Khi giảng bài giáo viên đeo tai nghe mà những lời quát con, mắng con, tiếng ti vi, tiếng nói chuyện cứ chan chát vào tai nhiều lúc không nghe được tiếng các con trả lời...
Đây là nội dung tâm sự của một cô giáo dạy tiểu học tại TP Hải Dương đang phải dạy và học trực tuyến theo quy định để phòng chống dịch Covid-19 nhắn nhủ đến các phụ huynh. Những gì cô giáo này nói đúng như thực tế của không ít lớp học trực tuyến hiện nay, đặc biệt là khối tiểu học. Ngay như lớp con tôi theo học tại một trường tiểu học ở TP Hải Dương cũng có hiện tượng này. Một tối ngồi kèm con học, tôi còn thấy có trường hợp là bà của học sinh bật micro vào giữa giờ học hỏi rất to rằng tại sao cô giáo không cho cháu của bà đọc bài, trong khi các bạn khác được đọc. Dù cô giáo giải thích nhưng người này vẫn hỏi đi hỏi lại, làm buổi học gián đoạn mất một lúc lâu. Đáng nói là ngay đầu giờ học, cô giáo đã trao đổi rất rõ ràng rằng vì thời gian học trực tuyến có hạn nên mỗi buổi cô sẽ chỉ gọi số lượng học sinh nhất định đọc lại bài cũ. Danh sách các bạn đọc bài trong buổi học được cô giáo đọc đi đọc lại 2 lần trước khi tiết học bắt đầu để học sinh và phụ huynh cùng chuẩn bị tinh thần, hạn chế trường hợp bị động không kịp chuẩn bị làm lãng phí thời gian buổi học.
Do diễn biến của dịch Covid-19, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu từ ngày 8.11 học sinh tiểu học, THCS, THPT và Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP Hải Dương chuyển sang học trực tuyến. Từ ngày 11.11, huyện Thanh Hà cũng yêu cầu học sinh từ lớp 1 đến lớp12 chuyển sang học trực tuyến. Thời gian chấm dứt việc học trực tuyến của các địa phương đều chưa thể dự kiến trước. Đây không phải lần đầu ngành giáo dục tỉnh Hải Dương buộc phải cho học sinh học trực tuyến để ứng phó dịch Covid-19.
Khoan bàn đến hiệu quả của việc học trực tuyến với học trực tiếp bởi chúng ta đều biết rằng trong bối cảnh Covid-19 như hiện nay thì học trực tuyến đang được coi là giải pháp hàng đầu để phòng chống dịch tấn công vào trường học, môi trường nhạy cảm có nhiều trẻ em. Vấn đề đáng bàn là khi học trực tuyến thì phải làm sao để có được hiệu quả tốt nhất. Thời điểm mới triển khai học trực tuyến, chúng ta hay nói đến khó khăn về thiết bị đối với học sinh, đặc biệt là với những gia đình điều kiện kinh tế còn hạn hẹp. Hiện nay, đã có không ít giải pháp khắc phục tình trạng này. Điển hình là thông qua chương trình "Sóng và máy tính cho em", nhiều tổ chức, cá nhân đã tặng điện thoại thông minh, máy tính cho học sinh...
Những "hạt sạn" trong học trực tuyến nêu trên có thể thấy nó nằm ở ý thức chủ quan nhiều hơn là nguyên nhân khách quan. Nhiều phụ huynh chưa thật sự thích ứng với hoàn cảnh, còn mang suy nghĩ rằng việc học trực tuyến chỉ là tạm thời trong thời gian ngắn nên chưa quan tâm dành cho con môi trường học tốt nhất; không sắp xếp thời gian hợp lý để kèm cặp con học tập.
Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi tư duy này. Thực tế là dịch Covid-19 đã tồn tại suốt 2 năm qua và sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới. Nguy cơ học sinh phải học trực tuyến vẫn luôn thường trực đối với bất kỳ địa phương nào. Ngay trong Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" ban hành kèm theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11.10.2021 của Chính phủ cũng nêu rõ: Tổ chức Y tế thế giới, các nhà khoa học và các quốc gia nhận định dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023. Chiến lược của nước ta hiện nay là "thích ứng an toàn", vì vậy việc học cũng cần phải thay đổi đồng bộ từ nhận thức đến hành động để thích ứng tốt nhất.
NGỌC THANH