Thơ với Đảng nặng duyên tơ

25/02/2014 17:10

Chuyện thơ

Làm bí thư hoài có bí... thơ ?
Rằng: Thơ với Đảng nặng duyên tơ
Thuyền bơi có lái, qua mưa gió
Không lái thuyền trôi, lạc bến bờ...
"Nghề" bí thư, đâu chuyện giấy tờ!
Lắng nghe cuộc sống gọi từng giờ
Phải đâu tim cứng thành khuôn dấu?
Càng thấu nhân tình nên vẫn thơ!

TỐ HỮU

Xin mượn câu thơ trong bài thơ làm đầu đề bài viết này. Bởi, ở nước ta từ lâu thơ ca có vị trí đáng kể trong đời sống tinh thần của nhân dân. Thơ ca cũng luôn gắn chặt với từng thời kỳ của cuộc đấu tranh giành và giữ nền độc lập, tự do của dân tộc. Nhất là từ khi có Đảng, điều đó lại càng hiện rõ qua thơ ca viết về Đảng và cách mạng ngày càng nở rộ, nhiều chiến sĩ cách mạng đã sử dụng thơ ca như một vũ khí sắc bén. Từ đó, cùng với phong trào cách mạng do Đảng ta lãnh đạo, thơ ca của những chiến sĩ cách mạng đã làm dấy lên một trào lưu mới trong thơ ca cách mạng nước nhà, mà Tố Hữu là một chiến sĩ xuất sắc, một nhà thơ tiên phong trong trào lưu ấy. Với sự trải nghiệm trong cuộc đời hoạt động cách mạng và làm thơ, Tố Hữu đã thẳng thắn dãi bày những suy nghĩ của mình về mối quan hệ gắn bó giữa Đảng và thơ - thơ và Đảng, rộng ra là văn hóa, văn nghệ, hay hơn nữa giữa Đảng với nhân dân, trong một bài thơ ngắn “Chuyện thơ” đầy suy tư, tâm trạng do chính ông đúc kết gần nửa thế kỷ đi theo cách mạng và làm thơ phục vụ cách mạng.

Bài thơ chỉ có tám câu, viết theo thể thất ngôn bát cú và được ngắt làm hai khổ thơ, mỗi khổ bốn câu. Ở khổ thơ đầu, tác giả vừa như bộc bạch công việc của mình làm Bí thư Trung ương Đảng, lại vừa như có ai đó thân tình vỗ vai hỏi: “Làm bí thư hoài có bí…thơ?”. Bởi chính dấu hỏi chấm (?) đặt cuối từ “thơ” giúp người đọc dễ suy ra thế. Câu thơ bỗng từ thật trăm phần trăm sang vừa hư vừa thật, mở đường cho người đọc suy ngẫm cùng nhà thơ. Và như thế, tứ thơ cũng trở nên thoáng đãng hơn. Đọc câu tiếp theo thì càng rõ ai đó vỗ vai nhà thơ hỏi, khi nghe nhà thơ trả lời: “Rằng: Thơ với Đảng nặng duyên tơ”. Ví quan hệ giữa thơ với Đảng - Đảng với thơ nặng như mối “duyên tơ” thì đúng là chỉ có Tố Hữu mới có thể xác lập được mối quan hệ nhân tình và triết luận như thế. Bởi ai cũng biết, cặp từ duyên tơ, hay tơ duyên thường được dùng để chỉ mối quan hệ gắn bó keo sơn của những mối tình duyên chồng vợ, hay sắp thành chồng vợ. Và đó không chỉ là mối tình thông thường mà còn là mối tình đẹp và sâu sắc đến “nặng duyên tơ” thì lại càng đẹp lên gấp bội. Chỉ với một câu thơ mộc mạc như lời nói: “Rằng: Thơ với Đảng nặng duyên tơ”, nhưng nhà thơ đã xác lập được mối quan hệ máu thịt không chỉ riêng giới nhà thơ với Đảng, mà còn là của toàn dân tộc Việt Nam ta với Đảng quang vinh. Với mối quan hệ nhân duyên ấy, Tố Hữu đưa ra một nhận định mang đầy sự liên tưởng, vừa thực lại vừa ảo, giữa con thuyền và người cầm lái, để từ đó nêu bật sự tất yếu của mối quan hệ gắn bó giữa Đảng và thơ nói riêng, và rộng ra là giữa Đảng và nhân dân ta nói chung: “Thuyền bơi có lái, qua mưa gió/Không lái thuyền trôi, lạc bến bờ...”. Đấy là một sự hiển nhiên mà ai cũng biết, nhưng chỉ khi đọc câu thơ của Tố Hữu thì bỗng nhận ra sự mới lạ đầy nhân tình và một triết luận sâu sắc qua cách cảm, cách nghĩ mà nhà thơ mang đến cho người đọc. Ở đây một lần nữa thấy rõ tài nghệ thơ Tố Hữu qua cách tổ chức, kết cấu thơ, chỉ với hai câu được viết chặt chẽ và niêm luật, nhưng lại là cả sự khái quát mang đầy tính triết luận đời thường, lại rất đối xứng ý tứ trong từng câu chữ giữa hai câu thơ.  

Tiếp đến khổ thơ thứ hai, Tố Hữu hầu như dành để “trả lời” người hỏi: “Làm bí thư hoài có bí…thơ”, với giọng ân tình, chân chất, nhà thơ không ngần ngại nói thẳng: ““Nghề” bí thư đâu chuyện giấy tờ”, mà với công việc hằng ngày, kể cả đọc công văn, báo cáo vẫn thấy như hiện về bao hoạt động sôi nổi ngoài đời: “Lắng nghe cuộc sống gọi từng giờ”. Phải là người lãnh đạo, người cán bộ có trái tim dễ rung động trước niềm vui, nỗi buồn của nhân dân, và chỉ có một trái tim như thế mới thấu hiểu và đồng cảm với nhân dân, để từ đó gắng sức làm trọn phận sự “công bộc của dân” như Bác Hồ dạy. Và cũng chỉ như thế thì dẫu vừa là lãnh đạo, vừa là nhà thơ thì vẫn thấy yêu đời, vẫn lạc quan sống và làm thơ hết mình, bởi như thế cuộc đời mới đích thực là thơ: “Càng thấu nhân tình nên vẫn thơ!”. Còn như ai đó để “tim cứng thành con dấu” vô cảm trước sướng vui, đau khổ của nhân dân  thì chẳng những không thể có thơ đích thực, mà không thể xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, của dân.

Thơ Tố Hữu thường từ nỗi niềm, tâm trạng, suy nghĩ của một người ra nhiều người, nói cái tôi mà thực ra là để nói cái ta (chúng ta) với một tầm khái quát cao, vừa chứa đựng sự rung cảm, xúc động lẫn triết luận như một chân lý sống và làm việc, cư xử với nhau trong cộng đồng. Và trong bài “Chuyện thơ” cũng thế, không chỉ nói mối quan hệ giữa Đảng và thơ, thơ và cuộc sống, mà rộng ra còn nói tới mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, nói tới cách sống, cách tiếp cận giữa người cán bộ với nhân dân, và với người cán bộ thì chỉ có khi nào tắm mình vào cuộc sống của nhân dân, vui niềm vui của nhân dân, buồn nỗi buồn của nhân dân thì khi đó mới thực sự tìm thấy niềm vui, hạnh phúc cho mình.

CAO NĂM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thơ với Đảng nặng duyên tơ