Sau gần 20 năm hình thành và phát triển, phái võ Thiếu Lâm Trung Sơn Hải Dương ngày càng lớn mạnh, góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị võ cổ truyền dân tộc.
Võ sư Nguyễn Xuân Anh Toàn và các võ sinh của môn phái Thiếu Lâm Trung Sơn Hải Dương
Xây dựng thành môn võ của Hải Dương
Sân Nhà Thiếu nhi tỉnh một chiều tháng 7 nhộn nhịp, đông vui. Hơn 80 võ sinh đủ mọi lứa tuổi của phái võ Thiếu Lâm Trung Sơn Hải Dương xếp hàng kín cả khoảng sân rộng. Nền sân bê tông tỏa nhiệt sau cả ngày hấp thụ nắng nóng khiến cho khuôn mặt ai cũng đỏ ửng, mồ hôi nhễ nhại, thấm đẫm cả lưng áo. Nhưng điều này không làm ảnh hưởng gì đến tinh thần luyện tập của các võ sinh.
Anh Nguyễn Anh Tài, huấn luyện viên của lớp học cho biết có những võ sinh đã theo học Thiếu Lâm Trung Sơn Hải Dương được 3-4 năm nhưng cũng có võ sinh mới gia nhập mùa hè này. Những võ sinh mới tham gia tập các động tác căn bản như tấn pháp, quyền pháp, các bộ trỏ và cước pháp. Những võ sinh đã thuần thục các động tác căn bản sẽ được học các bài quyền của môn phái như: Trung Sơn căn bản, trường côn căn bản...
"Chúng em rất thích những bài sử dụng binh khí 2 tay mà phái võ này truyền dạy. Theo học đã 3 năm giúp em hiểu hơn về võ cổ truyền của dân tộc, lại có cơ thể khỏe mạnh, tự tin khi giao tiếp ở nơi đông người", võ sinh Nguyễn Quang Toàn ở TP Hải Dương chia sẻ.
Nhà Thiếu nhi tỉnh chỉ là một trong nhiều cơ sở chiêu sinh, dạy võ mà Thiếu Lâm Trung Sơn Hải Dương đang triển khai. Không chỉ có cơ sở tại hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh, phái võ này hiện còn phát triển ra cả một số tỉnh, thành phố ở miền Bắc như Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Nội... với số lượng võ sinh lên tới hàng nghìn người. Nhiều người năm nay đã 60-70 tuổi vẫn tham gia học. Do chưa có võ đường nên phái võ này mượn hoặc thuê địa điểm để mở lớp chiêu sinh, tổ chức tập luyện. Hiện nay, Thiếu Lâm Trung Sơn Hải Dương có 50 võ sư, huấn luyện viên.
Thiếu Lâm Trung Sơn Hải Dương chính thức ra mắt công chúng vào ngày 31.12.1999 trong chương trình biểu diễn võ thuật chào đón thế kỷ 21 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Phái võ này ra đời mang tâm huyết của người thủ lĩnh - võ sư Nguyễn Xuân Anh Toàn.
Anh Toàn sinh ra và lớn lên tại TP Hải Dương. Anh học võ thuật cổ truyền từ khi còn nhỏ, từng theo rất nhiều thầy giỏi ở Bình Định, TP Hồ Chí Minh để "tầm sư học đạo" nên hiểu rất rõ những nét đẹp và giá trị của võ cổ truyền dân tộc. Những năm 1996-1997, trong quá trình đi dạy võ tự do, anh Toàn nảy ý định thành lập một phái võ riêng của Hải Dương dựa trên nền tảng võ cổ truyền dân tộc học được tại Bình Định. Thời gian đầu, anh Toàn kén chọn đệ tử nhưng về sau có nhiều người đăng ký tham gia học nên xét thấy ai có đủ điều kiện sức khỏe đều được chiêu sinh. Trong quá trình phát triển môn phái, anh Toàn tích cực học hỏi, sưu tầm, sáng tạo ra những bài tập binh khí dựa trên các bài quyền căn bản để truyền dạy cho võ sinh.
Điểm nổi bật của Thiếu Lâm Trung Sơn Hải Dương là những võ sinh sau khi đã luyện thuần thục các bài quyền căn bản sẽ được học các bài sử dụng binh khí bằng 2 tay như: song đao, song phủ, song kiếm, song bút, song tô... "Ngày xưa không phải võ sinh nào cũng được các môn phái võ cổ truyền dạy kỹ năng sử dụng các loại binh khí, chỉ có đệ tử ruột hoặc những người đã theo học lâu năm mới có được vinh dự này. Khi thành lập Thiếu Lâm Trung Sơn Hải Dương, cá nhân tôi muốn truyền dạy cho tất cả các võ sinh vì mong các em có được sự cân bằng trong rèn luyện, hiểu được đầy đủ những tinh hoa của võ cổ truyền, góp phần rèn luyện sức khỏe", anh Toàn nói.
Đóng góp tích cực
Sau gần 20 năm thành lập và phát triển, phái Thiếu Lâm Trung Sơn Hải Dương đã góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn, phát triển võ thuật cổ truyền của dân tộc.
Thiếu Lâm Trung Sơn Hải Dương thường xuyên cử người tham dự các lớp tập huấn cấp quốc gia, mở rộng quan hệ giao lưu với các môn phái võ cổ truyền ở trong và ngoài tỉnh. Đội tuyển của môn phái duy trì 20-25 người, thường xuyên được chọn lọc, đào tạo để đi thi đấu. Hằng năm, môn phái cử võ sinh tham gia hầu hết các giải thi đấu do Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam và Tổng cục Thể dục thể thao tổ chức. Không ít võ sinh của môn phái đã giành được huy chương tại Giải vô địch võ thuật cổ truyền toàn quốc như: Đỗ Thị Phương Hồng, Phạm Quốc Anh, Đỗ Duy Tấn... Năm 2018, Thiếu Lâm Trung Sơn Hải Dương đứng ra tổ chức giao lưu võ cổ truyền dân tộc thu hút 31 đoàn của 13 tỉnh, thành phố trong cả nước và 1 đoàn đến từ Maroc tham dự.
Từ năm 2014 đến nay, Thiếu Lâm Trung Sơn Hải Dương đã đưa bộ môn đánh thó (dạng võ gậy) - một nét đặc trưng ở lễ hội đền Cuối (Gia Lộc) vào truyền dạy cho võ sinh. Môn phái này nhiều lần đưa môn đánh thó đi biểu diễn tại các chương trình giao lưu tại Bình Định, Nha Trang. Thiếu Lâm Trung Sơn Hải Dương võ đạo còn tích cực tham gia phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương như biểu diễn phục vụ Đại hội Thể dục thể thao, Hội khỏe Phù Đổng, Lễ hội Văn hóa du lịch xứ Đông - chào đón năm mới 2019...
Nhận xét về phái võ này, ông Nguyễn Hữu Dương, Phó Trưởng Phòng Quản lý thể dục thể thao (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nói: "Đây là môn phái nổi bật nhất trong số các môn phái võ cổ truyền đang hoạt động ở Hải Dương. Thiếu Lâm Trung Sơn Hải Dương võ đạo có những đóng góp tích cực, hiệu quả cho phong trào thể dục thể thao của tỉnh nói chung, cho việc bảo tồn, phát triển võ cổ truyền dân tộc nói riêng".
BÌNH MINH