Biến động tỷ giá giữa đồng Việt Nam và USD đã gây thiệt hại cho nhiều doanh nghiệp và người dân...
Công ty CP Cửu Long mất gần 50% đơn hàng từ đối tác do tỷ giá thay đổi
Trong vòng 10 ngày qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2 lần điều chỉnh tỷ giá giữa đồng Việt Nam và USD theo hướng giảm giá đồng Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia, việc điều chỉnh tỷ giá là cần thiết trước diễn biến phức tạp của thị trường tài chính quốc tế, để duy trì xuất khẩu... Tuy nhiên, việc điều chỉnh tỷ giá nêu trên cộng với những biến động về tỷ giá giữa tiền đồng Việt Nam với ngoại tệ khác cũng khiến một số doanh nghiệp nhập khẩu gặp khó khăn trong khi người dân lại quay sang tích trữ đồng USD thay cho đồng tiền Việt Nam.
Tại Nhà máy Sản xuất thiết bị phòng cháy chữa cháy (PCCC) Tomoken Việt Nam (khu công nghiệp Đại An), tỷ giá thay đổi buộc công ty phải giảm nhập khẩu thiết bị, tăng cường sử dụng nguyên vật liệu sản xuất trong nước. Hiện tại, sản phẩm chủ lực của công ty là vòi rồng cứu hỏa xuất cho thị trường Nhật Bản và một phần thị trường nội địa. Công ty nhập 50% lượng thiết bị từ Nhật Bản. Phần còn lại được cung cấp bởi các doanh nghiệp trong nước. Gần nửa tháng nay, tỷ giá thay đổi đã ảnh hưởng trực tiếp tới chi phí của công ty. Anh Phan Thế Hoài, Giám đốc nhà máy cho biết: Tháng 5-2015, công ty ký hợp đồng cung cấp thiết bị PCCC cho 1 đối tác ở trong nước, thời gian giao hàng vào tháng 10-2015. Công ty nhận hàng từ công ty mẹ ở Nhật Bản để chuyển giao cho đối tác. Thời điểm ký hợp đồng, giá 1 USD chỉ ở mức 21.000 đồng. Khi tỷ giá được điều chỉnh, do đã ký hợp đồng, phía đối tác thanh toán bằng đồng Việt Nam. Nhưng để trả cho công ty mẹ, công ty phải mua USD với giá đắt hơn gần 1.500 đồng/USD so với thời điểm ký hợp đồng. Để ứng phó với tình hình mới, công ty sẽ hạn chế nhập thiết bị từ nước ngoài, tìm đối tác cung cấp ở trong nước để giảm bớt chi phí đầu vào, tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Là doanh nghiệp chuyên chế biến gỗ xuất khẩu sang thị trường Australia và châu Âu, mỗi năm Công ty CP Cửu Long ở xã Tân Hưng (TP Hải Dương) nhập khoảng 1 triệu USD nguyên liệu từ thị trường châu Âu, Trung Quốc. Hầu hết các hợp đồng nhập nguyên liệu đã được ký từ đầu năm, vì vậy khi tỷ giá được điều chỉnh theo hướng tăng, công ty mất thêm một số chi phí để trả cho các đơn hàng. Giá nguyên liệu đầu vào tăng buộc công ty phải điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm hoặc giảm bớt lợi nhuận nếu muốn giữ nguyên giá các đơn hàng đã ký với khách. Đối với các đơn hàng đối tác thanh toán bằng USD, doanh nghiệp sẽ không chịu thiệt. Tuy nhiên, 80% lượng hàng của công ty xuất khẩu sang thị trường Australia. Thời gian gần đây, giá trị đồng đô la Úc mất tới 20%. Vì vậy, giá thành sản phẩm tăng vọt. Đối tác đã nhiều lần đề nghị công ty giảm giá sản phẩm. Tuy nhiên, nếu giảm giá theo yêu cầu của đối tác, công ty sẽ chịu lỗ. Vì vậy, đối tác bên Úc vừa thông báo cắt 50% đơn hàng, ảnh hưởng tới việc làm của công nhân và kế hoạch sản xuất, kinh doanh của công ty. Đây là thiệt hại rõ nhất của công ty do tỷ giá thay đổi.
Không chỉ doanh nghiệp nhập khẩu chịu thiệt, nhiều cá nhân cần mua USD cho các hợp đồng xuất khẩu lao động cũng chịu thiệt khi tỷ giá thay đổi. Anh Trương Xuân V (Thanh Miện) hiện đang làm thủ tục xuất khẩu lao động sang Nhật Bản. Tuần trước, đơn vị cung ứng dịch vụ vừa yêu cầu anh nộp nốt 3.500 USD để ký hợp đồng. Do chưa thể xoay trở kịp, hôm nay anh V mới gom đủ tiền. Không mua được USD tại ngân hàng, anh buộc phải mua ngoài thị trường tự do với giá 22.800 đồng/USD, cao hơn gần 300 đồng so với giá quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Với 3.500 USD, anh phải trả gần 80 triệu đồng, cao hơn gần 3 triệu đồng so với tuần trước. "Qua một đêm, tự nhiên tôi mất toi gần 3 triệu đồng, kể cũng xót ruột", anh V than thở. Còn chị Phan Ngọc T ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương) cũng tự nhiên mất gần 20 triệu đồng do tỷ giá tăng chóng mặt. Vợ chồng chị chuẩn bị mua xe ô tô phục vụ việc đi lại của gia đình. Tham khảo rất nhiều chỗ, anh chị dự định mua 1 chiếc xe với giá khoảng 290 triệu đồng, tương đương 13.500 USD. Tuy nhiên, sau khi tỷ giá thay đổi, cũng với 13.500 USD, anh chị phải trả gần 308 triệu đồng, cao hơn 18 triệu đồng so với giá trước kia.
Theo lãnh đạo một ngân hàng TMCP ở TP Hải Dương, việc điều chỉnh tỷ giá giữa đồng Việt Nam và USD là tất yếu trong bối cảnh biến động của thị trường tài chính thế giới. Đây là bước đi đón đầu, thể hiện sự chủ động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, góp phần thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu theo chủ trương của Chính phủ. Tuy nhiên, việc thay đổi tỷ giá cũng có mặt trái, ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp nhập khẩu. Theo vị lãnh đạo này, những doanh nghiệp đã ký hợp đồng sẽ bị ảnh hưởng sau 2 lần điều chỉnh vừa qua. Đối với các hợp đồng đã ký, khi đến thời điểm thanh toán, doanh nghiệp sẽ mất nhiều tiền hơn để mua USD trả cho đối tác. Dễ bị ảnh hưởng nhất là những doanh nghiệp nhập nguyên vật liệu, thiết bị cung cấp cho các doanh nghiệp gia công xuất khẩu hoặc nhập sản phẩm nguyên chiếc tiêu thụ tại thị trường nội địa. Đối với các doanh nghiệp này, các đơn hàng đều phải thanh toán bằng USD, nhưng khi bán nội địa doanh nghiệp lại được thanh toán bằng tiền đồng Việt Nam. Ngoài ra, chi phí nhập khẩu tăng khiến chi phí đầu vào tăng theo, buộc các doanh nghiệp phải nâng giá thành sản phẩm để bù đắp. Như vậy, sức cạnh tranh của sản phẩm sẽ giảm. Quan trọng hơn, nhiều doanh nghiệp sẽ xem xét, điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh, tăng cường dự trữ nguyên liệu đầu vào, không dám ký những đơn hàng dài hơi do không lường được sự biến động của tỷ giá từ nay đến cuối năm. Mặc dù hiện tại lãi suất huy động tiền Việt Nam đang khá tốt, người gửi tiền vẫn có lãi do lạm phát thấp. Nhưng nếu đồng Việt Nam tiếp tục mất giá, việc tích trữ đồng USD để bảo đảm giá trị tài sản là điều không thể tránh khỏi.
Từ nay đến cuối năm
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ không điều chỉnh tỷ giá
Sáng 25-8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã có cuộc họp khẩn với các ngân hàng thương mại về tình hình thị trường ngoại tệ trong những ngày gần đây. NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại bán ngoại tệ ra để ổn định thị trường. NHNN sẽ bán lại ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại.
Trước đó, NHNN đã phát đi thông điệp khẳng định sẽ không điều chỉnh tỷ giá nữa và sẽ áp dụng tất cả các biện pháp để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối từ nay đến cuối năm 2015 cũng như những tháng đầu năm 2016. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định tỷ giá biến động trên thị trường vừa qua chủ yếu do tâm lý và có thể do tin đồn để đầu cơ, trục lợi.
Bất chấp động thái từ NHNN, giá USD tại các ngân hàng thương mại sáng 25-8 vẫn được niêm yết ở mức kịch trần. Tại Vietcombank, giá USD giao dịch ở mức kịch trần 22.500 - 22.547 VND/USD (mua vào - bán ra). Tại Techcombank tương ứng ở mức 22.420 - 22.547 VND/USD. Sacombank nâng giá mua vào thêm 20 đồng, lên 22.480 đồng/USD và bán ra ở mức kịch trần 22.547 đồng/USD.
TT
|
VỊ THỦY