Thiếu chỗ tập luyện các môn thể thao dưới nước

11/10/2013 05:12

Hiện nay, Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao dưới nước (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đang gặp nhiều khó khăn...



Do được xây dựng cách đây hơn 70 năm, hiện nay, bể bơi Yết Kiêu của Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện
và  Thi đấu thể thao dưới nước tỉnh không còn bảo đảm được yêu cầu tập luyện, thi đấu của các vận động viên


Thiếu thốn mọi bề

Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao dưới nước tỉnh được thành lập từ năm 2005. Trung tâm hiện có hơn 100 VĐV ở 7 môn thể thao gồm: đua thuyền rowing (rô - inh), đua thuyền canoeing (ca - nô - inh), đua thuyền chải (thuyền truyền thống), lặn, bơi trong bể, nhảy cầu và mô-tô nước. Trung tâm đang sử dụng bể bơi Yết Kiêu đã được xây dựng từ thời Pháp thuộc (1942) để tập luyện môn bơi, lặn. Tuy đã được tu sửa vài lần nhưng bể bơi vẫn bị xuống cấp, không bảo đảm yêu cầu tập luyện. Hệ thống máng tràn bị hỏng nên thường xuyên rỉ nước. Độ sâu của bể từ 0,8 - 1,8 m, chiều dài 25 m không bảo đảm điều kiện tập luyện và thi đấu. Anh Phạm Đăng Khoa, huấn luyện viên đội tuyển lặn cho biết: "Hiện nay, các cự ly bơi, lặn đều từ 50 m trở lên. Do bể nông, ngắn, phải quay vòng nhiều lần, ảnh hưởng đến cảm giác đường bơi, khả năng tăng tốc độ của VĐV vì vừa tăng tốc lại phải quay đầu ngay. Đặc biệt, việc tập lặn chân vịt có nhiều cự ly dài, mỗi lần tập phải quay đầu nhiều lần không những làm giảm thành tích mà còn ảnh hưởng đến thần kinh của VĐV".

Do hồ Bạch Đằng không đủ kích thước, nhiều năm nay, bộ môn đua thuyền rowing và canoeing phải thuê địa điểm tập tại Câu lạc bộ Đua thuyền Hà Nội. Trung tâm phải chi trả 30 nghìn đồng/ngày tiền thuê tập cho 1 VĐV. Đồng thời, đội phải thuê chỗ ăn nghỉ rất tốn kém và gặp nhiều bất tiện trong quản lý, sinh hoạt. Bên cạnh đó, Câu lạc bộ Đua thuyền Hà Nội luôn có nhiều đội của các tỉnh, thành phố đến thuê tập nên chật chội, đông đúc. Có hôm, VĐV phải tranh thủ thời gian sáng sớm, nghỉ trưa để tập. Các đội đua thuyền cũng cần có thêm 14 thuyền nữa mới đủ để tập luyện.

Với chiều dài hồ Bạch Đằng hiện nay, đội đua thuyền chải cũng chỉ tập được các bài kỹ thuật còn những bài tập về cự ly thi đấu không bảo đảm. Môn nhảy cầu, trung tâm cũng phải thuê địa điểm tập trên TP Hà Nội...

VĐV môn lặn Đào Thị Ngọc cho biết: "Việc thường xuyên phải đi tập luyện nhờ tỉnh bạn đã ảnh hưởng đến sinh hoạt, việc học văn hóa của chúng em".

Cũng vì thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhiều năm nay, tỉnh ta không thể đăng cai tổ chức được giải nào có tầm cỡ quốc gia của các môn thể thao dưới nước. Đây là một thiệt thòi, hạn chế bởi VĐV của tỉnh không có nhiều điều kiện thi đấu cọ xát, học hỏi kinh nghiệm và người dân không được xem các VĐV có đẳng cấp cao thi đấu.

Cần sớm đầu tư nâng cấp


Mặc dù gặp khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ tập luyện, thi đấu nhưng nhiều môn thể thao dưới nước của Trung tâm từng bước phát triển, không những hoàn thành nhiệm vụ của tỉnh giao mà còn có thành tích tốt. Đặc biệt, các môn đua thuyền rowing, canoeing của Hải Dương luôn giữ vững vị trí nằm trong tốp 3 đơn vị dẫn đầu của cả nước và trở thành cái nôi đào tạo nhiều VĐV đua thuyền xuất sắc của quốc gia như: Đặng Thị Thắm, Nguyễn Thị Hựu, Lê Thị Vân, Vũ Đình Quyền, Nguyễn Thị An, Nguyễn Văn Sơn...

Ông Hà Văn Chín, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao dưới nước tỉnh cho biết: "Trung tâm rất mong được tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất. Trước mắt là xây cao thành bể, sửa hệ thống máng nước bị rò, làm mái che để khi trời mưa VĐV vẫn có thể tập luyện được. Mở rộng, xây dựng sân, nhà tập thể lực, kỹ thuật chung. Mua sắm thuyền chải, thuyền rowing, canoeing cùng các trang thiết bị còn thiếu khác. Trong đó, cần sớm mua bổ sung thuyền chải để đội tuyển tập luyện, vì tại Đại hội Thể dục, thể thao toàn quốc lần thứ VII, năm 2014, tỉnh ta đăng cai thi đấu môn đua thuyền truyền thống. Về lâu dài, tỉnh cần sớm triển khai xây dựng các hạng mục công trình của Khu liên hợp thể thao để phục vụ nhu cầu tập luyện, thi đấu cho VĐV".

Nâng cấp cơ sở vật chất ở Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao dưới nước là góp phần phát triển các môn thể thao này ở tỉnh ta, thiết nghĩ, tỉnh và ngành văn hóa, thể thao và du lịch cần quan tâm.

Từ đầu năm đến nay, các đội tuyển của Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao dưới nước tỉnh đã tham gia thi đấu 19 giải thể thao trong nước và quốc tế, giành được 31 huy chương vàng, 18 huy chương bạc và 24 huy chương đồng. Tại các giải thi đấu, các đội tuyển của trung tâm đều hoàn thành và vượt chỉ tiêu được giao. Trong đó, các môn đua thuyền rowing và canoeing mang về phần lớn huy chương cho trung tâm.



DANH TRUNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thiếu chỗ tập luyện các môn thể thao dưới nước