Thiếu cán bộ thủy sản cơ sở

27/11/2011 07:17

Hiện nay việc theo dõi và chữa bệnh cho tôm, cá nuôi chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt, ở tuyến cơ sở không có cán bộ chuyên ngành thủy sản.



Do không có cán bộ chuyên ngành thủy sản ở xã nên mỗi lần cá bị bệnh,
anh Đào Huy Thực ở xã Hồng Hưng (Gia Lộc) phải tìm người để hỏi


Những năm gần đây, ngành nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh ta phát triển mạnh. Hiện toàn tỉnh có 9.927 ha nuôi thủy sản, trong đó 9.678 ha nuôi cá. Diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh ngày càng tăng. Các hộ đã tận dụng diện tích mặt nước, đầu tư vốn, cải tạo, nạo vét bùn, xây bờ và các thiết bị khác cho việc nuôi thả để hạn chế bệnh dịch. Gần đây, phong trào nuôi cá lồng ở một số xã của huyện Kinh Môn, Nam Sách cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ tận dụng các vũng, làm bè thả cá, thể tích mỗi bè từ 60-90m3. Sản lượng thủy sản trung bình mỗi năm đạt 60 nghìn tấn, trong đó chủ yếu là sản lượng thủy sản nuôi. Trong nuôi thủy sản, người dân đã đưa nhiều giống cá mới cho năng suất chất lượng cao vào nuôi, thay thế dần các loại cá truyền thống… Mặc dù ngành thủy sản đóng vai trò quan trọng như vậy, nhưng hiện nay việc phát hiện, theo dõi và chữa bệnh cho tôm, cá nuôi của người dân chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt, ở tuyến cơ sở không có cán bộ chuyên ngành thủy sản.

Đã hơn 1 tháng nay, tình trạng cá trôi trong ao cá giống của gia đình anh Phạm Văn Biên (ở thôn An Lại, xã Cẩm Đông, Cẩm Giàng) có biểu hiện lốm đốm ở miệng, sau đó chết. Trung bình mỗi ngày có khoảng chục con cá bị chết, trọng lượng khoản 3 lạng/con. Không biết cá mắc bệnh gì, anh Biên đã hỏi những người bán thuốc thú y, họ cho một số loại thuốc để trộn vào thức ăn cho cá nhưng đến nay tình trạng cá chết vẫn chưa giảm. Khi được hỏi: “Sao anh không mời cán bộ thú y chuyên chữa bệnh cho cá?”, anh Biên trả lời: “Hiện tại địa phương chưa có cán bộ chuyên ngành thủy sản nên tôi không biết mời ở đâu”. Gia đình anh Biên có 1 mẫu ao, nuôi cá thịt và cá giống. Hằng năm, cá vẫn bị chết vì bệnh, song anh Biên chưa có biện pháp khắc phục. Trước mỗi vụ nuôi, anh đều thực hiện các biện pháp vệ sinh tiêu độc, khử trùng theo quy định. Khi cá bị bệnh, anh Biên chỉ biết dựa vào những người kinh doanh thuốc thú y ở thôn, xã.

Khác với anh Biên, mỗi khi cá có dấu hiệu bị bệnh, anh Đào Huy Thực (ở xã Hồng Hưng, Gia Lộc) lại gọi điện hỏi cán bộ ở Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện hoặc Chi cục Thủy sản (Sở NN- PTNT). Anh Thực cho biết, do ảnh hưởng của môi trường sống, thời tiết nên cá mắc rất nhiều bệnh và bị bệnh quanh năm, tập trung chủ yếu vào thời điểm giao mùa. Về mùa này, cá rô phi có thể mắc bệnh nấm, sán lá đơn chủ. Mùa hè thì mắc các bệnh về đường ruột, xuất huyết… Nếu bị bệnh, dịch thì lây lan mạnh và cá chết rất nhanh. Khác với các loại vật nuôi khác, chữa bệnh cho cá rất khó, bởi cá sống dưới nước, khó nhìn bằng mắt thường nên khó có thể đánh giá mức độ bệnh của cá, tỷ lệ cá bị nhiễm bệnh. Sau mỗi lần cá bị bệnh, được sự hướng dẫn của kỹ sư thủy sản ở huyện, tỉnh anh Thực đều ghi lại phác đồ điều trị để theo dõi. Mặc dù ghi lại như vậy nhưng không phải lần nào cũng sử dụng được. Bởi mỗi lần cá mắc một loại bệnh khác nhau hoặc có thể bị nhiều loại bệnh thì phác đồ điều trị, các loại thuốc sử dụng cũng khác nhau nên những người chỉ làm theo kinh nghiệm như anh khó có thể hiểu được về dịch bệnh và cách điều trị.

Ông Phạm Văn Tình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT) cho biết tỉnh hiện đang rất thiếu cán bộ chuyên ngành thủy sản. Hiện toàn tỉnh có 14 kỹ sư thủy sản. Trong đó, chi cục có 5 người, Phòng NN - PNNT các huyện và thị xã Chí Linh có kỹ sư thủy sản. 2 huyện Nam Sách, Gia Lộc và TP Hải Dương chưa có kỹ sư thủy sản. Riêng cấp xã không có cán bộ chuyên ngành thủy sản. Ở một số xã, cán bộ thú y kiêm thêm lĩnh vực thủy sản. Tuy nhiên, trình độ của đội ngũ cán bộ này còn hạn chế do không được đào tạo đúng ngành, chuyên môn. Từ việc thiếu cán bộ thủy sản như vậy nên việc phát hiện, giám sát và chữa bệnh cho cá rất khó khăn.

Các loại thủy sản rất dễ mắc bệnh, nhất là trong điều kiện thời tiết, nguồn nước và môi trường sống bị ô nhiễm như hiện nay. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản, hằng năm Chi cục Thủy sản phối hợp với Trung tâm Quan trắc, cảnh báo môi trường và phòng, ngừa dịch bệnh khu vực miền Bắc lấy các mẫu nước để phân tích nhằm đưa ra những dự báo về tình hình dịch bệnh trên cá để người dân chủ động phòng, chống. Khi cá bị bệnh, cán bộ chi cục phối hợp với cán bộ thủy sản huyện trực tiếp xuống kiểm tra và hướng dẫn người dân các biện pháp chữa trị. Ngoài ra, chi cục còn phối hợp với các tổ chức đoàn thể tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật về nuôi thủy sản cho người dân.

Nuôi thủy sản ngày càng trở thành thế mạnh của tỉnh ta. Trong đề án “Phát triển chăn nuôi- thủy sản tập trung, nâng cao chất lượng, quy mô, đảm bảo vệ sinh môi trường giai đoạn 2011-2015” tỉnh ta phấn đấu, đến năm 2015 có 10.550 ha nuôi thủy sản, năng suất cá đạt 6,2 tấn/ha, xây dựng nhiều khu nuôi thủy sản tập trung. Để mục tiêu trên thành hiện thực thì công tác đào tạo cán bộ thú y thủy sản cần được các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa. Mỗi xã cần có một cán bộ thủy sản hoặc cán bộ thú y chăn nuôi kiêm thủy sản. Có chính sách đào tạo và thu hút kỹ sư thủy sản về làm việc tại địa phương.

THANH HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thiếu cán bộ thủy sản cơ sở