Ngành thực phẩm, đồ uống Việt Nam: Nhiều tiềm năng phát triển

04/11/2019 20:14

Trong những năm gần đây, ngành thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam đang tiếp tục tăng trưởng nhanh cả về số lượng và chất lượng.

Thị trường thực phẩm - đồ uống cạnh tranh khốc liệt với sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước

Đây được đánh giá là ngành có tiềm năng lớn, thu hút nhiều doanh nghiệp ngoại quan tâm đầu tư. 

Triển lãm quốc tế chuyên ngành thực phẩm - đồ uống & thiết bị công nghệ chế biến, bao bì thực phẩm, đồ uống (Vietfood & Beverage-ProPack 2019) - sự kiện hàng đầu trong ngành thực phẩm và đồ uống sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 6 - 9.11.

Tăng trưởng nhanh cả số lượng và chất lượng

Việt Nam là quốc gia có lượng sản phẩm nông nghiệp và nguồn nguyên liệu thô dồi dào, rất thuận lợi cho việc cung ứng nguyên liệu cho hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm, đồ uống.

Mặt khác, với dân số trên 96 triệu người, trong đó có trên một nửa dân số dưới 30 tuổi, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tiêu thụ thực phẩm và đồ uống tiềm năng nhất khu vực.

Theo ước tính của Bộ Công thương, mức tiêu thụ hàng năm của ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam luôn chiếm khoảng 15% GDP và có xu hướng tăng trong thời gian tới.

Với các yếu tố trên, Việt Nam được đánh giá là ngành có tiềm năng lớn để phát triển ngành thực phẩm và đồ uống, đặc biệt tại các thành phố và thị trấn, nơi có mức sống ngày càng được cải thiện.

Trên thực tế, trong những năm gần đây, ngành thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam đang tăng trưởng nhanh cả về số lượng và chất lượng. Năm 2018, tiêu thụ thực phẩm và đồ uống tăng trưởng mạnh với mức tăng 18%.

Đi đôi với sự phát triển của ngành thực phẩm và đồ uống là sự phát triển của ngành thiết bị và bao bì thực phẩm.

Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm được xem là 1 trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho cư dân, mà còn tạo ra nhiều mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao. Từ đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cùng các tỉnh lân cận. Hiện trang thiết bị, khoa học kỹ thuật và công nghệ trong ngành chế biến lương thực, thực phẩm của thành phố cũng được xếp vào dạng hiện đại nhất cả nước.

Thực tế cho thấy nhu cầu tiêu dùng của người dân ở các đô thị lớn đối với thực phẩm và đồ uống ngày càng nhiều và đa dạng, đặc biệt là sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, dinh dưỡng. Cùng với đó là sự gia tăng xu hướng thức ăn nhanh ngày càng mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam, mang lại cơ hội lớn cho sản lượng tiêu thụ ngành thực phẩm và đồ uống.

Không dừng lại, ngành thực phẩm và đồ uống còn có nhiều tiềm năng tăng sức mua khi chuỗi cửa hàng tiện lợi ngày càng được mở rộng về quy mô và phủ sóng rộng khắp, đã và đang giúp các doanh nghiệp ngành này có thêm nhiều kênh phân phối, tiêu thụ hàng hóa.

Hấp dẫn doanh nghiệp ngoại

Với các tiềm năng trên, thị trường thực phẩm và đồ uống Việt Nam ngày càng hấp dẫn đối với các doanh nghiệp ngoại với hàng loạt các thương vụ chuyển giao, mua bán-sáp nhập giữa doanh nghiệp ngoại và các đơn vị trong nước. Điển hình là các thương vụ: CJ Group (Hàn Quốc) mua 65% cổ phần (CP) của Công ty TNHH Thực phẩm Minh Đạt và mua 47,33% CP của Công ty CP Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre; Earth Chemical (Nhật Bản) mua 100% CP của Công ty CP Á Mỹ Gia; Daesang Corp (Hàn Quốc) mua 100% CP của Công ty CP Thực phẩm Đức Việt; Fraser & Neave Ltd. (Singapore) mua 5,4% CP của Công ty CP Sữa Việt Nam Vinamilk; KKR (Mỹ) mua 7,5% CP của Masan Group; ACA Investments (Nhật Bản) mua 20% CP của Bibo Mart...

Khi các doanh nghiệp nước ngoài tích cực có mặt tại thị trường Việt Nam sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư sản xuất tại các khu công nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người lao động, chuyển giao công nghệ, đưa sản phẩm trở nên đa dạng hóa và tiện ích.

Tuy nhiên, đây cũng là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp nội khi sức cạnh tranh của các doanh nghiệp này còn yếu, đòi hỏi phải có sự nỗ lực trong việc đổi mới, thích nghi để hòa vào “sân chơi” thương mại chung.

Theo đó, cùng với việc đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng xu hướng thị hiếu tiêu dùng, điều quan trọng hơn với các doanh nghiệp thực phẩm, đồ uống là phải gia tăng chất lượng sản phẩm ngay từ các khâu trong chuỗi sản xuất. Mỗi thành viên tham gia vào chuỗi cung ứng thực phẩm từ nông dân, các nhà sản xuất, chế biến cần tạo ra những sản phẩm có chất lượng ổn định, an toàn, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Đặc biệt, cần có sự hợp tác tốt giữa các thành viên trong chuỗi. Đây là hướng đi bền vững để nâng cao vị thế của thực phẩm Việt Nam.

Đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng

Ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh đến năm 2020 với mức tăng trung bình 10,9%/năm nhờ thu nhập người dân cải thiện và xu hướng tiêu dùng sản phẩm giá trị cao hơn sẽ chiếm lĩnh thị hiếu tiêu dùng.

Trong khảo sát nhanh các doanh nghiệp trong ngành do Vietnam Report tiến hành tháng 9, có đến 66% các doanh nghiệp tham gia khảo sát tự tin rằng họ sẽ tăng trưởng trong mức doanh thu và lợi nhuận trong năm 2019, chỉ có 27% cho rằng tăng trưởng dưới 10% và 7% cho rằng kết quả kinh doanh không thay đổi so với năm 2018.

Cùng với đó, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sạch và đồ uống có lợi cho sức khỏe sẽ có những bước chuyển tích cực trong tất cả các phân khúc đi kèm với sự dịch chuyển lên nhóm hàng thực phẩm có giá trị cao trong tương lai, hứa hẹn cơ hội tăng trưởng mạnh cho các công ty thực phẩm sạch và thức uống có lợi cho sức khỏe.

Trong phỏng vấn các chuyên gia trong ngành thực phẩm đồ uống của Vietnam Report tiến hành tháng 9, có đến 46% các chuyên gia nhận định rằng sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ, thiên nhiên và 36% nhận định rằng sản phẩm tiện lợi, sản phẩm khác lạ cho giới trẻ sẽ là những xu hướng chính của các dòng sản phẩm trên thị trường trong thời gian tới.

Khảo sát nhanh người tiêu dùng tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vào tháng 9 của Vietnam Report cũng cho thấy ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng khi mua các sản phẩm thực phẩm-đồ uống đó là thành phần dinh dưỡng đầy đủ (tỷ lệ phản hồi 60,3%), tiếp đến là sản phẩm có nguồn gốc organic (tỷ lệ 51,5%).

Đặc biệt, trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, việc chú trọng nghiên cứu và sử dụng các ứng dụng của dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) cũng được xem là một chiến lược.

Trong thời gian qua, một số doanh nghiệp thực phẩm đồ uống ở Việt Nam đã sử dụng các ứng dụng này. Điển hình như VinMart với Scan & Go- thanh toán siêu tốc, giúp tiết kiệm tới 90% thời gian xếp hàng chờ đợi; hay Vinamilk với việc sử dụng rộng rãi robot trong các khâu chế biến, xử lý và vận hành.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, xu hướng tiềm năng nhất mà Big Data mang lại cho ngành thực phẩm đồ uống đó là khả năng cá nhân hóa từ dữ liệu đã thu thập, chia sẻ dữ liệu và hỗ trợ tự động hóa.

Với dữ liệu thu thập được về các chỉ số cơ thể và sức khỏe của khách hàng, qua phân tích dữ liệu lớn, đưa ra chế độ dinh dưỡng hợp lý nhất và thiết kế bữa ăn kèm theo dịch vụ giao hàng tận nơi. Qua đó, sản phẩm sẽ có khả năng đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng và sở thích khác nhau của mỗi cá nhân. Đây là xu hướng mới nhưng khả năng sẽ trở thành xu hướng phát triển mạnh nhất nhất trong nhiều năm tới khi các thiết bị đeo để theo dõi sức khỏe trở nên thịnh hành.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngành thực phẩm, đồ uống Việt Nam: Nhiều tiềm năng phát triển