Thịt lợn nhập 60.000/kg, Cục Thú y nói quan niệm sai lầm của người Việt

30/05/2020 14:16

Tâm lý lo sợ ăn thịt lợn nhập khẩu không an toàn là hoàn toàn sai lầm.

Những ngày gần đây, giá lợn hơi tiếp tục tăng mạnh lên mức cao nhất trong lịch sử. Nhiều địa phương giá lợn hơi xuất chuồng đã vượt qua mốc 100.000 đồng/kg.

Theo đó, giá các sản phẩm thịt lợn trên thị trường cũng neo ở mức cao chót vót bất chấp ế ẩm. Cụ thể, tại chợ, giá thịt ba chỉ, mông sấn, nạc thăn, nạc vai, chân giò, sườn thăn, sườn non… dao động ở mức 150.000-250.000 đồng/kg tuỳ loại. Trong khi đó, giá các loại thịt lợn tại siêu thị dao động từ 150.000-350.000 đồng/kg tuỳ loại.

Trái ngược hoàn toàn với giá thịt lợn trong nước, thịt lợn nhập khẩu bán trên thị trường giá lại tương đối rẻ. Đơn cử, móng giò giá 65.000 đồng/kg, tai lợn giá 75.000 đồng/kg, sườn cánh buồm không xương cục giá 95.000-120.000 đồng/kg, thịt ba chỉ giá 120.000 đồng/kg, chân giò giá 85.000 đồng/kg, tim lợn giá 75.000 đồng/kg...

Với mức giá trên, thịt lợn nhập khẩu hiện rẻ chỉ bằng một nửa, thậm chí có loại rẻ bằng 1/3 so với thịt lợn trong nước. Còn giá trung bình thịt lợn nhập khẩu về đến cảng Hải Phòng chỉ ở mức 60.000 đồng/kg, thấp hơn cả giá lợn hơi trong nước.

Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các lô thịt muốn được xuất khẩu vào Việt Nam phải bảo đảm rất nhiều điều kiện khắt khe về an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm

Song, theo ghi nhận của phóng viên, dù được bày bán tràn ngập siêu thị, cửa hàng, la liệt trên “chợ mạng” với giá rẻ, nhưng người tiêu dùng lại không mấy mặn mà với thịt lợn nhập khẩu.

Trên diễn đàn mạng xã hội của các bà nội trợ Việt, chất lượng thịt lợn nhập khẩu luôn là chủ đề thu hút sự quan tâm của mọi người. Một số người chia sẻ thịt lợn nhập khẩu giá rẻ, có thể mua về ăn dù chất lượng không được như thịt nóng bán ngoài chợ. Số khác chê loại thịt này ăn nhạt và e ngại về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm…

Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Đàm Xuân Thành khẳng định thịt lợn đông lạnh, kể cả thịt lợn mát nhập khẩu qua con đường chính ngạch vào nước ta được cơ quan chức năng kiểm tra đều bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), bảo đảm an toàn dịch bệnh. Theo đó, tâm lý lo sợ ăn thịt lợn nhập khẩu không an toàn là hoàn toàn sai lầm.

Ông cho biết tính từ đầu năm đến ngày 25.5, có 129 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn từ các nước vào Việt Nam. Tổng lượng thịt lợn nhập khẩu hơn 67.270 tấn, tăng 250% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nhập khẩu chủ yếu từ Canada, Đức, Ba Lan, Brazil, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha và Nga.

Sản phẩm thịt lợn nhập khẩu cũng khá phong phú, gồm đủ loại từ thịt ba chỉ, chân giò, móng lợn, tai lợn cho tới thịt vai, thịt mông hay sườn...

Các nước đang xuất khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn vào Việt Nam đều có nền chăn nuôi và công nghệ giết mổ hiện đại. Họ kiểm soát dịch bệnh và vấn đề ATTP rất nghiêm ngặt. Chưa kể, trong quá trình chế biến, sau khi giết mổ, thịt lợn sẽ được cấp đông nhanh ở nhiệt độ âm 40 độ C. Bởi cấp đông ở nhiệt độ này, các tế bào hầu như vẫn giữ nguyên vẹn, bảo đảm chất lượng của miếng thịt.

Đến khi vận chuyển ở nội địa hay trên biển, thịt luôn luôn được bảo quản ở nhiệt độ âm 18 độ C. Đưa về Việt Nam cũng bảo quản ở nhiệt độ tương tự. Do đó, có thể bảo quản được tới 18 tháng, ông Thành nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thành, các lô thịt trước khi được xuất khẩu vào Việt Nam đều phải có giấy chứng nhận kiểm dịch, có giấy chứng nhận ATTP của cơ quan chức năng các nước xuất khẩu. Khi về đến cửa khẩu Việt Nam, cơ quan chức năng của nước ta sẽ tiếp tục lấy mẫu từng lô hàng để kiểm tra từ cảm quan cho đến các chỉ tiêu lý hoá, sinh vật, hạn sử dụng... Bảo đảm được các điều kiện này mới được phép thông quan.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khẳng định chất lượng miếng thịt lợn nhập khẩu không kém gì thịt lợn bán ngoài chợ

“Các loại thịt nhập khẩu này không nên bán ở chợ dân sinh, phải bán ở những nơi có điều kiện bảo quản lạnh”. Theo ông Thành, thịt nhập khẩu chính ngạch, được bảo quản lạnh đúng quy định thì người dân có thể yên tâm mua về ăn, không cần phải e ngại vấn đề chất lượng.

Thực tế, hồi cuối tháng 4 vừa qua, sau khi đi kiểm tra thịt lợn nhập khẩu tại cảng Hải Phòng, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cũng khẳng định trước khi các lô thịt lợn được đưa xuống tàu chở về nước, phía Việt Nam có đoàn công tác sang bên đối tác trực tiếp giám sát tất cả các khâu. Sau khi thịt lợn cập cảng nước ta sẽ tiếp tục được lực lượng chức năng kiểm tra một lần nữa trước khi đưa vào nội địa tiêu thụ.

Việc kiểm tra rất chặt chẽ, từ việc mở container, lấy mẫu kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm tra an toàn thực phẩm... xong rồi mới đưa vào nội địa bảo quản tại kho đông lạnh. Từ kho đông lạnh được đưa đến các siêu thị rất nhanh chóng. Theo Thứ trưởng Tiến, chất lượng thịt lợn đông lạnh nhập khẩu không thua kém thịt lợn mổ và bán trên thị trường hàng ngày.

Còn về vấn đề sử dụng đúng cách thịt lợn đông lạnh nhập khẩu, ông Đàm Xuân Thành cho biết vì thịt được làm đông nhanh ở nhiệt độ âm 40 độ C, mua về mọi người cũng bảo quản trong ngăn cấp đông tủ lạnh nên khi lấy thịt ra để chế biến cần phải rã đông chậm.

Việc rã đông nhanh bằng cách ngâm nước, đặc biệt là ngâm vào nước nóng thì phía bên ngoài tan ra, nhưng ở giữa miếng thịt dịch ở trong tế bào vẫn còn ở dạng đá nhỏ sẽ đâm thủng mảng tế bào, từ đó chảy ra hết. Điều này sẽ làm cho miếng thịt mất chất, bị nhạt vị khi ăn.

Rã đông đúng cách là trước khi nấu phải bỏ miếng thịt đông lạnh xuống ngăn mát tủ lạnh. Tiếp sau là bỏ ra ngoài nhiệt độ thường. Đây gọi là rã đông chậm, giúp miếng thịt giữ nguyên chất, ông chia sẻ.

Theo Vietnamnet

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thịt lợn nhập 60.000/kg, Cục Thú y nói quan niệm sai lầm của người Việt