giữa các bên, nhất là giữa Ankara và Damascus, đe dọa hủy hoại những kết quả tích cực đạt được trong khuôn khổ cuộc đàm phán hòa bình Astana về Syria giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
Thậm chí, Syria có cơ hội khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ sau hơn 8 năm chia rẽ và xung đột. Thổ Nhĩ Kỳ được cảm thấy an toàn ở vùng ranh giới phía Nam. Mỹ không bị “mất mặt” khi lệnh ngừng bắn 5 ngày và việc Ankara tạm ngừng chiến dịch quân sự trước đó được cho là tạo tiền đề cần thiết để tiến tới thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ, châu Âu có thể hy vọng giải quyết được cuộc khủng hoảng di cư.
Còn Moskva, rõ ràng đã duy trì được quan hệ với cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, một nước là đối tác không thể thiếu, một nước hiện là “địa bàn quan trọng” để Nga tăng cường và khẳng định vị thế ở Trung Đông. Vấn đề còn lại, là liệu các bên có thực hiện thỏa thuận này hay không, và thực hiện đến đâu.
Theo TTXVN