Là "cánh tay nối dài" của hoạt động thể dục thể thao từ tỉnh đến xã nhưng thu nhập của các hướng dẫn viên thể thao lại chưa tương xứng.
Anh Trần Văn Dương ở xã Cộng Hòa (Nam Sách) đã có 18 năm làm hướng dẫn viên thể thao
Không ai có thể phủ nhận được vai trò và tầm quan trọng của đội ngũ hướng dẫn viên thể thao (HDVTT) đối với phong trào thể dục thể thao tại các địa phương. Tuy nhiên, những cống hiến của họ trong những năm qua vẫn chưa được quan tâm thỏa đáng.
Cánh tay nối dài
Lần nào về dự các sự kiện thể thao ở huyện Nam Sách, tôi cũng thấy anh Trần Văn Dương, HDVTT xã Cộng Hòa tham gia hỗ trợ Ban tổ chức điều hành công việc, làm trọng tài... Đến nay, anh Dương đã có 18 năm làm HDVTT. Mặc dù không có lương nhưng anh rất tâm huyết với các hoạt động thể dục thể thao của địa phương. Là một võ sư yêu nghề, anh đã tham mưu cho Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện các giải pháp để thúc đẩy phong trào luyện tập các môn võ cổ truyền, pencak silat, taekwondo trên địa bàn huyện. Anh trực tiếp tham gia giảng dạy, phát hiện, đào tạo những võ sinh có năng khiếu cho đội tuyển của huyện. Dưới sự huấn luyện của anh Dương, đội tuyển pencak silat, taekwondo của huyện Nam Sách đã gặt hái nhiều thành công, liên tục đứng thứ nhất, nhì ở các giải do tỉnh tổ chức.
Anh Mạc Quốc Đông, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện Nam Sách cho biết: "Nếu không có đội ngũ HDVTT như anh Dương thì phong trào thể dục thể thao ở cơ sở không thể phát triển được như hôm nay. Nhờ có họ mà các hoạt động triển khai xuống cơ sở được thuận lợi hơn".
11 trong tổng số 18 xã, thị trấn ở huyện Bình Giang đang có HDVTT. Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện, ở những xã đã có HDVTT thì việc nắm bắt tình hình cũng như công tác định hướng chỉ đạo, đôn đốc các công việc liên quan đến hoạt động thể thao thuận lợi hơn hẳn những xã chưa có. Vì nếu chưa có HDVTT, hầu hết mọi công việc liên quan đến lĩnh vực này được đổ dồn lên đầu cán bộ văn hóa - thể thao. Tuy nhiên, cán bộ văn hóa - thể thao ở xã thường phải kiêm nhiệm nhiều việc khác nhau, có những người lại chưa am hiểu về lĩnh vực thể thao nên công tác tổ chức, điều hành phong trào chắc chắn bị ảnh hưởng. "Do chưa tuyển được người nên ở cơ quan duy nhất mình tôi làm mảng thể thao. Tất cả những công việc liên quan đến lĩnh vực này đều do tôi phụ trách xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện là chính. Nếu không có đội ngũ HDVTT cơ sở tham gia hỗ trợ cùng thì khó làm được", ông Dũng nói.
Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao các địa phương khác trong tỉnh khi được hỏi cũng đều thừa nhận vai trò của đội ngũ HDVTT là rất quan trọng. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phạm Sĩ Cẩn đánh giá rất cao tầm quan trọng của đội ngũ HDVTT cơ sở. Ông cho rằng lực lượng này chính là "cánh tay nối dài" của hoạt động thể dục thể thao từ tỉnh đến xã. Đa số các HDVTT đều là những người am hiểu thể thao, luôn bám sát cơ sở, nhiệt tình, tâm huyết với phong trào. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tích cực kêu gọi các địa phương phát triển đội ngũ HDVTT ở các xã, thị trấn, đồng thời thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng này. "Qua việc tổ chức Đại hội Thể dục thể thao lần thứ VIII năm 2018 cấp cơ sở càng thấy rõ hơn vai trò quan trọng của đội ngũ HDVTT các xã, thị trấn. Họ vừa là người tham mưu, vừa là nòng cốt trong xây dựng kế hoạch, tham gia tổ chức các giải thể thao ở cơ sở...", ông Cẩn cho hay.
Cần quan tâm kịp thời
Ở Hải Dương hiện có không ít HDVTT đã cống hiến hàng chục năm cho phong trào thể dục thể thao. Thu nhập của họ phụ thuộc vào số thù lao nhận được từ việc tham gia huấn luyện các lớp thể thao hoặc làm công tác tổ chức và trọng tài điều hành một giải thể thao...
Nhưng không phải lúc nào HDVTT cũng có việc đều để làm. Ông Đông bộc bạch: "Mỗi buổi trưng dụng HDVTT lên tham gia công tác tổ chức, điều hành một giải thể thao của huyện chúng tôi chỉ có thể trả cho họ số tiền bằng một ngày công lao động, khoảng 200.000 đồng/ngày. Nhưng cả năm được mấy giải đâu và cũng chỉ trưng dụng một số người. Áy náy lắm nhưng vì ngân sách hạn chế nên chúng tôi chẳng biết làm sao để hỗ trợ họ tốt hơn".
Ông Cẩn cho biết từ năm 2005, tỉnh đã cho phép Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sử dụng một phần ngân sách được cấp để hỗ trợ cho đội ngũ HDVTT với mức 450.000 đồng/người/quý. Việc hỗ trợ được giới hạn ở số lượng 80 HDVTT, sau tăng lên 120 người và phân bổ đều cho các huyện, thị xã, thành phố. Số tiền hỗ trợ không lớn nhưng là nguồn động viên, khích lệ đối với những người làm công tác HDVTT. Từ tháng 12.2016 đến nay, do một số nguyên nhân nên sở không còn duy trì việc hỗ trợ trên.
Anh Dương cho biết gia đình có công ty kinh doanh nông sản nên không quá lo về kinh tế. Tuy nhiên, nhiều HDVTT không có được điều kiện như vậy. Việc tỉnh bỏ chế độ hỗ trợ đối với họ e rằng sẽ sinh ra chán nản, làm ảnh hưởng tới phong trào thể dục thể thao quần chúng. "Nhiều anh em bỏ công, bỏ sức ra vì phong trào đã nhiều năm nay nên có sự động viên, hỗ trợ kịp thời. Điều này sẽ khích lệ chúng tôi tiếp tục cống hiến vì sự nghiệp thể dục thể thao", anh Dương nói.
Ông Cẩn cho biết Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang phối hợp với các ngành liên quan để nghiên cứu, tham mưu với tỉnh có cơ chế hỗ trợ đối với đội ngũ HDVTT. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng không chỉ cấp tỉnh mà cấp huyện cũng cần sớm dành sự quan tâm thực chất hơn đối với đội ngũ này.
TIẾN MẠNH