Nghèo nàn đồ chơi giáo dục ở huyện

18/09/2019 08:24

Đồ chơi mang tính giáo dục đem lại nhiều kỹ năng và kiến thức bổ ích cho trẻ em nhưng ở các huyện những đồ chơi này còn nghèo nàn về hình thức cũng như số lượng.


Trẻ chơi bằng đồ chơi do giáo viên mầm non tự sắp xếp, tự làm

Thiếu tính cạnh tranh

Đồ chơi giáo dục (ĐCGD) không đơn thuần chỉ giúp trẻ nhỏ giải trí, vui chơi mà còn kích thích khả năng sáng tạo, quan sát, tìm kiếm, phản xạ, phát triển tư duy của chúng. Hiện trên thị trường xuất hiện nhiều loại ĐCGD dành cho trẻ như bộ xếp hình, rút thanh gỗ, sách 3D, sách tô màu, lego... Trong khi các món đồ chơi ăn theo các phim hoạt hình của nước ngoài có mẫu mã đẹp được bày bán rộng khắp thì ĐCGD lại khá đơn điệu, ít kiểu dáng nên ít người tiêu dùng quan tâm. Dạo quanh các siêu thị, cửa hàng ở vùng nông thôn có thể dễ dàng nhận thấy đồ chơi mang tính giáo dục rất thưa thớt.

Chị Phạm Thị Hà, chủ cửa hàng bán đồ chơi ở chợ Đọ, xã Ứng Hoè (Ninh Giang) cho biết: "Phụ huynh chủ yếu mua ô tô, siêu nhân, búp bê… về làm quà cho trẻ nhỏ do mẫu mã đẹp, đa dạng kiểu dáng. Người hỏi mua đồ chơi mang tính giáo dục chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mỗi tháng, chúng tôi chỉ bán được từ 5-10 sản phẩm ĐCGD, thấp hơn nhiều so với các loại đồ chơi khác. Những món đồ chơi mang tính bạo lực như kiếm nhựa, súng nhựa… lại bán rất chạy".

ĐCGD hiện còn có thêm đối thủ cạnh tranh mới là những chiếc máy tính bảng, điện thoại thông minh. Ở nông thôn, không ít gia đình đã có những thiết bị này. Các trò chơi trên thiết bị điện tử thường thu hút trẻ nhỏ bởi hình ảnh sinh động, nhạc vui, dễ thuộc.

"Thay vì phải mất tiền mua những ĐCGD, tôi tải nhiều phần mềm dạy học trên điện thoại. Nội dung ở các ứng dụng này phong phú hơn nhiều do được nâng cấp liên tục. Đặc biệt, trẻ nhỏ có thể vừa học chữ, học đếm mà vẫn được giải trí thông qua những nhân vật hoạt hình ngộ nghĩnh", chị Hoàng Thị Nhung ở xã Thống Kênh (Gia Lộc) cho biết.

Hiện nay, trên thị trường ĐCGD thường có giá khá cao nên không thu hút người mua. Một bộ sách điện tử có giá từ 150.000-500.000 đồng, bộ ghép hình chất liệu gỗ từ 50.000- 250.000 đồng, bộ học chữ thông minh 35.000-300.000 đồng... Phần lớn các sản phẩm này là hàng nhập ngoại nên các bậc phụ huynh muốn tìm mua phải đặt trên mạng.



Các đồ chơi như súng, kiếm bằng nhựa rất dễ tìm, còn đồ chơi mang tính giáo dục lại hiếm

Không phổ biến

Loay hoay trong một cửa hàng bán đồ chơi trẻ em tại chợ Cuối, thị trấn Gia Lộc, một phụ huynh cho biết: "Tôi rất muốn mua ĐCGD, nhất là hàng được sản xuất trong nước nhưng khó có thể tìm mua những sản phẩm mà bọn trẻ thích ở các cửa hàng bán đồ chơi tại đây. Những món ĐCGD đang bán nghèo nàn về mẫu mã, thiếu tính sáng tạo nên không kích thích sự tò mò, khám phá của trẻ. Tôi phải đặt mua những đồ chơi trên mạng với giá đắt hơn nhiều so với hàng trong nước".

Tại các trường mầm non, việc lựa chọn ĐCGD cho trẻ đang được nhiều thầy cô quan tâm. Những món đồ chơi này đóng vai trò không nhỏ trong việc định hình tư duy và lối sống của trẻ. Nhưng để tìm mua loại này ở quê không dễ dàng nên hầu hết cô giáo ở các trường phải tự làm đồ chơi cho các em.

Cô giáo Nguyễn Thị Ngát, Hiệu trưởng Trường Mầm non Lam Sơn (Thanh Miện) cho biết: "Trẻ hiếu động nên thường thích những món đồ chơi biết cử động, phát ra âm thanh. Để kích thích tính sáng tạo và khả năng tư duy của các em, chúng tôi thường làm những món đồ chơi như bộ nhận biết màu sắc, hình ảnh, con vật, xếp hình, xếp chữ...".

Một số phụ huynh phải nhờ người nhà mua đồ chơi ở các thành phố lớn hoặc đặt mua hàng nhập ngoại với giá cao hơn nhiều so với hàng nội địa. Đơn cử như sách điện tử dành cho trẻ từ 3-12 tuổi đang được nhiều phụ huynh tìm mua nhưng mặt hàng này hầu như không có mặt tại các siêu thị, cửa hàng đồ chơi ở tuyến huyện.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh Liên ở thị trấn Thanh Hà cho biết: "Nhà tôi có 1 cháu trai 3 tuổi nên tôi rất muốn thông qua đồ chơi giúp cháu nhận biết thêm về thế giới xung quanh.

Song việc tìm mua những đồ chơi này cho cháu rất khó mà chủ yếu là những đồ chơi bằng nhựa ăn theo phim hoạt hình không bảo đảm an toàn. Vì ít lựa chọn, tôi phải tìm hiểu, đặt mua đồ chơi cho con trên Hà Nội".

ĐCGD không chỉ giúp trẻ thoát khỏi những bài học khô khan, dập khuôn mà còn thúc đẩy tính tự giác tìm tòi, học hỏi những điều mới lạ. Các bậc phụ huynh cần có cách nhìn đúng đắn về các loại đồ chơi, từ đó lựa chọn những sản phẩm phù hợp với độ tuổi của trẻ.

ĐỖ QUYẾT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghèo nàn đồ chơi giáo dục ở huyện