Đổi thay âm thầm, tiệm tạp hoá thôn quê đấu đại gia Thái - Nhật

28/11/2021 13:17

Chủ tiệm tạp hóa Thanh Ngọc ngồi so sánh giá hàng nghìn mặt hàng chỉ với chiếc điện thoại trên tay. Sau một chạm xác nhận, xe hàng trị giá cả chục triệu đồng sẽ giao đến tận cửa.


Mô hình tiệm tạp hóa bán lẻ đang dần quen với phương thức nhập hàng sỉ online

Ông, bà chủ tiệm tạp hóa lướt smartphone, mua hàng sỉ

Mỗi cuối tuần, bà Thanh Ngọc - chủ một tiệm tạp hóa tại TP Biên Hòa (Đồng Nai) - thay vì tìm đến các nhà phân phối sỉ để nhập hàng giờ ngồi tại chỗ để order (đặt hàng) về bán. Kem đánh răng, dầu gội, bia, nước giải khát,... từ hóa mỹ phẩm cho đến hàng thiết yếu, tất cả được giao đến tận cửa nhà.  

Tiết kiệm thời gian, nhiều tiện lợi là yếu tố khiến chủ cửa hàng tạp hóa truyền thống này dần chuyển sang mô hình “tạp hóa công nghệ”. Cả hai tiệm tạp hóa đối thủ trong khu phố cũng đều có gian hàng trực tuyến.

“Tôi có thể quản lý danh mục mua sắm hàng chục triệu, đối chiếu nhu cầu mua đồ của người dân giữa các giai đoạn để điều chỉnh chủng loại mặt hàng cũng như số lượng nhập về”, bà Ngọc nói.

Sự thay đổi về nhận thức của chủ tiệm tạp hóa trên không phải là trường hợp cá biệt. Xu hướng “online hóa” trong B2B sau đại dịch Covid-19 có nhiều lợi thế và cạnh tranh hơn so với bán hàng truyền thống. Ở đây, B2B là viết tắt của thuật ngữ “Business to Business” - mô hình kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), trong đó, giao dịch xảy ra giữa các dạng thức doanh nghiệp với nhau, giao dịch thường bắt đầu từ các giao tiếp trên sàn điện tử. Hệ thống các tiệm tạp hóa truyền thống đang dần trở thành một chữ “B” đúng nghĩa trong chuỗi phân phối của thị trường.

Với các đại lý bán lẻ tại 26 tỉnh, thành phố trên cả nước, ông Nguyễn Minh Hạnh - đại diện nền tảng TMĐT Telio Việt Nam, nhận định xu hướng “online hóa” các giao dịch mua bán có nhiều đột phá trong vài năm trở lại đây và sẽ tiếp tục phát triển. Dòng người dịch chuyển về quê sau đại dịch cũng khiến mức độ tiêu thụ hàng hóa tại khu vực tỉnh lẻ hay vùng nông thôn được dự doán tăng cao. “Tạp hóa công nghệ” sẽ không còn xa lạ ở các khu vực này.

Ông Võ Duy Phú, đại diện VinShop phân tích xu hướng ngành bán lẻ trên thế giới đều trải qua 5 giai đoạn: chợ; siêu thị; trung tâm thương mại; e-commerce; online to offline. Sự phát triển của nền tảng công nghệ cộng hưởng với bối cảnh dịch bệnh đã thúc đẩy số hóa trong ngành bán lẻ diễn ra nhanh hơn.

Có thể việc lên đơn online đã quá quen thuộc với nhiều người trẻ, nhưng đối với khoảng 80.000 chủ tiệm tạp hóa mà doanh nghiệp này đang phục vụ, họ lần đầu tiên sử dụng smartphone để nhập hàng, thì đây chính là một cuộc cách mạng lớn trong ngành bán lẻ truyền thống.

Số hóa phải thực sự mang lại giá trị

Vậy đâu là lý do khiến mô hình “tạp hóa công nghệ” đang len lỏi tới từng khu phố? Câu trả lời là chính sách giá, chương trình khuyến mãi được minh bạch niêm yết trên sàn. Ngoài ra, đối tác chỉ cần theo dõi đơn trên ứng dụng và được nhận hàng trong vòng 24 giờ.

Theo ông Hạnh, trong bối cảnh Việt Nam đang khuyến khích đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, sắp tới, các giải pháp thanh toán qua ví điện tử cho các cửa hàng bán lẻ phát triển - đây là các xu hướng được nhiều khách hàng lựa chọn sau đại dịch Covid-19.

Đồng quan điểm, đại diện Vinshop cho rằng số hóa phải mang lại giá trị cho người dùng thì họ mới có động lực để “lên đời” công nghệ. Với sự hỗ trợ từ công nghệ, luồng hàng được lưu thông nhanh hơn từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng, giải quyết các vấn đề tồn tại của ngành bán lẻ truyền thống.

“Nhập hàng một chạm giúp hạn chế tiếp xúc trong bối cảnh dịch bệnh. Ngồi tại chỗ lựa chọn và so sánh giá cả nghìn sản phẩm. Hàng được giao đến tận cửa nhà trên một chuyến xe tải. Đó là giá trị rất thật mà số hóa mang lại”, ông Phú chia sẻ.

Giám đốc Trung tâm Xuất sắc về kỹ thuật số, Đại học RMIT Việt Nam - ông Jerry Watkins nhìn nhận sự chuyển đổi nhanh chóng của khách hàng, nhân viên và nhà cung cấp sang không gian trực tuyến do các hạn chế của đại dịch đã khiến doanh nghiệp Việt Nam cũng như các nơi khác trên thế giới không có nhiều lựa chọn ngoài việc đẩy nhanh triển khai quy trình và hệ thống kinh doanh trên nền tảng công nghệ.

Có nhiều ý kiến đề xuất rằng nên nhanh chóng quay trở lại hoạt động kinh doanh như thường lệ sau khi các lệnh hạn chế được dỡ bỏ. Dẫu vậy, tính khả thi của đề xuất này là không cao khi nhìn vào trường hợp của Vương quốc Anh. Ngay cả sau “Ngày Tự do”, nhiều công ty ở Anh vẫn tiếp tục hình thức làm việc tại nhà để giảm chi phí văn phòng, cải thiện sự cân bằng trong công việc - cuộc sống của nhân viên, cũng như dự phòng cho tình huống bị phong tỏa lần nữa trong tương lai, điều được dự báo là khả năng cao sẽ xảy ra.

Cũng theo chuyên gia từ Đại học RMIT, sự chuyển hướng lâu dài của nhiều người tiêu dùng sang mua sắm trực tuyến sẽ đặt dấu hỏi lớn cho tương lai của các trung tâm, cửa hàng bán lẻ và nhiều ngành nghề khác. Nhưng có một điều không thể phủ nhận, nhờ ứng dung công nghệ mà các cửa hàng tạp hoá những tưởng lép vế đang trở nên mạnh mẽ, cạnh tranh ngang cơ với những đại siêu thị của ông lớn bán lẻ Thái - Nhật xuất hiện ngày càng nhiều ở Việt Nam.

Theo Vietnamnet

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổi thay âm thầm, tiệm tạp hoá thôn quê đấu đại gia Thái - Nhật