[Video] Nghịch lý thị trường khẩu trang tại Hải Dương

09/08/2020 11:03

Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 20 cơ sở sản xuất khẩu trang, bảo đảm đủ nguồn cung phục vụ nhân dân. Nhưng sản phẩm không trực tiếp đến tay người tiêu dùng mà qua nhiều khâu trung gian nên giá bị đẩy lên cao.


Năng lực sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang trên địa bàn tỉnh bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người dân. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty CP PALAT HD ở cụm công nghiệp Gia Lộc

Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) sản xuất khẩu trang tại Hải Dương đủ năng lực đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân trong tỉnh. Tuy nhiên, trên thị trường vẫn xuất hiện tình trạng khan hiếm khẩu trang y tế (KTYT) tại các hiệu thuốc và cửa hàng tạp hóa và siêu thị.

Sản xuất nhiều

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã đầu tư máy móc, dây chuyền để sản xuất các loại khẩu trang phục vụ công tác phòng chống dịch.

Cùng với ngành nghề đang hoạt động, từ đầu năm 2020, Công ty CP PALAT HD ở cụm công nghiệp Gia Lộc đã đầu tư thêm 180 máy chuyên sản xuất các loại  KTYT để xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Trung bình mỗi ngày, công ty sản xuất khoảng hơn 500.000 KTYT. Nếu hoạt động hết công suất, số lượng khẩu trang DN sản xuất ra sẽ tăng thêm từ 30 – 50%. Công ty đang mở rộng xưởng sản xuất, lắp đặt thêm máy móc. Dự kiến, trong những ngày tới xưởng sản xuất mới của công ty sẽ đi vào hoạt động và tăng công suất lên gấp đôi so với hiện nay. Trước đây, DN này xuất khẩu khẩu trang sang thị trường Nhật Bản, Mỹ nhưng từ tháng 7.2020, công ty tạm dừng xuất khẩu, ưu tiên phục vụ thị trường nội địa, đặc biệt là thị trường trong tỉnh.


Công ty CP Tập đoàn VietPower ở xã Đại Sơn (Tứ Kỳ) có thể nâng công suất lên 1,5 triệu chiếc khẩu trang/ngày

Công ty CP Thương mại dịch vụ y tế TOMIHU Việt Nam ở xã Lai Vu (Kim Thành) sản xuất KTYT được gần 2 năm nay. Công ty có 2 dây chuyền sản xuất. Hiện nay, trung bình mỗi ngày công ty sản xuất được 50.000 chiếc KTYT các loại. Ông Tô Tiến Dũng, Giám đốc công ty cho biết: “Công ty chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng. Với số lượng đơn hàng như hiện nay, 2 dây chuyền sản xuất mới đang hoạt động 50% công suất. Nếu thị trường có nhu cầu, công ty vẫn có khả năng tăng sản lượng“.

Mới sản xuất KTYT được gần một tháng nay, Công ty CP Tập đoàn VietPower ở xã Đại Sơn (Tứ Kỳ) hiện có 31 máy sản xuất KTYT 4 lớp và 2 máy sản xuất khẩu trang N-95. Hơn 200 lao động của công ty chia ca làm việc 24/24 giờ. Mỗi ngày DN sản xuất được 1,3 triệu khẩu trang. Thời gian tới, công ty có thể nâng công suất lên 1,5 triệu chiếc/ngày. Riêng khẩu trang N-95 dự kiến cung cấp khoảng 2 triệu chiếc/tháng. “Nhu cầu đang rất lớn, nhưng trước mắt chúng tôi ưu tiên ký hợp đồng cung cấp sản phẩm cho các khách hàng trong tỉnh và các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng”, ông Trần Văn Trung, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn VietPower khẳng định. 

Theo thống kê sơ bộ của Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 20 cơ sở sản xuất khẩu trang. Năng lực cung ứng khẩu trang kháng khuẩn bình quân 1 ngày của các đơn vị đã ký cam kết với Sở Công thương bảo đảm đủ đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong tỉnh. Qua tìm hiểu, ngoài DN sản xuất KTYT theo thống kê của Sở Công thương, còn nhiều DN khác cũng đang sản xuất KTYT để phục vụ phòng chống dịch. Vì vậy, các DN trong tỉnh hoàn toàn đủ khả năng cung ứng KTYT cho người dân trong tỉnh.


Hiện nay tại nhiều siêu thị, cửa hàng tiện ích, quán tạp hóa không bán khẩu trang y tế. Trong ảnh: Cửa hàng tiện ích vinmart+ không còn khẩu trang y tế để bán

Thị trường vẫn khan hiếm?

Mặc dù nguồn cung dồi dào nhưng người dân vẫn gặp khó khăn khi tìm mua KTYT. Hiện nay, tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn tỉnh không bán KTYT mà chỉ có khẩu trang vải. Tại các quầy bán thuốc, nhiều hiệu thuốc không có hàng hoặc có nhưng số lượng rất ít. Tuy nhiên, trên mạng xã hội, KTYT được chào bán tràn lan, rầm rộ với nhiều mức giá khác nhau.

Theo đại diện Siêu thị Big C Hải Dương, đơn vị hiện chỉ đặt KTYT cho nhân viên sử dụng mà không đặt hàng để bán. Nguyên nhân do từ khi có dịch Covid-19, giá KTYT tăng cao, hơn nữa, một bộ phận người dân có tâm lý mua nhiều khẩu trang tích trữ nên nhiều người cần mua sử dụng thì không có. 

Nhiều DN cho rằng sản phẩm của công ty sản xuất ra không trực tiếp đến tay người tiêu dùng mà qua các khâu trung gian nên giá bị đẩy lên cao. Nhiều người kinh doanh, buôn bán không có tâm nên nhập khẩu trang trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chất lượng về rao bán tràn lan trên mạng với giá “thượng vàng hạ cám”.

Bà Phạm Thị Hà Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty CP PALAT HD cho biết: “Các đơn đặt mua hàng của công ty chủ yếu là các DN, thương nhân. Khẩu trang có nhiều loại với giá bán khác nhau. Một số người kinh doanh không phân tích cho người mua hiểu tác dụng của từng loại khẩu trang như: khẩu trang 3 lớp có giấy kháng khuẩn hoặc vải kháng khuẩn; 4 lớp vải không dệt, có giấy kháng khuẩn hoặc vải kháng khuẩn... khác nhau như thế nào. Người tiêu dùng không biết nên có trường hợp “lập lờ đánh lận con đen", bán khẩu trang không kháng khuẩn với giá “kháng khuẩn". Tình trạng giá bán cao nhưng không đúng với chất lượng xảy ra phổ biến".



Khẩu trang y tế khan hiếm tại các siêu thị, quầy thuốc nhưng được rao bán rầm rộ trên mạng xã hội

Hiện nay do giá nguyên liệu sản xuất KTYT tăng mạnh nên giá xuất xưởng cũng tăng theo nhưng các DN luôn mong muốn sản phẩm của công ty đến tay người dùng đúng giá, đúng chất lượng. Giá KTYT 4 lớp được DN bán với giá dao động từ 50.000 – 90.000 đồng/hộp 50 chiếc, tùy từng loại.

Trước thực trạng này, các ngành chức năng cần tích cực vào cuộc, kiểm tra, xử lý các tình trạng đầu cơ, tích trữ KTYT. Rà soát chặt chẽ chất lượng khẩu trang, giá bán niêm yết từng loại trên thị trường để bảo đảm công tác phòng chống dịch hiệu quả cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.


Xem clip

MẠNH LAN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    [Video] Nghịch lý thị trường khẩu trang tại Hải Dương